Những điều ít người biết về nghề làm thêm “nhạy cảm”
(Sóng trẻ) - Để có thu nhập cho cuộc sống xa nhà, nhiều sinh viên tại Hà Nội phải chọn những công việc trong các quán bar, tiệm hát Karaoke, shop bán đồ chơi “người lớn” và rồi bị bạn bè, người thân xếp vào dạng… hư hỏng.
Nguyễn Thị Hồng, quê Thanh Hóa (sinh viên Cao đẳng kinh tế kĩ thuật công nghiệp), làm việc ở quan bán đồ chơi “người lớn” tại đường Vũ Hữu, Q. Thanh Xuân luôn có vẻ mặt vui vẻ, tận tình mỗi khi có khách ghé qua cửa hàng. Thế nhưng, không nhiều người biết ẩn sâu trong dáng vẻ đó là một nỗi khổ tâm chưa hề nguôi nai, phần nhiều đến từ dư luận xã hội.
Shop của Hồng bán những món đồ nhạy cảm khiến nhiều người xấu hổ khi tiếp xúc, nhiều khách hàng còn tỏ vẻ xem thường những người nhân viên ở đây. Đã không ít lần Hồng bị khách buông lời trêu ghẹo, kiểu như: “Ở đây chắc có đồ thật để thử phải không em ?” hoặc “Đi cùng hướng dẫn anh sử dụng với chứ”… Khi Hồng phản ứng lại thường bị khách nói lại rất mất lịch sự.
Giọng buồn bã, Hồng tâm sự: “Mình giấu bố mẹ, chỉ nói đi làm thêm vì không phải ai cũng hiểu công việc của mình. Nhiều người cho rằng nhân viên làm việc này thường dễ dãi nên hay trêu ghẹo, xúc phạm. Đây là công việc tạm thời kiếm thêm để trang trải học tập vì gia cảnh khó khăn. Bọn mình không bất chấp giá trị của mình để sa ngã, nó cũng là công việc phải bỏ mồ hôi công sắc như bao nghề khác”, Hồng nói.
Công việc bán hàng bận rộn nhất là vào ban đêm, từ khoảng 19h – 22h hằng ngày. Hồng kể có nhiều cô, cậu cấp 3 cũng bỏ học vào mua đồ đi chơi khi vẫn khoác nguyên bộ đồng phục. Nhiều khi sợ nhất là phải giao hàng tận nhà cho khách, nhất là những khu vực nguy hiểm như bến xe, nhà nghi… Khi đó chỉ cầu mong gặp khách thực sự có văn hóa chứ không phải bọn chơi bời. Mức lương hơn 3 triệu/tháng cộng với khoản thỉnh thoảng được “boa” thì sống khá ổn, nhất là khách nước nài, họ lịch sự mà thoáng tính.
Nguyễn Thị Hồng trong cửa hàng đồ chơi "người lớn" tại Vũ Hữu, Q. Thanh Xuân
Nghề bán đồ chơi “người lớn” không được xã hội xem trọng, suy cho cùng cũng bởi tính chất của nó. Tuy nhiên, không phải ai khi lao động trong lĩnh vực, ngành nghề ấy cũng đều là những con người dễ dãi, sa đọa. Có nhiều người trong số họ, vì hoàn cảnh gia đình, vì nhiều lý do cá nhân mà phải chung sống với cái nghề mang nhiều tai tiếng ấy. Những người như thế, họ đang rất cần cái nhìn đồng cảm, sẻ chia từ phía những người xung quanh.
Nguyễn Thu Trang, Đoan Hùng, Phú Thọ (sinh viên Đại học Hòa Bình), làm nhân viên xếp bóng tại một quán bida trên đường Trần Duy Hưng, luôn phải ăn vận những bộ trang phục khá “thoáng” khi xếp bóng cho khách. Cô gái tâm sự: “Đã nhiều lần khách đề nghị khiếm nhã nhưng mình thẳng thừng từ chối. Chính vì thế mà mình phải chuyển nơi làm đã ba lần vì phản ứng gay gắt với khách”.
Dù làm ở đâu thì Trang cũng lặp lại từng đấy công việc: xếp bóng, mang đồ uống, tiếp chuyện khách…thậm chí là can ngăn xích mích của các tay cơ bida nữa. Làm việc theo ca từ 18h đến khi hết khách, một ngày Trang tiếp hàng trăm lượt khách nên cũng ép mình phải quen với việc “khách hàng là thượng đế”. Nhiều khi bị khách đùa cợt, trêu ghẹo bằng lời cợt nhả, Trang vẫn nhã nhặn nhưng vị khách nào đi quá giới hạn là Trang từ chối ngay. Tuy cương quyết như vậy nhưng không mấy người hiểu cho.
Nói về nghề làm thêm nhạy cảm trong giới sinh viên, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) nhận định rằng: “Trong xã hội của chúng ta vẫn còn những yêu cầu khá ngặt nghèo về chuẩn mực đối với phụ nữ nên có dư luận đối với các bạn sinh viên làm nghề này cũng là dễ hiểu. Xã hội nghi kỵ vì họ chưa hiểu rõ, cũng một phần do nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng các bạn làm điều không đúng”.
Bà Hồng nhấn mạnh: “Không nên có cái nhìn ác cảm đối với những cô gái làm nghề đó, bởi vì nếu chúng ta đánh đồng người làm những công việc đó với những việc làm vi phạm pháp luật hay chuẩn mực đạo đức là không công bằng, không khách quan cho họ”. Bà cũng khuyên các bạn nữ khi tìm việc cũng nên cân nhắc kĩ và phải thật sự bản lĩnh để vượt qua cám dỗ trong môi trường đó. Đồng thời, phải tăng cường thông tin để cho xã hội có cái nhìn khách quan đối với những nghề nghiệp như vậy.
Đổ Thị Thủy
Lớp: Báo in K31 A2
Học viện Báo chí- Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận