Sinh viên - nạn nhân đáng thương hay kẻ tiếp tay cho bóng tối? (Kỳ II)
(Sóng Trẻ) - Điểm danh hộ, học hộ, chép bài hộ, thuyết trình hộ, làm tiểu luận hộ... là những cụm từ “rao bán” quá quen thuộc trong các page Học hộ - Thi hộ tràn lan trên facebook hiện nay. “Hộ” theo đúng nghĩa của nó thay thế và thế chân chủ thể chính hay nguy hiểm hơn là sự bòn rút và tạo thói lười biếng cho chủ thể chính?
Kỳ II: Muôn sắc màu “hộ”?
Muôn sắc màu “hộ”?
Có những page Học hộ - Thi hộ nổi tiếng đến mức trong giới sinh viên truyền tai nhau, sử dụng chức năng thêm thành viên để giới thiệu cho nhau và đặc biệt nếu đăng bài “rao bán” vào những “khung giờ vàng” (trước giờ đi học sáng 7h, trưa 12h và tối 17h) thì chỉ trong một nháy mắt, bài đăng của bạn đã lên tới con số hàng chục bình luận “nhận việc”.
Hàng loạt sắc màu “hộ” như chép hộ, thuyết trình hộ, học hộ... (Nguồn: Facebook)
Tiêu chí chung của người thuê là muốn người nhận “có tâm” nghĩa là không “bùng” dưới mọi hình thức, yêu cầu không vòng vo mọi lý do để thoái thác việc nhận ban đầu. Giá trung bình của một buổi học hộ là từ 50.000-70.000 đồng phụ thuộc vào độ dài của số tiết học. Nếu buổi học đó có thêm bài kiểm tra thì sẽ được thêm tiền, người thuê thường yêu cầu luôn người nhận cần có kiến thức về môn đó hoặc thẳng thắn nói luôn “tớ chỉ cần người điểm danh hộ, muốn chơi game, nghịch điện thoại, ngủ trong lớp cũng được, đừng gây chú ý lộ liễu quá là oke, có kiểm tra thì chép bạn tớ bên cạnh” (nick facebook Minh Trang đăng bài trên page Học hộ - Thi hộ ngày 19/09/2017).
Chép bài hộ, nhận tiểu luận hộ cũng được một số sinh viên gọi đó là “nghề làm thêm” của mình. Giá chép tay thuê cho tiểu luận, đề cương, vở... thường từ 5.000-15.000 đồng tùy vào người thuê. Bạn nữ cần người chữ đẹp là có luôn, bạn nam cần người chữ xấu cũng có luôn - dịch vụ phục vụ từ A đến Z, người chép thuê mang tới tận nhà người thuê, chỉ cần tiền sòng phẳng thì “muốn gì cũng có”.
Có hẳn những nick ảo nhận chép thuê đính kèm dòng quảng cáo “uy tín” (Nguồn: Facebook)
So với học hộ và chép hộ thì làm bài tập lớn, làm tiểu luận hộ lại là “món hời” mang đến số tiền “béo bở” hơn. Bạn D.T.H (1998) chuyên nhận làm tiểu luận hộ cho biết: “Thực ra mình toàn copy trên mạng rồi mang về chỉnh sửa, đừng để lộ quá là được, chẳng mấy khi mình tự làm, mất công nghĩ mà có khi lại không đúng”. Khi được hỏi nếu làm qua loa và sao chép như thế thì liệu có làm người thuê bị điểm kém không, câu trả lời vô cùng “đáng mừng”: “Không hề, mình toàn làm được 7-8 điểm, có hôm may còn được 9 điểm, căn bản là thầy cô trường đó chấm cũng dễ, nhiều bài quá làm sao đọc hết”. Giá một bài tiểu luận dao động từ 100.000 - 500.000 tùy mức độ khó của từng bài. Nhưng có vẻ với sự phát triển của công nghệ và sự bão hòa của thông tin hiện nay, chỉ bỏ ra khoảng 30 phút - 1 tiếng để copy, chỉnh sửa bài trên mạng rồi nhận tiền thì quả thật đây là “nghề làm thêm hái ra tiền” dành cho các bạn sinh viên.
Lợi thì có lợi nhưng kiến thức không còn
Người làm hộ có thêm thu nhập, còn người thuê lại không cần đến lớp cũng được điểm danh, không cần làm bài vẫn có điểm - lợi ích đôi bên. Nhưng lợi thì có lợi nhưng kiến thức không còn. Một điều hiển nhiên mà ai cũng biết khi học Đại học, Cao đẳng: Những kiến thức trên giảng đường dạy 10 phần thì sau sinh viên sử dụng cũng chỉ là 5 phần, thậm chí 2-3 phần. Kiến thức đại cương quá nhiều, lý thuyết chuyên ngành của dài liên miên, sự vận dụng thực tiễn lại ít. Chính cơ chế giáo dục thiên về lý thuyết, chưa chú trọng thực hành là lỗ hổng lớn nhất cho “nghề làm thêm” làm hộ tiểu luận phát triển ngày càng phổ biến trong giới sinh viên hiện nay. Nếu giảng viên thay đổi cách thức kiểm tra hoặc nộp bài tiểu luận thiên về vận dụng thực tiễn, không đòi hỏi quá nhiều kiến thức lý thuyết, thúc đẩy sự sáng tạo của sinh viên thì có lẽ mọi chuyện đã đi theo chiều hướng khác.
Bài tập giữa kỳ không nên chỉ là tóm tắt lại kiến thức, giảng viên nên đưa sinh viên đi thực tế, tiếp xúc với nghề (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ lưỡng thì những kiến thức trên giảng đường một phần nào đó vẫn rất có ích cho cuộc sống hiện tại và tương lai của sinh viên. Đến khi gặp tình huống cần thiết, sinh viên mới thấy những bài học của thầy cô trên lớp quý báu như thế nào. Bỏ lỡ một buổi học trên lớp chỉ để ở nhà ngủ, ngại trời mưa... và đăng bài thuê học hộ trên facebook thì đó là điều đáng chê trách. Thói quen lười biếng, ỷ lại, thiếu tính tự giác, ngại suy nghĩ, không biết khơi gợi hứng thú trong học tập... là “bệnh chung” của một bộ phận sinh viên hiện nay.
Để giải quyết thực trạng này, có lẽ mẫu số chung cho câu trả lời là quy định của nhà trường cần nghiêm ngặt hơn nữa trong khâu điểm danh, kiểm tra thẻ sinh viên, so sánh bài làm... để tránh hiện tượng đi học hộ, làm bài hộ. Trong nội quy của từng nhà trường và quy định của Bộ Giáo dục đã ghi rõ mức phạt dành cho sinh viên nhờ học hộ, kiểm tra hộ nhưng có một điều luật “bất thành văn” mà ai cũng biết rằng “càng cấm thì càng làm”. Vậy thì thay vì cấm, tại sao nhà trường và giảng viên không đổi hình thức điểm danh bằng một bài tập nhỏ mang tính vừa chơi vừa học tạo hứng thú cho sinh viên hoặc cho đi thực tế và viết bài thu hoạch đòi hỏi quan điểm cá nhân cùng tính sáng tạo?
Căn cứ theo quy định tại theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT ban hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo hệ đại học chính quy có hiệu lực từ ngày 23/05/2016 quy định: Thi, kiểm tra thay, hoặc nhờ thi, kiểm tra thay; làm thay, nhờ làm hoặc sao chép tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp nếu vi phạm lần 1 sẽ bị đình chỉ học có thời hạn. Áp dụng hình thức xử phạt buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.
|
Phan Thanh
Cùng chuyên mục
Bình luận