Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn: Lan tỏa tình yêu thoại kịch sinh viên

(Sóng trẻ) - Hơn bốn năm khóc cười trong từng vai diễn, Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn thuộc Câu lạc bộ Kịch Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM - đã ghi lại dấu ấn trong trái tim người yêu kịch bằng những cảm xúc thăng trầm trong từng câu thoại. Con đường nghệ thuật tưởng chừng "trái ngành" nhưng lại là bức tranh được tô điểm bởi lòng nhiệt thành và niềm đam mê của sinh viên ngành báo.

a-nh-1-1.jpg
Sân khấu kịch do chính các sinh viên dàn dựng với chất lượng không kém cạnh bất kì chương trình chuyên nghiệp nào. (Ảnh: Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn)

Mỗi vở diễn tập đều đặn trong 2 tháng

Xuất thân là một nhóm kịch nhỏ không chuyên trong chiến dịch Xuân tình nguyện 2017, sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV đã gieo vào nhau niềm đam mê nghệ thuật. Năm 2018, Đội Kịch Khoa Báo chí và Truyền thông thành lập với gần 50 thành viên đầu tiên nhằm tạo ra sân chơi cũng như nơi rèn luyện năng khiếu diễn xuất. Trong vòng một năm, Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn bắt đầu định hướng phát triển các vở kịch dài, chỉn chu hơn với mục tiêu mang kịch nói đến gần với giới trẻ. Sau 4 năm hoạt động, ngày 10/10/2021, Đội kịch chính thức trở thành câu lạc bộ (CLB) với quy mô và định hướng chuyên nghiệp hơn.

Bên cạnh các CLB thoại kịch đã định danh trước đó như Đội kịch CKT, MIR CLUB, Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn dần trở thành CLB có những đóng góp và khẳng định vị trí của mình một cách ấn tượng. Đặt Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn và những CLB kịch trước đó lên bàn cân, Đức Huy - người sáng lập, biên kịch, cố vấn CLB - chia sẻ: "Mình có tìm hiểu các CLB đội nhóm về kịch khác của trường và các khoa bạn. Nhưng đó không phải là vấn đề làm mình áp lực. Nếu có cạnh tranh, thì phải là cạnh tranh với bản thân ngày hôm qua để ngày càng tiến bộ. Hơn nữa, mỗi CLB đều có định hướng và phong cách riêng, nhu cầu thưởng thức và tìm hiểu về kịch của sinh viên khoa - trường cũng rất đa dạng, nên mỗi đơn vị cố gắng hết sức là được".

Là cựu sinh viên và cũng là người chấp bút cho các vở kịch của CLB, Đức Huy cho biết hầu hết kịch bản thường được khởi nguồn từ những ý tứ, thông điệp mà bản thân tâm đắc và mong muốn truyền tải. Các chi tiết đều được lấy ý tưởng từ đời sống thường nhật, kể cả những câu chuyện hư ảo cũng là đời thật được khoác lên mình lớp áo của yếu tố kỳ ảo. Chỉ khi ấy, khán giả mới cảm thấy gần gũi và nhận ra thông điệp của vở diễn có tính thời sự.

Đức Huy tự tin khẳng định "đặc sản" của Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn chính là do sinh viên ngành bảo dàn dựng và biểu diễn. Lý giải về đặc trưng này, Đức Huy cho rằng sinh viên Báo chí thường có trong mình nhãn quan đa chiều, nhìn các vấn đề xã hội ở nhiều phương diện mới mẻ. Từ sự thấu thị riêng và mới lạ ấy, Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn đã mang đến những đề tài và hướng khai thác không trùng lặp với các đơn vị khác.

Để tạo ra một sản phẩm kịch dài tầm 2-3 giờ, CLB phải tổng hợp sức trí của rất nhiều người. Thành viên CLB không chỉ là sinh viên, mà còn có các anh chị đã đi làm ổn định tại các cơ quan báo chí, công ty truyền thông. Khi một vở kịch được lên ý tưởng, tất cả thành viên đều sáng đi học, đi làm, chiều tối tập kịch đều đặn trong vòng 2 tháng.

Thái Thái - sinh viên năm 3 Khoa Báo chí và Truyền thông, Chủ nhiệm CLB, bộc bạch: "Có lúc, mình thấy thương mọi người phải thức khuya làm đạo cụ, cảnh trí. Vào những ngày sắp công diễn, các thành viên không còn phân ban nữa, vì lĩnh vực nào cũng thấy có người khác tham gia phụ làm, nhất là công việc sản xuất. Đặc điểm của những ngày này là đầu tóc chưa kịp gội, quần áo chưa kịp giặt... Nhưng cố gắng quên mình, chủ động trong công việc và đam mê sân khấu đã giúp tụi mình vượt qua tất cả".

Nói về việc lựa chọn các thành viên và diễn viên cho Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn, Thái Thái cho biết là kịch của sinh viên nên mọi người đều diễn xuất bằng tất cả đam mê và bản năng của mình. Tuy nhiên để tạo sự thuyết phục cho khán giả khi nhập vai, các thành viên trong CLB đã tự mày mò, trau dồi kỹ năng diễn xuất. "Vậy nên câu chuyện bồi dưỡng năng lực diễn xuất trong CLB thường xuyên được các anh chị thế hệ trước quan tâm, dìu dắt. Học nghệ thuật trong CLB Kịch rất cần sự siêng năng, chăm chỉ. Bản thân mình không chọn người giỏi, mình chọn người phù hợp để đi xa cùng CLB. Một trong những điều làm nên sự phù hợp đó chính là bắt nguồn từ niềm đam mê" - Thái Thái bộc bạch.

Bảo Trân - sinh viên năm nhất, thành viên CLB, bày tỏ từ ngày trở thành mảnh ghép của Sân khấu kịch Báo chí Nhân Văn, Trân rèn luyện được sự chỉn chu và tính kiên nhẫn trong công việc cũng như nuôi dưỡng niềm đam mê được đứng trên sân khấu biểu diễn. "Mình rất ấn tượng với phương châm làm việc của các anh chị trong CLB. Đó là một khi đã bước lên sân khấu thì không còn quan tâm bất cứ thứ gì mà phải nhập tâm vào nhân vật, trình diễn hết mình để thể hiện đúng hình tượng nhân vật đó" - Bảo Trân hồ hởi nói. 

a-nh-2-2.jpg
Không được đào tạo bài bản nhưng các thành viên CLB vẫn thể hiện đầy đủ những cung bậc cảm xúc cần thiết. (Ảnh: Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn)

Tiếng vỗ tay là khoảnh khắc hạnh phúc nhất

Kế thừa thành công từ Mặt trời soi kiếp rong chơi (2018), Cuối trời phiêu lãng (2019) và Nửa trời phiêu lãng (2020), Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn tiếp tục gây tiếng vang với vở diễn Trái tim hóa thạch vào ngày 15/4. Đây là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Sân khấu kịch sau hai năm vắng bóng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Kéo dài 180 phút (bằng thời lượng vở diễn của sân khấu kịch chuyên nghiệp) và thu hút hơn 300 sinh viên tham dự trong suất diễn đầu tiên, Trái tim hóa thạch mang đến Vở kịch kể về câu chuyện Hằng Nga và chú Cuội cùng nhau trốn khỏi cung Quảng Hàn - vốn chịu sự quản chế của thiên đình - để về lại quê nhà. Khác với những hình ảnh diễm lệ của thần thoại, cổ tích, hai nhân vật này đều mang những nỗi niềm riêng. Cuội luôn đau đáu về người vợ tào khang, chán ngán sự cô đơn nơi thiên cung, chỉ muốn tìm gặp lại gia đình mình. Hằng Nga ôm trong lòng nỗi oán hận với Hậu Nghệ - kẻ đã giết gia đình mình và chiếm đoạt lấy nàng, đẩy nàng vào cuộc sống bất tử. Trái với Cuội, nàng chỉ muốn báo thù.

