Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cần có truyền thông linh hoạt
(Sóng trẻ) - “Truyền thông cũ hay mới đều phải áp dụng linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần thiết phải có sự phối hợp giữa các đơn vị truyền thông để hạn chế những yếu kém, phát huy thế mạnh”.
Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng tình tại Hội thảo khoa học quốc gia “Mô hình truyền thông tăng cường nhận thức về cơ hội từ quá trình chuyển đổi nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn". Hội thảo được tổ chức ngày 15/12 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng đưa ra những thuận lợi, khó khăn trong việc truyền thông về biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long, làm rõ các khái niệm truyền thông, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các loại hình để tăng cường nhận thức cho công chúng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lương Khắc Hiếu, Chủ nhiệm đề tài nêu rõ: “Mô hình truyền thông hướng tới trong điều kiện của mạng xã hội và truyền thông số có lẽ sẽ là mô hình truyền thông đa nền tảng, các loại hình đều phải áp dụng linh hoạt, sáng tạo, tận dụng tối đa tiện ích, lợi thế của công nghệ số và các nền tảng mạng xã hội phù hợp với đối tượng, nội dung và bối cảnh truyền thông”.
Theo PGS.TS Lương Khắc Hiếu, do đặc thù của hệ thống truyền thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa hình thành được các cơ quan truyền thông đa loại hình nên việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở các phương thức truyền thông truyền thống mà phải hướng tới việc số hóa và phối hợp các phương thức truyền thông cá nhân, nhóm để đổi mới và nâng cao hiệu quả tác động của chúng.
Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận được đưa ra, PGS. TS Trần Hải Minh - Phó Trưởng khoa Triết học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: “Để các nghiên cứu có thể đi vào cuộc sống, cần có quá trình truyền thông, tăng cường nhận thức, tạo ra những chuyển biến từ suy nghĩ, hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân để nắm rõ quan niệm về truyền thông, về cơ hội, phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề mới nhưng mới được quan tâm trong khoảng thời gian khoảng 10 năm gần đây ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đóng góp tại Hội thảo, Nhà báo Phan Trung Hiếu – Đài PTTH Vĩnh Long đưa ra đề xuất riêng cho lĩnh vực đài truyền hình. Hình thức loại hình này cần đổi mới cách thể hiện để thông tin được đa chiều, vừa mang tính khoa học nhưng vẫn đảm bảo sức hấp dẫn.
Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài tham luận từ các nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo, nhà báo. Đại biểu đều thống nhất cho rằng với mỗi một phương thức, phương tiện truyền thông có những ưu điểm và hạn chế khác nhau tùy thuộc vào đối tượng, nội dung truyền thông…, có những hình thức truyền thông mới nảy sinh còn bỡ ngỡ nhưng nếu được quan tâm, đầu tư sẽ đạt hiệu quả trong tương lai.