Người trồng rau an toàn kêu khó
(Sóng Trẻ) - Sau 3 năm triển khai Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), Hà Nội đã có những bước đầu thành công, nhưng nhiều người trồng rau vẫn còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Người trồng rau gặp khó
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, sau 3 năm triển khai Đề án, đến nay toàn TP có 3.800ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, phân bố ở 93 xã trọng điểm rau. Sản lượng RAT đạt khoảng 295.000 tấn/năm, tương đương 800 tấn/ngày. Một số vùng sản xuất RAT tập trung cho thu nhập bình quân từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, có vùng cho thu nhập cao đạt từ 700-800 triệu đồng/ha/năm như Văn Đức, Lĩnh Nam,…
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người trồng dân vùng RAT vẫn còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giá bán thấp. Ông Phạm Văn Long, thôn Đông Tây, xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Người trồng rau như chúng tôi rất lo khâu tiêu thụ sản phẩm, đến lúc thu hoạch mà không bán được thì lỗ lớn. Nhiều hộ vẫn tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm như đem ra chợ, đổ buôn, giao cho nhà hàng,…chúng tôi cũng rất muốn có nơi tiêu thụ ổn định để có thu nhập, như vậy mới có nguồn vốn để tiếp tục sản xuất”.
Người trồng rau xã Vân Nội còn nhiều cái khó
Hiện nay, trên thị trường Hà Nội, bên cạnh những vùng sản xuất có thương hiệu và được người tiêu dùng biết đến, còn có rất nhiều hợp tác xã, vùng sản xuất rau thường, hàng ngày vẫn phục vụ người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm RAT phải cạnh tranh quyết liệt để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Mùi, thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội, người trồng RAT chia sẻ: “Thời điểm này, thời tiết thuận lợi nên lượng rau thu hoạch khá lớn. Tuy nhiên, trên thị trường, việc phải cạnh tranh với những loại rau thường khiến RAT gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hơn nữa, giá bán lại rẻ trong khi chi phí lớn hơn rau thường, tiền công cao có lúc còn không đủ chi phí”.
Người mua vẫn “lơ mơ”
Theo kết quả cuộc điều tra mới đây của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về RAT tại 6 tỉnh, thành phố phía Bắc (từ năm 2011-2013) cho thấy, có hơn 90% người dân được hỏi không nhận biết được rau an toàn và rau không an toàn bằng mắt thường. Rau an toàn được nhận biết chủ yếu nhờ vào điểm bán và việc dán tem với những tiêu chí thiếu rõ ràng.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng vẫn “lơ mơ”, không nhận biết được RAT và rau không an toàn, chưa được tiếp cận với thông tin, địa điểm bán RAT,... Chị Nguyễn Thị Lan, ở Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi vẫn thường xuyên mua RAT, thường thì đến các điểm bán RAT để mua, thấy trên rau có tem nhãn, cơ sở sản xuất, địa chỉ đầy đủ, chứ còn để nhận biết được RAT và rau không an toàn bằng mắt thường thì mình chịu”.
Bằng mắt thường người tiêu dùng khó có thể phân biệt được RAT hay không
Được biết, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 60% lượng rau, củ, quả tươi, còn lại là từ các tỉnh, thành phố khác đưa về. Để đảm bảo sản xuất, tiêu thụ RAT được ổn định, phát triển, thời gian tới các cơ quan chức năng cần có chính sách để thu hút các doanh nghiệp tham gia và đầu tư nhiều hơn nữa cho sản xuất và tiêu thụ RAT. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về RAT, để người dân có thể nắm bắt được thông tin và sử dụng sản phẩm, góp phần gỡ khó cho người dân vùng sản xuất RAT.
Mỹ Nga
Truyền hình 29A2
Cùng chuyên mục
Bình luận