Hành trình trở về của hai nhân vật cổ tích được đặt trong bối cảnh hiện đại, tại một thị trấn ven biển. Từ đây những yêu thương, thù hận bắt đầu mở ra, cùng những sự suy ngẫm về lòng trắc ẩn, tình yêu chân thành được Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn lồng ghép đầy tinh tế.

a-nh-3-2.jpg
Phân cảnh về ký ức của Hậu Nghệ và Hằng Nga trong vở Trái tim hóa thạch được dàn dựng giàu tính nghệ thuật. (Ảnh: Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn)

Quốc Tiến - Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM - cho biết được bạn bè giới thiệu nên muốn đến xem thử và vở kịch này đã mang đến cho bạn quá nhiều bất ngờ. "Em từng có dịp cùng gia đình xem kịch tại các sân khấu lớn của thành phố nên em không nghĩ đây là vở kịch của các bạn sinh viên dàn dựng. Quá bất ngờ và cuốn hút. Mọi thứ đều chỉn chu từ phục trang, ánh sáng, dàn dựng, cảnh trí và diễn xuất... tất cả đều vượt rất xa chất lượng của một vở kịch do sinh viên thực hiện" - nam sinh Bách Khoa phần khôi kể lại.

Tiến cũng nói thêm, phân cảnh khiến mình ấn tượng nhất là những ký ức của Hằng Nga về Hậu Nghệ. Các diễn viên đều mang những chiếc mặt nạ trắng như kiểu mặt nạ hồn ma trong kịch Noh của Nhật. Sân khấu phủ ánh sáng đen - đỏ, trang phục cổ cùng những động tác múa của dân diễn viên khá uyển chuyển, gợi lên không khí vừa rùng rợn, vừa bị thương xen lẫn sự tráng lệ.

Nói về tính thời sự trong và Trái tim hóa thạch, Gia Mình - thành viên CLB Kịch, cho rằng không phải những gì nóng hổi, đang được quan tâm tại thời điểm đó mới gọi là "tỉnh thời sự". Là những sinh viên báo chí, tính thời sự được CLB thể hiện dưới một nghĩa rộng hơn.

Gia Minh nói: "Theo mình nghĩ, tỉnh thời sự nên được hiểu theo nghĩa rộng. Những điều bình thường vẫn tồn tại và sẽ luôn tồn tại trong xã hội như tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, lòng trắc ẩn, sự hận thù... đều có thể gọi chung là 'tính thời sự. Và đã là kịch thì chúng ta có thể khai thác bất cứ khía cạnh nào miễn là nó hay và truyền tải trọn vẹn thông điệp ý nghĩa. Giống như vở kịch Trái tim hóa thạch khai thác những khía cạnh về sự hận thù và cách chúng khiến ta mù quáng để rồi tình yêu thương thật sự có thể bù đắp cho con người ta như thế nào, đó cũng các vấn đề mang tính thời sự".

Sự thành công của vở kịch còn được ghi nhận qua nhiều bài viết của các cơ quan báo đài như HTV, VTV1, Tuổi Trẻ... với những thông tin về sự khởi sắc của kịch sinh viên. Khi được hỏi về hướng đi cho sân khấu kịch này, Thái Thái tâm sự: "Mình chỉ là đốm lửa nhỏ so với ngọn lửa lớn nghệ thuật thoại kịch. Đặc biệt, nhiều sân khấu kịch đang chật vật, loay hoay trong việc trò mình. Như sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa qua đã công bố việc diễn theo mùa, bỏ hẳn hình thức diễn liên tục các vở cũng là cách xoay xở tìm đường sống.

Những cây đa cây đề trong sân khấu kịch như nghệ sĩ Ái Như, nghệ sĩ Thành Hội vẫn cố gắng tìm kiếm cơ hội duy trì và tìm lại ánh hào quang cho kịch thì tại sao chúng ta lại không hy vọng vào tương lại khởi sắc cho kịch nói?". Chủ nhiệm CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông cũng trải lòng rằng, khi tiếng vỗ tay của khán giả vang lên cuối vở diễn, cũng là lúc mọi nỗ lực của các thành viên được đền đáp xứng đáng. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN