Sinh viên lựa chọn việc làm: An phận hay dám thử thách?
(Sóng trẻ) – Câu chuyện công ăn việc làm là một vấn đề thời sự nóng bỏng trong thời buổi “người khôn của khó” như hiện nay. Đặc biệt, với sinh viên câu chuyện có việc làm sau khi ra trường là mối quan tâm hàng đầu. Xét ở khía cạnh tính chất của việc lựa chọn công việc đặt ra vấn đề: “Sinh viên sẽ chọn công việc như thế nào?”
Làm công ăn lương hay tự chủ công việc
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia công bố, số người tìm việc làm trong năm 2017 là 26,55 triệu người. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 54,88 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên). Nhìn nhận sự tương quan giữa lực lượng lao động và nhu cầu tìm kiếm việc làm có thể thấy số người tìm việc làm chiếm gần 50% tổng số người trong độ tuổi lao động. Nhóm người này có nhu cầu tìm cho mình một công việc ổn định, an toàn theo dạng thức làm công ăn lương.
Công việc làm công ăn lương (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Theo số liệu của năm 2017, cả nước có tới 1,02 triệu người thất nghiệp, mức cao nhất từ trước tới nay. Với sinh viên, tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng cử nhân với mong muốn duy nhất sẽ tìm được một công việc phù hợp với ngành học của mình. Nhưng đa phần mong muốn đó có sự ảnh hưởng rất lớn từ phía gia đình. Với nhiều gia đình, xin việc cho con em mình vào trong các cơ quan Nhà nước, làm công ăn lương theo giờ hành chính là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Nhưng họ không biết rằng, chính con em mình lại có những suy nghĩ hoàn toàn trái ngược. Nguyễn Đăng Dũng – sinh viên năm hai trường Học viện Ngân hàng cho biết: “Hiện tại mình đang học ngành Kế toán của Học viện Ngân hàng. Lí do duy nhất để mình học ở đây đó là do bố mình bắt mình học vì bố mình làm ở Ngân hàng tỉnh sẽ dễ xin việc cho mình. Mình chấp nhận học thôi chứ cũng không thích thú gì.”
Biểu đồ kết quả khảo sát
Để có một cái nhìn xác thực, phóng viên đã thực hiện một khảo sát về xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của các bạn sinh viên. Khảo sát thu về 111 phiếu điền với kết quả có sự phân luồng khá rõ nét. Với câu hỏi “Bạn mong muốn công việc trong tương lai sẽ ra sao?”, kết quả thu về cho thấy có 27/111 người lựa chọn công việc làm công ăn lương chiếm tỉ lệ 24,5%, trong khi đó có 83/111 người lựa chọn dám thử thách, tự chủ công việc chiếm tỉ lệ 75,5%.
Phá bỏ giới hạn an toàn, thành công từ sự tự chủ
Bất kể công việc làm công ăn lương hay tự làm chủ chính mình trong việc làm đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Nếu công việc làm công ăn lương theo giờ hành chính đem tới sự an toàn, ổn định nhưng lại dễ gây nhàm chán, bị động, thiếu sự hứng phấn khi làm việc thì một công việc do mình tự chủ lại đem đến sự chủ động, tự do cho bản thân nhưng cũng đi kèm không ít rủi ro, thất bại.
Trên thực tế, đã có rất nhiều người bỏ việc chuyển sang buôn bán, kinh doanh, xây dựng một công việc do mình làm chủ và nhiều người đã thành công. Ví dụ như Chàng cử nhân Đinh Văn Cường (sinh năm 1987, Hà Tĩnh), tốt nghiệp Học viện Ngân hàng và làm chủ một tiệm bánh mì, sau 2 năm hoạt động, lượt khách mỗi ngày lên tới 400 – 500 người. Hay cô gái trẻ Nguyễn Thùy Linh đã quyết định bỏ công việc với mức lương 50 triệu/ tháng tại Singapore về quê trồng rau sạch. Hiện tại, Linh đang làm chủ một trang trại 7 ha và một cửa hàng thực phẩm hữu cơ. Và còn nhiều hơn nữa những bạn trẻ đã, đang và sẽ thành công bằng một công việc tự làm chủ bản thân.
Những câu chuyện khởi nghiệp thành công với sự tự chủ trong lựa chọn công việc là một minh chứng cho quyết tâm dám thử thách, chấp nhận vấp ngã để có thể thành công
Lựa chọn nào cho phù hợp?
Biểu đồ kết quả khảo sát
Trong khảo sát của phóng viên có câu hỏi “Bạn có nghĩ giới trẻ nên tự chủ công việc của mình?” thì kết quả thu được có sự chêch lệch rất rõ rệt. Theo đó số người trả lời “Có” là 108/111 người, chiếm tỉ lệ 97,3%, trong khi đó trả lời “Không” là 3/111 người, chiếm tỉ lệ 2,7%. Rõ ràng những người trẻ luôn mong muốn có một công việc tự tay mình gây dựng nên hơn là có được một công việc làm công ăn lương.
Chia sẻ trong khảo sát nhiều bạn trẻ cho rằng: Làm công ăn lương không hẳn là thiếu nhiệt huyết như một số người vẫn nghĩ. Có nhiều người muốn cảm giác an toàn trong công việc và họ bằng lòng với những gì mình đang có và đang làm. Họ sợ sai lầm và khó khăn phải trải qua khi vấp ngã. Trong khi đó, một quan điểm khác lại cho rằng: Lựa chọn một công việc thử thách bản thân sẽ giúp mình biết mình đang ở đâu, muốn thành công thì phải nỗ lực, cố gắng. Nhưng nếu nỗ lực hết mức mà vẫn không đat được thì có thể đã đi sai đường.
Đại đa số các bạn lựa chọn một công việc tự làm chủ bản thân đều cho rằng: Với công việc này sẽ tạo năng lượng, tư duy giúp mình làm mới bản thân liên tục và có thể tìm thấy nhiều cơ hội trong công việc và không phải phụ thuộc vào bất kì ai. Bên cạnh đó, những bạn lựa chọn công việc ổn định lại chỉ ra quan điểm: Công việc an phận tuy thụ động nhưng sẽ ít rủi ro hơn là dám thử thách, an phận sẽ có được cảm giác an toàn trong cuộc sống.
Việc lựa chọn bất kì một công việc nào cho bản thân ai cũng có lí do của riêng mình. An phận hay dám thử thách, làm công ăn lương hay tự mình làm chủ công việc đều là những lựa chọn phù hợp đối với từng hoàn cảnh khác nhau của mỗi người.
Đàm Công Bắc
Cùng chuyên mục
Bình luận