Người trẻ với nghề KOL, KOC (Bài 1): "Mảnh đất" nghề nghiệp màu mỡ trên mạng xã hội
(Sóng trẻ) - Thời đại công nghệ số phát triển biến các nền tảng mạng xã hội trở thành sân chơi “hái ra tiền” cho những bạn trẻ đam mê sáng tạo.
Cơ hội nghề nghiệp mới
Song song với sự bùng nổ của kỷ nguyên công nghệ, các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần quan trọng trong đời sống. Mọi người dễ dàng tìm kiếm các thông tin cần thiết, từ giải trí, nghệ thuật đến kinh tế, giáo dục. Điều đó mở ra nhiều cơ hội mới cho người trẻ, họ tận dụng mạng xã hội để sáng tạo nội dung, kiếm thêm thu nhập, đồng thời truyền tải những thông điệp tích cực.
Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các nền tảng số và nền tảng dịch vụ trung gian xuyên biên giới đang là cú hích đưa ngành công nghiệp nội dung số trở thành xu hướng phát triển nổi bật trên toàn cầu, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Mạng xã hội mở ra cho người trẻ cơ hội việc làm đa dạng như: Freelancer, content creator, KOL (người có sự ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng chủ chốt), TikToker, Blogger,… và nhóm công việc liên quan đến tiếp thị sản phẩm còn gọi là Affiliate.
Nguyễn Hải (21 tuổi, Vĩnh Phúc), người sáng tạo kênh Tik Tok Hải He thu hút lượng lớn người theo dõi bằng những video diễn xuất hài hước. Hiện nay, kênh Tik Tok của anh chàng đạt 145 nghìn lượt theo dõi và 4.7 triệu lượt thích. Từng là sinh viên Truyền thông đa phương tiện của trường Cao đẳng Truyền hình VTV, Nguyễn Hải hiểu rõ cách thức thu hút người xem trên các nền tảng mạng xã hội, cộng với niềm đam mê diễn xuất, chàng trai đã xác định sáng tạo chính là một nghề để theo đuổi.
“Tạo ra những video diễn xuất là sở thích của mình, và từ khi lập kênh Tik Tok, nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người xem, mình lại càng có thêm động lực. Ngoài ra, sáng tạo nội dung còn đáp ứng nhu cầu về kinh tế nên mình xác định đây là nghề chính. Đam mê mà ra tiền thì quá hoàn hảo rồi”, Nguyễn Hải cho biết thêm.
Theo khảo sát của Business Insider cùng YouGov, trong số hơn 1.800 người thuộc 5 thế hệ, có hơn 600 là Gen Z trên 18 tuổi. Trong đó, có 38% người thuộc thế hệ Z ủng hộ lý tưởng sống một cuộc sống thoải mái và làm việc ít hơn 40 giờ/tuần. Đối với nhiều bạn trẻ, công việc văn phòng bó buộc và có phần nhàm chán nên họ sẵn sàng từ bỏ để dành thời gian cho bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống và tìm kiếm sự linh hoạt trong công việc.
Hương Quỳnh (22 tuổi, Hà Nội), nhà sáng tạo kênh Quỳnh Rì Viu với gần 150 nghìn lượt theo dõi và 5 triệu lượt yêu thích trên Tik Tok. Dù tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh (ĐH Ngoại thương), nhưng hiện tại cô nàng theo đuổi con đường sáng tạo nội dung, chuyên giới thiệu các sản phẩm về thời trang, làm đẹp và du lịch.
Chia sẻ về hành trình bén duyên với công việc sáng tạo nội dung, Hương Quỳnh cho biết,bản thân không muốn bị giới hạn trong môi trường làm việc văn phòng, với công việc lặp đi lặp lại. Hương Quỳnh muốn làm những việc phù hợp với tính cách và điểm mạnh của bản thân.
Vân Anh (24 tuổi, TP. HCM) hiện là một KOC (KOC là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Key Opinion Consumer, nghĩa là người tiêu dùng chủ chốt) full time (toàn thời gian). Cũng giống như Hương Quỳnh, không muốn bị gò bó làm văn phòng 8 tiếng mỗi ngày nên Vân Anh chọn theo đuổi công việc tiếp thị liên kết. “Trước đây mình làm song song 2 việc, vừa làm văn phòng vừa làm sáng tạo nội dung, nhưng hồi đó sáng tạo nội dung chỉ là nguồn thu nhập phụ, vì nghĩ nghĩ nó sẽ không ổn định. Tuy nhiên sau này khi công việc sáng tạo nội dung ‘trộm vía’ hơn, được nhiều người và nhiều nhãn hàng biết tới hơn, mình nghĩ cần thật sự tập trung và nghiêm túc với nghề này, vì nó có thể cho mình nguồn thu cao, tự do hơn rất nhiều so với làm việc văn phòng”.
“Miền đất hứa” cho người trẻ
Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội được đánh giá là công việc đầy tiềm năng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Một nhà sáng tạo nội dung số có thể nhận tiền từ lượt xem, hợp đồng quảng cáo hoặc hoa hồng từ việc tiếp thị sản phẩm. Nhiều người trẻ đã kiếm được thu nhập “khủng” từ những hoạt động này trên nền tảng Internet, tạo ra một làn sóng kiếm tiền từ mạng xã hội.
Sản phẩm của các hoạt động sáng tạo nội dung là các content quảng cáo, ý tưởng, nội dung của chiến dịch truyền thông, video, bài viết trên Facebook, Instagram, YouTube, TikTok… Đây chính là “hàng hóa ảo” đem lại giá trị thật cho cuộc sống.
Theo nhà báo nổi tiếng người Mỹ - Adam Davidson, con người đang sống trong một nền kinh tế tạo ra hàng hóa ảo, cho phép kiếm tiền từ những suy nghĩ, kỹ năng, ý tưởng của họ. Thu nhập trung bình của một KOC dao động từ vài chục triệu đồng/tháng đến vài trăm triệu đồng/tháng.
Bạn Nguyễn Hải tiết lộ thu nhập trung bình 1 tháng hiện tại rơi vào khoảng 35 - 50 triệu đồng. Ngoài đem lại nguồn thu nhập tốt, công việc sáng tạo nội dung còn cho phép Hải làm việc thoải mái: “Việc của mình thì không bị dí KPI như đi làm văn phòng, mình sẽ trực tiếp trao đổi với nhãn hàng để có giao phẩm đúng hạn. Công việc này rất là linh hoạt, mình là người tự quyết được thời gian công việc. Hơn nữa, mình có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ cũng như tăng vốn hiểu biết của bản thân về đa dạng các lĩnh vực trong đời sống xã hội.”
Với tần suất 5 - 7 video mỗi tuần, cô nàng chủ kênh Quỳnh rì viu cũng nhận lại những khoản thu nhập cao, đồng thời xây dựng được màu sắc cá nhân và danh tiếng trên thị trường Tiktok. Hiện tại, kênh của Quỳnh đang phát triển mạnh, dần được nhiều thương hiệu lớn biết tới và mời hợp tác.
Bên cạnh việc kiếm thêm thu nhập, nhiều bạn trẻ khác ưu tiên lan tỏa những thông tin tích cực đến cộng đồng. Kênh Tik Tok “Xin chào Việt Nam” có gần 130 nghìn lượt theo dõi và Fanpage “Xin chào Việt Nam” với 131 nghìn người yêu thích do anh Long Khoa học sáng lập. Nội dung của các kênh đều kể những câu chuyện về văn hóa, ẩm thực, con người, du lịch tại Việt Nam.
Trên Fanpage “Xin chào Việt Nam” nhận được rất nhiều đánh giá tích cực, ủng hộ từ người xem. Bạn Nguyễn Lan Thanh bày tỏ: Xin chào Việt Nam là một kênh văn hoá lịch sử ấn tượng với cách làm mới mẻ, thú vị, dễ nhớ. Có rất nhiều câu chuyện, kiến thức mà chỉ khi xem Xin chào Việt Nam mình mới hiểu và biết”.
Cái tên Phạm Tuấn Hưng (22 tuổi, TP Móng Cái) chắc hẳn không còn xa lạ với cộng đồng người yêu thích bóng đá trên nền tảng Tik Tok. Dẫu mất đi đôi chân do tai nạn từ nhỏ nhưng tình yêu mãnh liệt với trái bóng tròn khiến Tuấn Hưng đã vượt qua khó khăn. Cậu cố gắng tập luyện mỗi ngày để có thể chơi bóng một cách thuần thục. Bên cạnh đó, niềm đam mê thể thao thôi thúc cậu bằng mọi giá gia nhập bơi lội và trở thành một vận động viên của đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam.
Chàng trai trẻ sở hữu tài khoản Phạm Tuấn Hưng có hơn 600 nghìn lượt theo dõi. Mỗi video Tuấn Hưng chia sẻ là những câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực vươn lên, sự lạc quan trong cuộc sống, thu hút nhiều phản hồi tích cực.
Tuấn Hưng cũng xuất sắc giành ngôi vị quán quân hạng mục Sport Master trong đêm chung kết Master 2022 by TikTok - Cuộc thi tìm kiếm những nhà sáng tạo tài năng tại Tik Tok, đồng thời là 1 trong 5 đề cử hạng mục nhà sáng tạo truyền cảm hứng của năm trong đêm vinh danh TikTok Awards Việt Nam 2022.
Có thể thấy, mạng xã hội mở ra nhiều cơ hội mới cho những “ngôi sao” sáng tạo nội dung. Không chỉ đem lại lợi nhuận khủng, công việc này còn giúp người trẻ phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội thông qua việc truyền tải những thông điệp tích cực.