Rác thải nhựa- Hiểm họa tiềm tàng dưới đáy biển sâu
(Sóng trẻ) - Rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm biển nghiêm trọng đối với Việt Nam và các nước trên thế giới. Không chỉ gây mất cảnh quan, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường mà rác thải nhựa còn đang đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của các sinh vật dưới lòng đại dương, gây mất cân bằng hệ sinh thái.
Theo số liệu từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố năm 2018, mỗi năm Việt Nam xả thải ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% trên toàn cầu, cao thứ 4 thế giới. Bởi lẽ không chỉ có vùng biển rộng lớn mà Việt Nam còn sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc chạy dài khắp cả nước. Với 112 cửa biển và hơn 100 con sông lớn nhỏ, tuy nhiên trong đó có tới hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm rất nặng điển hình như sông Cầu, sông Đáy,... Đây cũng là nguồn chính xả thải rác ra đại dương gây ra tình trạng ô nhiễm biển nghiêm trọng. Rác thải nhựa trên biển không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm biển, tác động đến phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư ven biển, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái dưới lòng đại dương.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển nhưng nguyên nhân chính lại nằm ở chính ý thức của mỗi chúng ta. Thực tế vẫn còn tại một bộ phận không nhỏ người dân vẫn giữ thói quen xấu xả rác bừa bãi, không có ý thức bảo vệ môi trường. Vì thế dẫn đến việc hơn 80% lượng rác thải trên biển đến từ đất liền như từ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải hóa học độc hại,... theo cống ngầm, sông, ngòi đổ ra biển.
Bên cạnh đó, nguồn rác thải nhựa này cũng tăng lên đáng kể do hoạt động du lịch. Tình trạng xả rác khi đi tham quan, nghỉ dưỡng hay tham gia các hoạt động giải trí trên bãi biển gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan nghiêm trọng. Hoạt động đánh bắt hải sản với những chiếc lưới, dụng cụ đánh bắt hỏng bị vứt hoặc rơi xuống biển và cả chất thải từ tàu lưu thông trên biển cũng là nguyên nhân đe dọa đến hệ sinh thái dưới lòng đại dương. Một nguyên nhân khách quan đến từ sự tàn phá từ bão, sóng thần cuốn theo đồ đạc, vật dụng bằng nhựa từ đất liền xuống biển.
Rác thải nhựa đang hàng ngày hàng giờ gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường và hệ sinh thái. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường biển, góp phần gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người mà rác thải nhựa đang trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với sự sống còn của các loài sinh vật biển. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết ở Việt Nam có khoảng hơn 267 loài sinh vật biển chịu ảnh hưởng của rác thải nhựa và ăn phải các mảnh vi nhựa trên biển. Trung bình mỗi con cá đã ăn phải 2,1 mảnh nhựa, trong khi những sinh vật lớn hơn như chim, rùa, cá voi,... thường nhầm rác thải nhựa thành thức ăn thì còn nhiều hơn như vậy. Thậm chí túi nilon còn trở thành món ăn… thường thấy của rùa biển. Việc ăn và nuốt phải rác thải nhựa thường xuyên sẽ gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng đến có thể của các loài sinh vật biển như tắc nghẽn, tổn thương thành ruột, lâu dần dẫn tới giảm khả năng hấp thụ và cuối cùng là tử vong.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng về chất và cả về lượng của nhiều loài sinh vật biển, thậm chí có nhiều loài đã hoàn toàn biến mất. Hiện nay ở vùng biển Việt Nam có hơn 236 loài thủy sinh quý hiếm hoặc đặc biệt quý hiếm đang bị đe dọa, trong đó đáng báo động có hơn 70 loài đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Không chỉ chết vì ăn nhầm rác thải nhựa mà nhiều loài sinh vật biển còn bị mắc kẹt, vướng vào các lưới đánh bắt cá bỏ đi hoặc các rác thải nhựa gây tổn thương, dị tật hoặc thậm chí nhiều loài không tự thoát ra được sẽ yếu dần và chết.
Ngoài những tác động tiêu cực đến sinh vật biển và gây mất cân bằng hệ sinh thái gây thì lượng rác thải nhựa trôi nổi trên đại dương cũng tác động tiêu cực đến cuộc sống của con người. Khi vô tình ăn phải các sinh vật biển nuốt phải hạt vi nhựa, chúng ta rất dễ bị nhiễm độc gián tiếp từ chúng. Các bác sĩ lo ngại rằng nếu như chúng ta thường xuyên sử dụng những nguồn hải sản độc hại có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như vô sinh, ung thư,... thậm chí là tử vong. Không những thế các chất độc còn tồn dư trong rác thải nhựa có thể ngấm ngược trở lại vào nguồn nước, đất đai gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc lượng rác thải quá lớn trôi nổi trên biển sẽ gây trở ngại lớn cho các hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển và khai thác du lịch.
Để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do rác thải nhựa gây ra cho môi trường, không gì quan trọng hơn là sự thay đổi từ chính chúng ta. Mỗi người hãy tự nâng cao ý thức cá nhân biết phân loại và vứt rác đúng nơi quy định, không xả thải rác bừa bãi ra môi trường nhất là sông ngòi, ao, hồ,...vì đây chính là nơi nguồn rác đổ thẳng ra đại dương. Để giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường khi đi du lịch, nhất là du lịch biển, mỗi người cần nâng cao ý thức cá nhân, chung tay giữ sạch bãi biển, không vứt rác bừa bãi xuống biển và ven bờ biển. Bên cạnh đó, việc duy trì một lối sống xanh, lành mạnh hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng là một cách để hạn chế một lượng lớn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm. Mỗi chúng ta hãy góp một phần sức nhỏ bé của mình giúp hạn chế lượng rác thải nhựa xả ra môi trường hàng ngày để rác thải nhựa không còn là nỗi ám ảnh của sinh vật biển dưới đáy đại dương.