Nhà báo với trẻ em
(Sóng trẻ) - Khi đăng tải một thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà báo, phóng viên cần lường trước những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra. Đối với những thông tin viết về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em thì càng phải cẩn trọng xem xét và lựa chọn cách đưa thông tin cho phù hợp.
Theo PGS – TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc Tế của trường Học Viên Báo Chí và Tuyên truyền thì trẻ em có thể bị xâm hại do nhà báo thiếu kỹ năng và đạo đức.
Trẻ em Việt Nam chiếm gần 40% dân số, vì thế một hệ thống báo chí về trẻ em rất cần có đội ngũ những người làm báo đủ năng lực và trình độ chuyên môn khi phản ánh những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Kỹ năng làm báo cho trẻ em thể hiện rõ trong từng bước của quy trình sáng tạo một tác phẩm báo chí, thuộc những loại hình báo chí khác nhau. Với những yêu cầu của từng bước, từng loại hình, từng thể loại tác phẩm thì những yêu cầu về kỹ năng cụ thể luôn được đặt ra để giúp nhà báo có một tác phẩm hoặc chương trình trên truyền thông về trẻ em một cách tốt nhất.
Nhà báo, nài việc có vốn hiểu biết về pháp luật đối với trẻ em, cần được trang bị những vấn đề thuộc về đạo đức nghề nghiệp khi tiếp cận, phản ánh những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Báo chí cần tinh tế hơn trong phản ánh những vấn đề liên quan đến trẻ em
Thứ nhất, khi các em là đối tượng phản ánh của báo chí. Thứ hai là, khi các em là đối tượng hưởng thụ các sản phẩm báo chí. Thứ ba là, khi các em tham gia vào quá trình sáng tạo các sản phẩm báo chí.
Các kỹ năng của nhà báo thể hiện ở cả ba góc độ kể trên. Khả năng và cách thức nhà báo xác định đề tài, chủ đề, và có những cách khác biệt khi tiếp tiếp cận trẻ em để khai thác thông tin cũng như quá trình thể hiện tác phẩm và chuyển tải đến công chúng. Quá trình giao tiếp, phỏng vấn và thu thập thông tin từ trẻ em đòi hỏi phải có sự hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, biết dành thời gian và có phương pháp khai thác thông tin phù hợp. Quá trình thể hiện tác phẩm báo chí về trẻ em, cho trẻ em... ở mỗi loại hình báo chí khác nhau cũng cần có kỹ năng sử dụng ngôn từ và hình thức thể hiện thích hợp với tâm lý lứa tuổi, nhận thức và thể hiện sự tôn trọng trẻ em.
Vai trò của các kỹ năng báo chí lại càng quan trọng khi mà đối tượng phản ánh và tiếp nhận thông tin là trẻ em. Việc thiếu kỹ năng báo chí với trẻ em có thể khiến nhà báo mắc phải những sai lầm và hậu quả để lại sẽ vô cùng to lớn. Xin nêu một vài yếu tố cụ thể mà báo chí, truyền thông có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ em do thiếu kỹ năng sau đây:
Thứ nhất, nhà báo tiếp cận trẻ em một cách vội vàng: Nhà báo thường bỏ qua giai đoạn làm quen để tạo không khí giao tiếp thân thiện. Tiếp cận trẻ em không theo tiến trình giao tiếp dễ khiến trẻ em hoảng sợ có thể dẫn đến việc không thu được thông tin từ các em. Đối với phóng viên có sử dụng thiết bị kỹ thuật như máy ghi âm, ghi hình thì việc tiếp cận vội vàng còn tạo cho trẻ em tâm lý lảng tránh do không hiểu các thiết bị kia có ảnh hưởng gì đến câu chuyện và ảnh hưởng đến cuộc sống của các em hay không. Việc thiếu thông tin về các em có thể sẽ được nhà báo bù đắp bằng những ngôn từ hoa mỹ, suy luận thiếu căn cứ trong tác phẩm. Điều này sẽ dẫn đến làm tổn hại trẻ em bằng chính những tác phẩm. Đôi khi, nhà báo quá tin tưởng vào những báo cáo của nhà trường, của hội cha mẹ hay của các thầy cô giáo hoặc các tổ chức đoàn, đội, hội mà thiếu thẩm định những thông tin đó bằng các phương pháp thu thập thông tin khác.
Thứ hai là nhà báo thường phỏng vấn trẻ em như phỏng vấn người lớn với những câu hỏi tra cứu, truy bức và với thái độ thiếu thân thiện, coi thường trẻ em. Khi nhà báo phỏng vấn trẻ em nhằm khai thác những chi tiết giật gân, hấp dẫn như những vụ án xâm hại trẻ em về tình dục, có thể làm tổn hại đến trẻ em. Các em, thậm chí ngay cả cha mẹ hoặc người giám hộ các em, vốn chưa ý thức được việc mình sẽ xuất hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông như thế nào, cộng với những bức xúc mà có những phát biểu hoặc mô tả cho nhà báo những chi tiết nhạy cảm... Nhà báo thiếu kỹ năng có thể chạy theo giật gân, câu khách mà đưa những chi tiết đó vào tác phẩm. Điều này vô tình làm tổn hại trẻ em. Có người gọi đó là sự xâm hại trẻ em một lần nữa và lần xâm hại này còn tệ hơn cả lần trước đó.
Thứ ba là nhà báo thường hay quên ghi tên tuổi và địa chỉ của các em: Tất cả trẻ em đều có tên tuổi, địa chỉ. Thao tác hỏi tên tuổi, địa chỉ, học lớp mấy, trường nào... nằm trong thao tác giao tiếp làm quen, giao tiếp thông thường ngay từ ban đầu khi gặp gỡ với trẻ em. Đây là một thao tác rất thông thường nhưng đã bị nhiều nhà báo bỏ qua. Dẫn đến việc quên ghi tên các em trên ảnh hoặc giới thiệu trên đài làm cho thông tin thiếu tin cậy và thể hiện sự không tôn trọng trẻ em. Trong khi đó, các nhà báo thường ít khi quên ghi tên của người lớn là quan chức, giám đốc hay một người có chức vị khác. Thói quen: Người lớn (có chức vị) thì không bao giờ quên ghi tên, chức danh; người lớn (thuộc tầng lớp dân nghèo như nông dân, trẻ em...) thì quên ghi tên; trẻ em thì đương nhiên là không cần ghi tên... tạo ra một loại báo chí mang tính phân biệt đối xử và coi thường công chúng.
Trái lại, việc ghi tên tuổi các em quá cụ thể trong trường hợp cần phải bảo vệ danh tính các em, cần giấu tên, địa chỉ, cần che mặt để hình ảnh các em không bị tổn hại và cuộc sống của trẻ em không bị ảnh hưởng xấu sau khi xuất hiện trên báo chí lại không được chú trọng. Nhiều nhà báo có vẻ như đã bảo vệ trẻ em bằng việc chú thích thêm dòng chữ: “Tên nạn nhân đã được thay đổi” hoặc “Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa”, nhưng thông tin về địa chỉ gia đình, trường học, lớp học hoặc tên cha mẹ và địa chỉ sinh sống lại giữ nguyên khá đầy đủ và chi tiết.
Một vấn đề nữa là nhiều nhà báo có thói quen thể hiện hình ảnh trẻ em thiếu thân thiện trong tác phẩm của mình, với những ngôn từ như: Thằng, thằng bé, con bé, đứa trẻ, nó, chúng nó... Đôi khi việc sử dụng những ngôi nhân xưng này bằng yếu tố ngôn ngữ mang tính kỳ thị.
Khi trẻ em xuất hiện trong các tác phẩm báo chí (thuộc tất cả các loại hình báo chí), nhà báo với vai trò khách quan thường sử dụng những ngôn từ dễ gây cảm giác xa cách. Khi gọi các em là “những đứa trẻ này”, “thằng bé này”, “chúng nó”, “nó”... ở ngôi thứ ba và với những từ thường dùng chỉ các đồ vật, khoảng cách giữa nhà báo và các em đã được hình thành. Những từ này thường gợi cảm giác xa cách, nhà báo không thân thiện với các em. Còn khi gọi các em là “cậu bé này”, “cô bé này”, “các em”, “em”... khoảng cách đã được xích gần hơn. Thái độ biểu cảm đôi khi phản ánh rõ nhận thức và tình cảm của nhà báo với các em và điều này có thể truyền vào công chúng.
Cuối cùng là việc khai thác hình ảnh trẻ em nhằm mục đích giật gân, câu khách: Một số tờ báo thường coi việc đăng những tin nóng về trẻ em như là một tin giật gân nhằm câu khách. Những vụ án hiếp dâm trẻ em được khai thác triệt để. Hình ảnh các em được đưa lên khá rõ ràng. Có vẻ như đó là những câu chuyện mang tính xác thực cao của báo chí. Người ta dễ dàng nhìn thấy mục đích đưa tin, viết bài, phỏng vấn và khai thác hình ảnh trẻ em nhằm câu khách. Hình ảnh trẻ em bị sử dụng không khác gì những vụ án người lớn. Hơn ai hết, trẻ em cần phải được bảo vệ trước sự xâm hại của truyền thông trước khi bị những đối tượng xấu xâm hại.
Trẻ em xuất hiện trên truyền thông có ý nghĩa văn hóa, chính trị và thể hiện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Sự hiểu biết và thái độ của nhà báo thể hiện rất rõ trong từng tác phẩm báo chí. Hệ thống báo chí với trẻ em ở Việt Nam rất cần những nhà báo có kiến thức, kỹ năng báo chí với trẻ em.
Đó là những nhà báo có đủ những kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ báo chí bên cạnh những kiến thức về luật pháp, tâm lý lứa tuổi liên quan đến trẻ em. Họ làm báo về trẻ em không chỉ bằng tình thương, trách nhiệm mà còn bằng cả sự hiểu biết. Trong đó, tình thương, trách nhiệm là thứ vốn có trong mỗi người, vấn đề còn lại là sự hiểu biết, những kiến thức, tri thức được trau dồi hàng ngày, hàng giờ làm nên kỹ năng báo chí với trẻ em.
Phác thảo tiêu chí của một nhà báo được coi là có kỹ năng báo chí với trẻ em như sau: đó là một nhà báo không chỉ có tình thương và trách nhiệm mà còn có những hiểu biết, nhận thức về các vấn đề cơ bản liên quan đến trẻ em như Công ước quốc tế về quyền trẻ em, luật pháp về trẻ em, tâm lý lứa tuổi trẻ em...
Trẻ em chưa ý thức được những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của truyền thông, báo chí đến cuộc sống của chính mình. Vì vậy, các nhà báo, bằng kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ các em trước mọi sự bất lợi mà do vô tình hay cố ý các nhà báo đã đem đến cho các em.
Thu Thủy
Truyền hình K32-A2
Cùng chuyên mục
Bình luận