“Thằng nhóc” – Tiểu thuyết trưởng thành lay động trái tim độc giả
(Sóng trẻ) – Trong khuôn khổ Ngày hội Sách châu Âu 2018 tại Việt Nam, chiều 7/5, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Escape, công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tọa đàm “Alphonse Daudet và những áng văn làm lay động tâm hồn”. Buổi trò chuyện có sự tham dự của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, dịch giả Đỗ Thị Minh Nguyệt, Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu cùng đông đảo công chúng độc giả.
Đông đảo độc giả đến với buổi tọa đàm
Alphone Daudet là văn sĩ kiêm thi sĩ người Pháp, những tác phẩm của ông chứa đựng những nét riêng, đầy tính nhân văn sâu sắc, mang đến những xúc cảm đặc biệt cho người đọc.
“Đó là một sự thật, tôi quả là hung tinh của bố mẹ tôi. Kể từ ngày tôi được sinh ra, biết bao nỗi bất hạnh khó mà tin nổi từ mọi nơi dồn dâp đến với họ. Đầu tiên là chuyện tên khách hàng Marseille, sau đó là hai lần hỏa hoạn trong cùng một năm, rồi cuộc đình công của những người công nhân mắc sợi, rồi mối bất hòa với bác Baptiste, rồi một vụ kiện sạt nghiệp với những người bán thuốc nhuộm của chúng tôi, rồi cuối cùng, cuộc cách mạng năm 18, đã giáng cho chúng tôi một đòn chí tử.”- Trích tiểu thuyết “Thằng nhóc” - Alphone Daudet
Tác phẩm “Thằng nhóc”
Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Thằng nhóc” của văn hào Pháp đồng thời là một thiên hồi ký vừa dịu dàng, êm ả vừa xáo động, dữ dội của ông. Dịch giả Đỗ Thị Minh Nguyệt chia sẻ về cuốn sách: “Câu chuyện “Thằng nhóc” thường được nhắc đến như một cuốn tự truyện với ngôn ngữ ở ngôi thứ nhất và rất nhiều chi tiết gợi lại cuộc sống của tác giả. Với tôi, câu chuyện ẩn chứa một thế giới tình cảm, cùng nhiều hoài niệm tác giả chạm đến cảm xúc của người đọc. Với ngòi bút tinh tế, biểu cảm tôi thấy được trong câu chuyện này mang tính giáo dục rất cao qua đấu tranh nội tâm của thằng nhóc”.
Diễn giả Đỗ Thị Minh Nguyệt chia sẻ về cuốn sách
Tiểu thuyết “Thằng nhóc” là câu chuyện về một chú bé tỉnh lẻ nghèo khổ và yếu đuối với hành trình dài đầy gian nan, cạm bẫy. Câu chuyện xuyên suốt từ những năm tháng niên thiếu gian khó đến giai đoạn tự xác định căn tính bao đau đớn trong trường đời của nhận vật, để rồi cuối cùng vượt qua cái chết và đến một trang đời mới hứa hẹn hạnh phúc.
Chia sẻ về tiểu thuyết “Thằng nhóc”, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu cho biết: “Trong văn học Pháp thế kỷ 19, chúng ta có rất nhiều tượng đài kì vĩ, Alphonese Daudet không phải là một tên tuổi quá lừng lẫy nhưng văn của ông có nhiều điểm đặc biệt chạm gần đến với văn học Việt Nam. Với tiểu thuyết mang tính tự truyện này, ông đã biến cuộc đời của mình thành chất liệu và có ý nghĩa văn hóa cực kỳ to lớn chạm đến trái tim độc giả".
Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu tại buổi tọa đàm
Alphonse Daudet (1840 – 1897) là nhà văn Pháp và là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng. Ông sinh ra ở miền Nam nước Pháp. Ông bắt đầu viết từ năm 14 tuổi, đến năm 18 tuổi ra thi tập “Những người đàn bà đang yêu” và ngay lập tức được đón nhận. Từ đó ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm thuộc các thể loại tiểu thuyết, tập truyện ngắn, thơ và kịch. Trong đó có rất nhiều tác phẩm đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam nhờ văn phong giàu chất thơ, tính nhân văn và hết sức cảm động.
Dương Lan
Cùng chuyên mục
Bình luận