Thảm kịch ở Charlie Hebdo: Tự do và giới hạ
(Sóng trẻ) - Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News vào ba năm trước, Stéphane Charbonnier, một họa sĩ làm việc cho Charlie Hebdo đã trả lời khi được hỏi về những lời đe dọa: “Tôi không có gia đình nên không sợ những sự tấn công trả thù. Tôi thà chết còn hơn sống như một con chuột”.
Đã là mười ngày kể từ sau vụ thảm sát xảy ra tại tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng. Nhân dân Pháp phẫn nộ. Cả thế giới phẫn nộ. Nỗi căm thù những phần tử cực đoan lại bùng lên, mạnh mẽ, dai dẳng. Và họ - những thành viên còn lại của tòa soạn báo xấu số, vẫn can đảm, kiên định với tư tưởng của mình. Bằng chứng là họ vẫn tiếp tục đăng hình nhà tiên tri Mohammed, dù với mục đích bày tỏ lòng khoan dung và sự thứ tha, bất chấp vụ đánh bom như một hành động cảnh báo và đe dọa xảy ra vào năm 2011, và bất chấp lời đe dọa sẽ có một vụ thảm sát tiếp theo. Hành động của họ, không gì hơn, một sự can đảm rõ rệt, và họ đã được ủng hộ với 3 triệu bản bán hết ngay trong ngày đầu tiên tái xuất bản cùng niềm đồng cảm từ đông đảo cộng đồng thế giới.
Song, “không có lửa làm sao có khói”, hành động kiên quyết của tòa soạn Charlie Hebdo có thể khiến người ta băn khoăn về một sự can đảm liệu có đang được đặt sai chỗ và về một nền báo chí với sự tự do liệu có đang vượt nài khuôn khổ.
Trong chuyến thăm châu Á của mình mới đây, Giáo hoàng Francis đã thuyết giảng những lời như sau: “Giết hại nhân danh chúa trời là lầm lạc”, song đồng thời cũng nói: “Chúng ta có sự tự do, nhưng chúng ta cũng có những nguyên tắc hay luật lệ. Sự tự do ngôn luận không đồng nghĩa với quyền châm biếm đức tin của người khác”.
Giáo hoàng Francis khẳng định giết người là tội ác, song ông không quên cái gì đã gây ra tội ác đó - sự tự do không biết giới hạn của chính mình (nguồn: Reuters)
Liệu việc châm biếm một nhà tiên tri được cả cộng đồng Hồi giáo tôn sùng có phải là cách tuyệt vời để phản đối một tôn giáo? Liệu việc cười cợt thủ lĩnh của một nhóm khủng bố có phải là cách khả thi để tiêu diệt nhóm khủng bố đó? Sự tự do, lòng can đảm, giờ đây được trả bằng 12 mạng người. Một sự châm biếm chỉ mang lại nước mắt. “Tôi không có gia đình nên tôi không sợ những cuộc tấn công trả thù”. Nhưng anh có các đồng nghiệp và người vệ sỹ. Và họ có gia đình. Và những phần tử cực đoan, khủng bố, những kẻ dám “tử vì đạo” không bao giờ chỉ sát hại một người.
“Tự do trong khuôn khổ.” Đó là lý do mà cái gọi là tự do ngôn luận, tự do báo chí vẫn phải được đặt trong điều có thể trở thành biểu tượng cho những giới hạn: luật pháp.
Đấu tranh là không sợ chết. Nhưng khi đã không thể còn có mặt trong cuộc đời này nữa, liệu có còn cơ hội để đấu tranh? Họ có thể truyền sức mạnh đấu tranh, nhưng một trong những kết quả rõ rệt nhất có thể thấy được lại là sự phẫn nộ và lời đe dọa từ phía các phần tử khủng bố, càng lúc càng tàn bạo và hung hăng.
Hãy nhìn một con cá đang bơi. Con cá đó muốn thoát khỏi cái bể nhỏ bé để hòa mình vào thế giới rộng lớn nài kia, nhưng liệu có cơ hội cho nó tận hưởng ước mơ vẫy vùng khi thoát khỏi chiếc bể đó là một môi trường không có nước? Tự do cũng đơn giản là vậy.
Luôn luôn cần những giới hạn cho mọi sự tự do. Luôn luôn cần những khuôn khổ cho một nền báo chí tự do. Luôn luôn cần những biên giới cho mọi sự phát ngôn. Bởi dù không có ai thân thiết, nhưng mỗi người luôn có mối liên hệ với cộng đồng. Và bởi cái chết do sự châm biếm, dù mục tiêu có lớn lao đến đâu thì vẫn luôn là cái giá quá đắt.
Ngọc Hà
Báo Mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận