Tết của những đứa con xa nhà: Yêu thương “nặng” lắm!



(Sóng Trẻ) - Ai đã từng trải qua cảnh cố kiềm nén nhưng nước mắt cứ lưng tròng khi thấy lũ em súng sính khoe quần áo mới; buông một câu: "Anh hai đi ra bếp lấy nước chút" nhưng thật ra chỉ né ra khỏi khung hình mà lau vội mấy giọt nước mắt không nghe lời, nặng trĩu, cứ chực rơi xuống đất, vỡ vụn những mong manh… Chỉ những người đó mới hiểu giá trị của những yêu thương “nặng lắm” giữa xứ người khi Giao thừa điểm.


Du học sinh Việt và những cái Tết ở xứ người

Bạn hỏi tôi: "Bên đó Tết nhất sao rồi mày? Tao phải đi làm đến tận 28 Tết. Mà Tết thật sự có mấy ngày này thôi. Qua giao thừa là hết Tết. Chán ghê..." Bạn thở dài thườn thượt, cố nhấn mạnh cái sự "chán ghê..." đáng ghét đó.

Tôi cười nhẹ, bạn không thấy được nụ cười méo mó bao lần rơi rớt, sứt mẻ mà tôi lỡ gắn lên môi. Bạn chỉ nhận được cái hình mặt cười nhoẻn miệng tôi gởi qua mạng. "Không có bạn bè ở Việt Nam lên mạng đăng ảnh và huyên thuyên chuyện Tết nhất thì chắc tao cũng quên hẳn Tết mày à" - Tôi trả lời bạn. Sau đó chỉ là tiếng "haiz..." thở dài của bạn. Dấu ba chấm hờ hững, lê thê đính theo làm nỗi buồn dài ra bất tận.

2002028e9_1.jpgBạn cứ thử tưởng tượng ngày 30 Tết cũng chỉ là một ngày nào đó giữa tháng 2, giữa tuần, và giữa học kì. Nài đường xe vẫn chạy như bao ngày khác. Người ta vẫn chuộng quần áo đen và hàng tá các thứ áo khoác, quần áo lót ấm, khăn choàng, bao tay và nón len chỉ để cố che đậy hết tất cả các phần da thịt có khả năng phơi ra trước cái lạnh tê cóng của những ngày cuối đông. Vẫn học, vẫn làm, vẫn bài tập nhóm, và vẫn thi giữa kì. Lịch trình ngày tết cũng vẫn như cũ: đi làm từ 8h sáng đến 5h chiều, sau đó học từ 6h30 đến 10h30 tối, về nhà là 11h30, bạn chỉ có 30 phút để ăn uống, tắm rửa trước khi lên giường ngủ, giữ sức cho ngày hôm sau diễn ra y như vậy.

Ngày 30 Tết không bánh, không mứt, không hoa mai, hoa đào, không lì xì, câu đối. Nài đường không đường hoa, không đèn trang trí, không nhạc xuân, và hơn hết, không cả một chốn tìm về mà ta vẫn gọi là "nhà".

Đó, ngày Tết của tôi, cũng như của hầu hết sinh viên du học vòng quanh Thế giới.

Du học là đồng nghĩa với chấp nhận lìa xa chốn dựa dẫm và những vòng tay nâng đỡ của người thân. Du học cũng là bước vào một thế giới vô vàn trái ngược với thế giới trong mắt ta từ thuở bé. Người ta ở quê nhà háo hức đón lễ, đón Tết. Trong khi đối với sinh viên du học, ngày thường là ngày vui hơn lễ Tết.

Ngày thường chẳng ai lên mạng rủ rê họp lớp trong khi ta biết mình chỉ có thể làm người đứng nài nhìn và giữ im lặng. Ngày thường chẳng ai đăng ảnh đi chợ hoa và đi sắm đồ Tết. Ngày thường thì Cha Mẹ và em gái chẳng bao giờ xuất hiện qua màn hình máy vi tính với quần áo mới, đỏ vàng xanh, sặc sỡ. Ai đã từng trải qua cảnh cố kiềm nén nhưng nước mắt cứ lưng tròng khi thấy lũ em súng sính khoe quần áo mới; buông một câu: "Anh hai đi ra bếp lấy nước chút" nhưng thật ra chỉ né ra khỏi khung hình mà lau vội mấy giọt nước mắt không nghe lời, nặng trĩu, cứ chực rơi xuống đất, vỡ vụn những mong manh. Chỉ những người đó mới hiểu giá trị của những yêu thương!

Những ngày giáp Tết xa nhà, sáng nén lạnh đến chỗ làm, nghe mấy cô làm chung thở dài lê thê: "Giờ này ở Việt Nam chắc là đang chuẩn bị Tết vui lắm..." Lội tuyết đi học lại nghe chúng bạn người Việt than vãn: "Mấy nay tao chả buồn lên mạng..." Chờ xe buýt nửa tiếng giữa những ngọn gió âm 20 độ để về nhà, thì văng vẳng vài câu nhạc từ phòng kế bên: "Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về. Nay én bay về trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa... Con biết không về Mẹ chờ, em trông... Mẹ ơi con xuân này vắng nhà..." Tất cả những cái chấm lửng dài thườn thượt đó biến mảnh đất xứ người thành chiến trường, với khó khăn và nỗi buồn là kẻ thù, công việc và bài tập là đạn bom, trong khi những thứ thuộc về Tết là tiếng súng trong làng phía sau lưng, và ta là kẻ duy nhất chìm trong hỗn loạn. Ta chới với, lạc lõng, cố lần mò lối thoát nhưng vô dụng. Tất cả những điều ta có thể chắc chắn là một chốn bình yên xa xăm không có mặt mình và thứ duy nhất ta có thể làm là đứng yên chịu đạn. Chỉ cố làm sao cho chính mình đừng vỡ tan ra thành nước mắt và khóc than. Cố làm sao cho nụ cười đừng rơi mất, mặc dù đã quá nhiều méo mó và sứt mẻ.

Nhớ ngày còn nhỏ, Tết đến đồng nghĩa với pháo nổ ì đùng cả làng và được lì xì rủng rỉnh túi. Xác pháo đỏ thắm đua sắc với phong lì xì nhuộm màu lên niềm vui trẻ nhỏ. Tết là dịp duy nhất đứa nhỏ được cầm trong tay số tiền lớn đến thế. Được thoả sức rủ rê chúng bạn cùng xóm sắm đồ, mua kẹo và đồ chơi. Tết đến là chạy theo Mẹ tung tăng khắp chợ, sắm từng miếng mứt, cành hoa; là ngồi cùng Cha mài mực tàu mùi ngay ngáy, viết lên giấy đỏ vài ba câu đối, in vài tấm sớ cùng; là giả vờ bĩu môi chê cái váy mới của em gái xấu hơn cái quần tây còn cứng nếp của mình. Tết xưa mỗi năm là mỗi con giáp. Còn Tết nay thì năm nào cũng là năm con Trâu. Năm mới đến có nên mừng chăng cho thêm một năm đi "Cày"?

Người ta nói: Tìm hạnh phúc là công việc từ bên trong. Tôi cũng nghe, cũng cố khuấy lên không khí Tết cho ta và chúng bạn cùng cảnh ngộ cũng thấy vui tươi những ngày Tết. Thế là Tết này cũng cố tự gắn cây mai, tự tay gói bánh chưng, cũng mứt, cũng nhang. Nhưng hình như mai cũng chẳng vàng thắm, bánh cũng kém nn, mứt ít ngọt, nhang mất thơm,... khi thiếu vắng gia đình. Một cô bạn của tôi gửi thư điện tử về cho Mẹ, nói rằng năm nay chắc sẽ đông bạn, sẽ vui, nhưng cô chẳng bao giờ quên nổi Tết cùng gia đình bé nhỏ của cô. Vòng tay của Mẹ đôi khi là thứ duy nhất có thể cho ta một cõi bình yên, tuyệt đối.

Nghe tôi "bán than" một đỗi, bạn hỏi tôi thế sao không chịu về Việt Nam chơi Tết? Tôi vẫn giữ nguyên nụ cười méo mó ban đầu, hỏi lại bạn: "Ai thi giữa kì dùm tao đây? Ai đi làm giữ chỗ cho tao khi tao quay lại đây? Ai cho tao mấy chục triệu đồng để mua một tấm vé vượt đại dương về quê đây?" Bạn im lặng. Tôi hỏi bạn những câu hỏi mà chính tôi cũng không biết phải tìm đâu ra câu trả lời.

Rốt cuộc thì Tết xứ người của sinh viên du học là tất cả những lửng lơ trên không trung. Lửng lơ mưa, lửng lơ tuyết; lửng lơ cô đơn, lửng lơ buồn; lửng lơ lo toan, lửng lơ sống... lửng lơ luôn tất cả những nhớ thương tất cả mùi, màu, âm, vị thuộc về Tết. Cứ cố lửng lơ thế, đừng rơi vỡ. Rồi bão Tết sẽ qua, rồi ta sẽ lại được về "Nhà" đón Tết. Mặc dù ngày đó chưa phải là năm nay...

" Tết tết tết tết đến rồi.
Tết tết tết tết đến rồi.
Tết tết tết tết đến rồi.
Tết đến trong tim mọi người..." trừ sinh viên du học.


Đào Lê Nguyễn
Du học sinh ĐH British Columbia Institute of Technology, Canada.


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN