PGS.TS Lê Quý Đức: “Cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho làng nghề Việt Nam”

(Sóng trẻ) - Trước tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc cách mạng 4.0, các làng nghề sẽ buộc phải thay đổi tư duy, phương thức kinh tế để tồn tại.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về thực trạng và hướng đi cho các làng nghề trong bối cảnh xã hội hiện nay.

le_quy_duc_2.jpg
 PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Thưa PGS Lê Quý Đức, ông đánh giá như thế nào về thực trạng của các làng nghề tại Hà Nội hiện nay? 

Những hoạt động làng nghề ở Hà Nội tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm. Mỗi làng nghề có đặc trưng về sản phẩm riêng, đa số các làng nghề còn sản xuất nhỏ lẻ ở hình thức hộ gia đình nên đầu ra của sản phẩm còn manh mún, chưa được đảm bảo. Bên cạnh đó việc tìm người truyền nghề của các làng cũng gặp khó khăn do lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh các sản phẩm làng. 

Thu nhập từ nghề truyền thống của làng không ổn định do sản phẩm làng nghề thiếu đầu ra và bài toán truyền nghề chưa có lời giải. Việc có 1 gia đình trong làng nghề rất giàu nhưng không phải nhờ làm nghề truyền thống cũng là chuyện thường, vì thu nhập từ nghề truyền thống không đáp ứng được thu nhập của gia đình nên họ phải ra ngoài. 

Nhiều làng nghề đang mai một, nhiều làng nghề đầu ra sản phẩm bấp bênh,  nhiều làng nghề đang ô nhiễm … Điển hình như làng nghề gỗ Đồng Kỵ - một địa danh “vang bóng” một thời, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp, nhiều hộ sản xuất đã đóng cửa, một số đã chuyển nghề, một số thì hoạt động cầm chừng. Thậm chí hiện nay, làng Đồng Kỵ đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

dong-ki.jpg
Làng nghề gỗ Đông Kỵ - một địa danh "vang bóng" một thời . Ảnh: Cổng nông dân

Nhìn chung, làng nghề của Hà Nội hiện đang phát triển dưới dạng tiềm năng, nhiều cơ sở làng nghề chưa thực sự được triển khai đồng bộ; thiếu mặt bằng, thị trường chưa được mở rộng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều làng nghề ở nước ta hiện nay.

Theo PGS, đâu nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng mai một của các làng nghề? 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự mai một và thậm chí là biến mất của các làng nghề. Nhưng có lẽ, do ngày nay nền kinh tế đang chuyển dần sang cơ chế thị trường, thêm vào đó là quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế khiến sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, tính chất khép kín trong việc sản xuất hàng hóa cũng kìm hãm sự phát triển của làng nghề trong thời đại công nghệ và hội nhập. 

Sự bế tắc của các làng nghề một phần do trong quá trình phát triển, các làng nghề chủ yếu đi từ giản đơn, sử dụng kỹ năng của đôi bàn tay là chính. Hầu hết là máy móc thiết bị thô sơ, tự tạo hoặc do các cơ sở gia công trong nước lắp ráp, chuyển nhượng nên năng suất, chất lượng không cao. Đều này tác động trực tiếp đến thu nhập và cuộc sống của người làm nghề. 

Người làm nghề truyền thống đang dần chuyển đổi nghề nghiệp để bảo đảm cuộc sống của cá nhân và gia đình. Một nguyên nhân khác nữa là do thế hệ kế tục không còn mấy “mặn mà” với những giá trị lịch sử, nhân văn, tinh thần của sản phẩm và nghề truyền thống, nên nhiều nghệ nhân cao tuổi không tìm được người tiếp bước cái “nghề” của mình. 

nghe-nhan.jpg
Tìm người tiếp bước là lỗi lo của nhiều nghệ nhân. Ảnh: It

Thêm vào đó, hiện nay, vấn đề năng lực đầu tư có hạn, khả năng cải tiến mẫu mã kém, mức độ nhạy cảm với thị hiếu tiêu dùng không cao dẫn đến việc duy trì, phát triển nghề truyền thống rất khó khăn, chật vật cũng góp phần đẩy làng nghề vào tình cảnh điêu đứng.

Có ý kiến cho rằng “Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến việc đẩy mạnh phát triển làng nghề, dẫn đến tình trạng nhiều người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống.”. Ông suy nghĩ như thế nào về ý kiến nay?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống. Trên thực tế, Nhà nước đã quan tâm nhiều đến việc phát triển làng nghề: tạo rất nhiều chính sách quản lý, xây dựng để kích thích sự phát triển của các làng nghề; có nhiều chính sách vay vốn ưu đãi cho người dân để phát triển,... Chẳng hạn, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề trên địa bàn thành phố năm 2021. 

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý chưa có những giải pháp hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tại các ngành nghề, làng nghề ở nông thôn nắm bắt được các cơ chế chính sách và Pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần quan tâm lắng nghe, chỉ đạo để phát triển kinh tế làng nghề lành mạnh; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác để liên kết trong sản xuất giúp giải quyết các khó khăn của nhân dân. 

lang.jpg
Sản phẩm của các làng nghề được tạo ra từ  kỹ năng của đôi bàn tay là chính. Ảnh It

Vậy theo PGS liệu có cơ hội nào cho các làng nghề trong thời đại 4.0 này?

Cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho các làng nghề Việt Nam: 

Thứ nhất, tạo áp lực để thay đổi, các làng nghề vốn hoạt động theo lối sản xuất, kinh doanh theo kinh nghiệm "cha truyền con nối", trước tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc cách mạng 4.0, các làng nghề sẽ buộc phải thay đổi tư duy, phương thức kinh doanh để tồn tại; 

Thứ hai, các làng nghề có điều kiện tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển thương mại điện tử đã mở ra nhiều hướng phát triển cho các làng nghề: quảng bá hình sản phẩm trên các trang mạng xã hội; kinh doanh các sản phẩm trên các trang thương mại điện tử; …

Tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, các làng nghề cần mở rộng sản xuất đủ điều kiện sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, tổ chức đào tạo và đào tạo lại các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, chuyên ngành quản lý sản xuất. 

Bên cạnh đó, các làng nghề cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hoạt động: xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, xử lý môi trường, cải tiến công nghệ, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng...

lien-ket-du-lich.jpg
Liên kết làng nghề với du lịch là một trong những chiến lược phát triển bền vững. Ảnh: It

Các làng nghề sẽ phải làm gì để giữ vững và đẩy mạnh sự phát của nghề truyền thống?

Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng trong chính sách phát triển thương hiệu, mẫu mã, bao bì, nhưng nhìn chung, mẫu mã của sản phẩm làng nghề còn đơn điệu, cóp nhặt và tính thẩm mỹ, sáng tạo chưa cao. Muốn đứng vững và phát triển trên thị trường, làng nghề phải đổi mới liên tục, sản phẩm phải tinh túy, vừa mang nét văn hóa dân tộc vừa bắt mắt, đúng thị hiếu khách du lịch.

Những năm gần đây, phát triển du lịch làng nghề bắt đầu được nhìn nhận tương xứng với tiềm năng của nó, tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chỉ dừng lại ở tính tự phát. Sự tự phát ở đây biểu hiện ở chỗ các hộ kinh doanh, sản xuất vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của phát triển du lịch. Nhiều hộ chỉ chú trọng bán sản phẩm chứ chưa quan tâm lợi ích chung của cộng đồng. Mặt khác, trong những năm qua, nhiều sự kiện, hội thảo, hội chợ được tổ chức với kinh phí tốn kém nhưng hiệu quả chưa cao. 

Để các làng nghề truyền thống thoát khỏi tình trạng khó khăn, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển bền vững cho từng làng nghề, liên kết các làng nghề với ngành du lịch, nhằm biến làng nghề thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn nằm trong lộ trình của các tuyến du lịch. Ý tưởng này sẽ tạo điều kiện cho ngành du lịch, đồng thời tạo thị trường, nguồn tiêu thụ rộng rãi cho các sản phẩm thủ công truyền thống. 

Nắm bắt xu hướng khách hàng là yếu tố quan trọng trong kinh doanh. Vì vậy xu hướng ưa dùng sản phẩm thủ công vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với các làng nghề thủ công. Khi nắm bắt được xu hướng khách hàng thì “Làm thế nào để khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình?” là bài toán đặt ra cho các làng nghề, đòi hỏi các làng nghề phải có chiến lược sản xuất kinh doanh đồng bộ hiệu quả: phải đa dạng về sản phẩm, chất lượng cao nhưng giá cả phải hợp lý, …

Để thương hiệu của làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng, vai trò người định của cơ quan quản lý làng nghề rất quan trọng. Sau khi đã nghiên cứu phân tích thị trường, làng nghề cần có kế hoạch sản xuất và kinh doanh cụ thể, đồng bộ để đưa sản phẩm tốt nhất tiếp cận người tiêu dùng trong thời gian nhanh nhất. 

lang-nghe-1.jpg
Sản phẩm của mỗi làng nghề mang một nét đẹp riêng.

Mô hình Hợp tác xã (HTX) kiểu mới hiện đang được áp dụng hiệu quả trong nông nghiệp. Vậy trong lĩnh vực thủ công nghiệp có nên áp dụng mô hình này để tìm đầu ra cho sản phẩm?

Mô hình HTX kiểu mới rất phù hợp cho các làng nghề truyền thống. Khi các hộ liên kết lại thành lập một hợp tác xã, đầu vào chung sẽ rẻ hơn và chất lượng cao hơn, chi phí đầu tư giảm nhưng sản xuất hiệu quả hơn. Việc nghiên cứu thị trường, thiết kế mẫu, tìm nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm; … một hộ gia đình không thể thực hiện. Nhưng khi cả làng kết hợp thì những công việc đó lại dễ dàng. Nếu chúng ta thực hiện mô hình hợp tác xã vừa tạo động lực của từng hộ chăm chút sản phẩm của mình thật tốt, thật đẹp, có nhãn hiệu riêng, đồng thời những nhu cầu chung được giải quyết qua hợp tác xã hiệu quả sẽ cao hơn.

tre-dan-tien-yen.jpg
Sản phẩm của các làng nghề thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

Với kinh nghiệm của mình, PGS dự đoán như thế nào về sự phát triển của các làng nghề trong tương lai, đặc biệt là việc mở rộng thị trường ra nước ngoài?

Các làng nghề sẽ phát triển bền vững khi họ thay đổi. Chủ động trong việc quản lý, liên kết các hộ gia đình nhỏ lẻ trong làng từ việc tìm nguyên liệu - thiết kế mẫu - tìm đầu ra, chủ động áp dụng công nghệ sẽ giúp khắc phục các nhược điểm hiện nay của làng nghề. 

Muốn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, việc đầu tiên là sản phẩm của các làng nghề phải đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, chất lượng phải được người tiêu dùng trong nước đánh giá tốt. Bên cạnh đó, các sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng theo đúng những quy định quốc tế: quy định về chất lượng; dán nhãn; đóng gói; vận chuyển; … Để làm được điều này, các làng nghề, các cơ quan quản lý cần phối hợp để xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả. Muốn giữ chân khách hàng ở lại với sản phẩm của làng, thì sản phẩm của làng nghề phải cần có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của PGS!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN