Nở rộ ứng dụng giải bài tập trong 5 giây
(Sóng trẻ) - Chỉ cần mở tính năng scan hoặc camera (máy ảnh) trên ứng dụng để chụp/quét qua đề thi, chỉ vài giây sau các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, thậm chí cả môn ngoại ngữ như tiếng Anh đều hiển thị đáp án.
App giải bài tập là phần mềm chụp ảnh qua điện thoại tìm những đáp án của bài tương tự, hoặc nhờ người khác giải đáp giúp với tốc độ xử lý nhanh.
Các ứng dụng này là công cụ hữu ích giúp học sinh nhanh chóng tìm được lời giải chỉ sau 5 giây, giảm bớt thời gian nhập đề bài, giảm áp lực học tập cho học sinh. Đây là công cụ hữu ích không chỉ giúp các học sinh mà còn giúp các bậc phụ huynh, thầy cô giáo tìm ra đáp án bài tập nhanh hơn và bổ sung các kiến thức hữu ích.
Tuy nhiên, thay vì sử dụng làm công cụ tham khảo, nhiều em học sinh lại lạm dụng các app này khiến mất khả năng tư duy, dần ỷ lại vào phần mềm.
Biết đến những ứng dụng giải Toán này đã hơn 1 năm nay, em Thùy Linh (Cầu Giấy, Hà Nội), học sinh lớp 10 cho biết, em biết đến các app này qua sự quảng cáo từ các video trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
“Em thấy trên Tiktok nhiều người giới thiệu về các app giải bài tập này nên em đã tải và sử dụng. Ở lớp, hầu như bạn nào cũng cài sẵn những ứng dụng này trên điện thoại. Thực sự thì nó rất tiện lợi, các lời giải cũng dễ hiểu”, Thùy Linh chia sẻ.
Bên cạnh việc sử dụng các ứng dụng này làm công cụ tham khảo, nhiều em học sinh lại lạm dụng các app này khiến mất khả năng tư duy, dần ỷ lại vào phần mềm.
Sử dụng các app này và xem như vật bất ly thân, em Minh Ngọc (Đống Đa, Hà Nội), một nam sinh lớp 9 thú nhận, thỉnh thoảng cũng sử dụng những ứng dụng này để chép luôn lời giải.
"Các bài toán thông thường thì không mất phí, chỉ khi hỏi gia sư thì học sinh mới phải bỏ tiền ra thôi", nam sinh này cho hay.
Ứng dụng giải bài tập trên điện thoại, nếu được dùng như một phương tiện để luyện làm bài rồi so sánh đối chiếu đáp án, cách giải bài, thì sẽ rất hữu ích và hoàn toàn có thể thúc đẩy năng lực, tư duy của học sinh phát triển.
Cô Thu Hồng, giáo viên dạy Toán tại Phú Thọ chia sẻ: "Ưu điểm của các ứng dụng là giúp học sinh tự học tốt hơn và giáo viên học hỏi được nhiều trước việc giải các bài tập hơn. Ngoài ra, giáo viên, học sinh giải đáp được thắc mắc bài tập khó có thể tăng thu nhập ở bất cứ đâu".
Cũng theo cô Hồng, nhược điểm của các ứng dụng là nhiều bài giải sai, không đúng chuẩn. Nếu học sinh tham khảo không có chọn lọc sẽ dẫn đến mắc sai lầm. Ngoài ra, học sinh lạm dụng app sẽ lười suy nghĩ mà ghi chép luôn đáp án. Đặc biệt, học sinh còn sử dụng như phao cứu trợ trong giờ kiểm tra nếu giáo viên không phát hiện ra.
"Công nghệ càng phát triển thì đem lại nhiều lợi ích cho con người nhưng nếu không biết cách kiểm soát thì lợi bất cập hại. Các app ứng dụng ngoài việc giải bài thì còn thấy có quảng cáo nhiều nội dung không thể kiểm soát được", cô Hồng nói.
Trên thực tế, khi công nghệ ngày càng phát triển càng giúp ích nhiều cho cuộc sống con người, góp phần giải quyết rất nhiều vấn đề bức thiết, thiết thực cho người dùng.
Tuy nhiên trong vấn đề có hai mặt, cách khôn ngoan nhất là sử dụng mặt tích cực của công nghệ để phát huy tối đa tính năng hữu ích của nó giúp ích cho cuộc sống, còn mặt trái cần được cảnh giác, cảnh tỉnh để tránh lạm dụng hoặc sa vào.