Phòng chống cháy nổ tại các phòng trọ sinh viên: Còn chủ quan, chưa triệt để
(Sóng trẻ) - Cháy nổ là mối nguy hiểm luôn rình rập ở các khu trọ sinh viên - nơi thiếu thốn vật dụng phòng cháy chữa cháy. Mặc dù biết rõ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, song những người thuê trọ, nhất là học sinh, sinh viên cùng với chủ hộ cho thuê trọ vẫn còn chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Vừa qua có rất nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra ở Hà nội, trong đó có cả khu nhà trọ. Điển hình như vụ hoả hoạn xảy ra tại khu nhà trọ cao 6 tầng ở ngõ 60, đường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đám cháy xuất phát từ tầng 1, nơi để xe trong khu nhà trọ có 6 tầng, mỗi tầng 4 phòng đã khiến 5 người bị thương và 1 người tử vong. Điều này đã gây nên thiệt hại không chỉ về người mà còn gây nên thiệt hại về tài sản.
Hiện nay, đa số người thuê nhà trọ đều sinh viên, người lao động ngoại tỉnh,... nên họ thường tìm những khu trọ giá rẻ để cắt giảm được chi phí nhiều nhất. Đồng nghĩa với việc thuê trọ giá thành thấp thì việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy là một điều vô cùng khó.
Để có được giá thành thấp cho thuê, chủ trọ cũng tiết giảm mọi thiết bị trong nhà. Chính vì thế, cháy nổ luôn tiềm ẩn từ chính thứ xung quay như dây điện kém chất lượng, bình nóng lạnh cũ,... Thậm chí, chủ trọ tiết chế đến mức không chuẩn bị cả những vật dụng phòng cháy chữa cháy.
Chấp nhận thuê phòng trọ với giá rẻ, nên chị Lê Ngọc Huyền đang thuê trọ ở khu vực Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy không tránh khỏi những lo lắng: “Khu trọ ở đây khá nhiều người nên cũng khó kiểm soát được hết. Tôi ở tầng 3 trong khu này, nếu xảy ra cháy nổ ở tầng dưới thì sẽ rất nguy hiểm vì chỉ có một cầu thang chung, không có lối thoát hiểm nào khác”.
Chị Nguyễn Thu Hương đang thuê phòng ở Mỹ Đình cho biết: “Bây giờ đã lựa chọn thuê phòng giá rẻ thì đành phải chịu, không có những dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Hiện tại, tôi cũng chỉ cố gắng an toàn hết sức có thể bằng những việc mình có thể làm được như sử dụng bếp từ thay bếp gas, tắt nóng lạnh khi không cần dùng,...”.
Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều dãy trọ sinh viên không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Lối ra, vào duy nhất là chiếc cổng cao bịt kín. Một số dãy trọ bịt kín ban công bằng hàng rào sắt nên rất khó để người ở thoát ra nếu xảy ra cháy nổ.
Bà Nguyễn Thị Khanh chủ trọ tại Nam Từ Liêm, Mỹ Đình chia sẻ: “Gia đình tôi từ khi xây trọ đã thiết kế cửa thoát hiểm cũng như tuân thủ mọi quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy. Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn tại khu nhà trọ nên tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người thuê trọ cần đảm bảo an toàn cháy nổ, nhất là việc sử dụng điện, ga để đun nấu…”.
Nhằm nâng cao hơn về việc phòng cháy chữa cháy ở các phòng trọ sinh viên, người lao động, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cán bộ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Các chủ nhà trọ cần thực hiện nghiêm túc những quy định về phòng cháy chữa cháy. Chủ nhà trọ, phòng cho thuê thường xuyên tự kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức người thuê trọ về công tác phòng cháy chữa cháy, nội quy tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng phòng cháy chữa cháy để phòng trường hợp xấu nhất. Các chủ nhà trọ nên đưa ra những nội quy trong khu trọ để người dân ý thức hơn trong việc tham gia phòng cháy chữa cháy. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đặc biệt, khi gặp hoả hoạn cần gọi điện thoại báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114".