Người trẻ Việt Nam gia nhập cuộc đua công nghệ bán dẫn toàn cầu

(Sóng trẻ) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng, cần phấn đấu cao nhất để biến thách thức thành cơ hội, phát triển đội ngũ nhân lực trẻ trước làn sóng AI, bán dẫn toàn cầu.

Cần tăng tốc trước “cơn bão” cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, với mục tiêu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước: Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Điều này đồng nghĩa với việc quỹ thời gian còn lại của chúng ta rất ngắn, trong khi đó cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão”, bộ trưởng nêu quan điểm. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định cần lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số, công nghệ xanh làm động lực phát triển, đồng thời dựa vào các giá trị văn hoá, con người Việt Nam để trỗi dậy, vươn lên. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình và điều kiện của Việt Nam hiện nay. Từ đó, có thể thấy, điều quan trọng nhất là bước đi, chiến lược và quyết tâm với mục tiêu nắm bắt những cơ hội dù nhỏ nhất, cần dựa vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành công nghệ mới nổi, ngành công nghệ giá trị cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

image3.jpg

Lĩnh vực bán dẫn được đánh giá là “xương sống” phát triển nhiều ngành công nghiệp hiện nay. (Ảnh: Internet).

Đây là những lĩnh vực đòi hỏi Việt Nam phải tăng tốc, hành động thật nhanh. Nhân lực trẻ Việt Nam cũng đang đứng trước bài toán khó, đặc biệt là làm thế nào để tham gia vào chuỗi giá trị và phát triển nguồn nhân lực.

Việt Nam có lợi thế trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao

Để nắm bắt cơ hội, những năm qua, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm thu hút đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hướng đến các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện nay, chúng ta đã hội tụ đủ các điều kiện để đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong những lĩnh vực công nghiệp đầy tiềm năng này. Theo đó, Việt Nam đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển với các quốc gia, nền kinh tế phát triển. Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn, trí tuệ nhân tạo uy tín trên thế giới, nước ta thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Chính phủ Hoa Kỳ đã lựa chọn Việt Nam là một trong sáu quốc gia trên thế giới tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI). Đây là sáng kiến thuộc Đạo Luật Khoa học và Chips, cũng như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và AI. 

image2.jpg
Công bố Quỹ Đổi mới sáng tạo và an ninh công nghệ quốc tế (ITSI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam. (Ảnh: MPI).

Tháng 9/2024 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Đồng thời, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)… cùng đào tạo tạo nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Đánh giá về những lợi thế của Việt Nam, bộ trưởng nhấn mạnh, trước hết, nước ta có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao. Hai là, Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng, có thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và được đánh giá cao về năng lực tiếp cận khoa học công nghệ cũng như các lĩnh vực STEM.

Ba là, việc lựa chọn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo dựa trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp thực tiễn khách quan, nhằm mục tiêu hiện thực hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc bắt kịp, tiến cùng, vượt lên so với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Thứ tư, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ năm 2021. Đặc biệt, ngày 21/9/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và đối tác trong nước và quốc tế đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, nhằm thực hiện được mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư từ nay tới năm 2030. 

image1.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. (Ảnh: Internet).

Thứ năm, hiện nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Cadence, Synopsys, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.

Thứ sáu, chúng ta đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư trong năm 2024 để hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao.

Cuối cùng, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban; đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng với 03 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. 

“Hãy tin tưởng vào thị trường Việt Nam, tin tưởng vào sự cam kết, đồng hành của Chính phủ Việt Nam mang lại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Thiết kế bao bì: Sự khác biệt mang lại dấu ấn

Thiết kế bao bì: Sự khác biệt mang lại dấu ấn

Tin nổi bật1 giờ trước

(Sóng trẻ) - Chiều ngày 30/10/2024, Arena Multimedia và Instory tổ chức Talkshow: Packaging Design tại Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Phạm Văn Bạch (D29 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội). Sự kiện nhằm giải đáp các thắc mắc về vấn đề thiết kế

Gần 70 doanh nghiệp chọn Google làm đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực AI bảo mật

Gần 70 doanh nghiệp chọn Google làm đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực AI bảo mật

Tin nổi bật5 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng ngày 30/10/2024, CloudAZ phối hợp cùng Google Cloud tổ chức hội thảo với chủ đề "Google Cloud: Xây dựng bảo mật và các giải pháp về GenAI" tại khách sạn Lake Side (23 Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hà Nội), quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong

Quy tụ 260 đơn vị tại Triển lãm quốc tế điện tử và thiết bị thông minh tại Hà Nội

Quy tụ 260 đơn vị tại Triển lãm quốc tế điện tử và thiết bị thông minh tại Hà Nội

Tin nổi bật5 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng ngày 30/10/2024, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (I.C.E) (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra Triển lãm quốc tế điện tử và thiết bị thông minh (IEAE) tại Việt Nam.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN