Nguyễn Minh Đức chia sẻ về vai diễn Nguyễn Tất Thành trong "Nhìn ra biển cả"
(Sóng trẻ) - Với nụ cười thân thiện, gương mặt "hiền như Bụt" và đặc biệt là đôi mắt sáng, Nguyễn Minh Đức khi đó là sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã "lọt vào mắt xanh" của đạo diễn Vũ Châu trong quá trình lựa chọn vai nam chính cho bộ phim điện ảnh "Nhìn ra biển cả" (2010) - bộ phim khắc họa hình ảnh Nguyễn Tất Thanh giai đoạn 1910-1911.
Nguyễn Minh Đức sinh năm 1988
Diễn xuất của Nguyễn Minh Đức không chỉ làm hài lòng đạo diễn mà còn để lại một ấn tượng khó phai trong lòng những người yêu nghệ thuật thứ 7. Anh cũng được cho là một trong số ít những người truyền tải được thần thái của Nguyễn Tất Thành, người thầy giáo trẻ giàu nhiệt huyết và tinh thần yêu nước.
Nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), Ban biên tập Sóng trẻ đã cuộc trò chuyện với nam diễn viên tài năng này.
- Chào Minh Đức! Bạn vừa có chuyến giao lưu nghệ thuật ở Nam Đàn, Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng dịp kỷ niệm ngày sinh của Người, bạn cảm thấy thế nào sau chuyến đi này?
- Thực ra đây là chuyến đi thứ hai Đức quay trở lại Nghệ An sau khi bộ phim "Nhìn ra biển cả" công chiếu toàn quốc, nói về cảm xúc thì vẫn y đong đầy như xưa. Hai buổi giao lưu với sinh viên Đại học Vinh và khán giả huyện Nam Đàn đã để lại trong Đức rất nhiều kỉ niệm, nhất là tình cảm của mọi người dành cho Đức và anh em nghệ sĩ, nhân dịp 125 năm ngày sinh của Bác buổi giao lưu đã làm cho các bạn hiểu rõ hơn về tấm gương vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh qua một số bộ phim: Nhìn ra biển cả ,Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội - Mùa đông năm 46, Thầu Chín ở Xiêm,...
- Đã 4 năm kể từ ngày “Nhìn ra biển cả” ra mắt công chúng, vai diễn Nguyễn Tất Thành mang lại cho bạn những gì?
Vai Nguyễn Tất Thành trong Nhìn ra biển cả là vai điện ảnh đầu tiên của Minh Đức
- Sau 4 năm bộ phim “Nhìn ra biển cả” ra mắt công chúng, vai diễn Nguyễn Tất Thành đã mang lại cho Đức rất nhiều cơ hội trong sự nghiệp diễn xuất và cả kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày. Đức được các đoàn phim biết đến nhiều hơn và cơ hội tham gia các bộ phim khác cũng nhiều hơn từ sau vai diễn. Nài ra sau chuyến đi cùng đoàn phim, Đức được học hỏi và nắm bắt cách làm phim điện ảnh từ đó rèn luyện thêm khả năng diễn xuất, nài ra thì Đức còn được học tiếng Pháp, học võ cổ truyền, học thư pháp và nhất là học đối nhân xử thế từ bộ phim.
- Những khó khăn khi bạn vào vai Nguyễn Tất Thành trong bộ phim này?
Minh Đức sở hữu đôi mắt sáng được cho là phù hợp với vai Bác Hồ thời trẻ
- Khó khăn thì không hề ít bởi lúc bấy giờ Đức là một diễn viên trẻ đang ngồi trên ghế Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội, kinh nghiệm trong nghề lẫn trong cuộc sống còn thiếu mà vai diễn lại là một vị anh hùng của dân tộc, cho nên đòi hỏi Đức phải tự thân và cố gắng tìm hiểu giai đoạn người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi là một giáo viên. Trong quá trình làm phim rất may mắn được cô chú anh chị em trong đoàn ủng hộ và hướng dẫn rất nhiều. Nài ra để có đôi phần giống hình ảnh của Bác Hồ, Đức đã làm cho làn da của mình ngăm đen đi, mái tóc thì được cắt đúng với thời kì đó, cách ăn mặc và dáng đi cũng thay đổi để làm sao hoá thân tròn nhân vật.
- Kỷ niệm mà bạn nhớ nhất khi vào vai Nguyễn Tất Thành là gì?
- Kỷ niệm thì rất rất nhiều bởi bộ phim được quay hai tháng ròng rã ở các tỉnh miền Trung – vùng đất đầy nắng gió nhưng kỷ niệm Đức nhớ nhất đó vẫn là tình cảm khán giả dành cho vai diễn thầy giáo Nguyễn Tất Thành, khi quay xong mấy phân đoạn ở Huế vì trời rất nóng nên anh em có rủ nhau đi uống nước mát, sau khi uống xong Đức kêu "con trả tiền" thì bà bán nước liền nói một câu: “Bác Hồ thì làm gì có tiền”. Anh em đoàn phim ngơ ngác nhìn nhau rồi tranh nhau giải thích với bà nhưng bà nhất định từ chối và kêu bà mời anh em đoàn phim. Đó là kỉ niệm làm cho Đức nhớ mãi bởi hình ảnh vĩ đại của Bác Hồ luôn được tôn kính, những người được vào vai Bác như Minh Đức hay chú Tiến Hợi, anh Minh Hải đều cảm thấy may mắn.
- Bạn nghĩ sao trước ý kiến “Đóng vai Bác Hồ quan trọng phải có thần thái giống Bác”?
Thần thái là một điều quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định giống Bác hay không. Bởi với vai diễn Đức thể hiện là một người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chứ không phải là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đức nghĩ rằng tính cách con người và thần thái sẽ thay đổi theo thời gian nên vai diễn thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong bộ phim “Nhìn ra biển cả”, Đức nghĩ mình đã lột tả được khí phách và tinh thần của người thanh niên trước cảnh nước mất nhà tan.
- Sau vai diễn Nguyễn Tất Thành trong “Nhìn ra biển cả”, Minh Đức chưa có thêm vai diễn điện ảnh nào ấn tượng, bạn lý giải sao về điều này?
- Đúng là sau phim "Nhìn ra biển cả", Đức chưa tham gia phim điện ảnh nào nữa. Có lẽ Đức có duyên với dòng phim truyền hình, Đức thử sức ở nhiều bộ phim truyền hình trong thời gian qua. Nhưng nếu hiện tại tham gia một bộ phim điện ảnh nào đấy thì Đức cũng đã trang bị được cho mình kha khá kiến thức và kinh nghiệm sau một thời gian lăn lộn với dòng phim truyền hình.
Sau "Nhìn ra biển cả", Minh Đức tham gia nhiều bộ phim truyền hình
- Bạn có thể chia sẻ với độc giả những dự định sắp tới?
- Hiện tại Đức vừa hoàn thành xong một vai diễn trong bộ phim “Mỹ nhân nổi loạn”, còn sắp tới sẽ có một số bộ phim truyền hình được công chiếu như: “Vực thẳm vô hình”, “Thảm đỏ”... Nài ra Đức còn làm thêm công việc kinh doanh. Nhưng với Đức nghệ thuật thứ 7 vẫn là niềm đam mê để theo đuổi đến cùng. Đức rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người.
Cảm ơn Minh Đức, chúc bạn ngày càng thành công trên con đường nghệ thuật!
Người thực hiện: Quang Đức
Cùng chuyên mục
Bình luận