Thế hệ nào cũng cần quản trị cảm xúc
(Sóng trẻ) - 14h00 ngày 22/12, Trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Gen Z và vấn đề quản trị cảm xúc trong môi trường học đường". Chương trình mang đến những phân tích sâu sắc và giải pháp thiết thực giúp Gen Z "làm chủ" cảm xúc của bản thân.
Những áp lực từ học tập, thi cử cho tới các mối quan hệ… khiến nhiều người trẻ phải đối mặt với thách thức về tâm lý. Cảm xúc tiêu cực kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thậm chí dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Chính vì vậy, việc trang bị cho Gen Z những kỹ năng quản trị cảm xúc là điều vô cùng cấp thiết.
Tham dự toạ đàm có Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh - Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng TE&VTN Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), hiện là Nhà tham vấn tâm lý học đường (School Counsellor) tại Trường Quốc tế Anh Việt Hà Nội (BVIS - British Vietnamese International School Hanoi) cùng Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến - đồng sáng lập Công ty cổ phần CHY & Cộng sự (CHY Group) - thành viên chính thức của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ APA (American Psychological Association).
Giải mã cảm xúc của Gen Z
Mỗi người có một cách hiểu về quản trị cảm xúc khác nhau dựa trên trải nghiệm của bản thân. Vậy theo chuyên gia, quản trị cảm xúc có thể được hiểu như thế nào?
Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh: Cảm xúc là phản ứng cơ bản của cơ thể, thường được đặt cạnh các biểu hiện như nhận thức và hành vi của chúng ta. Cảm xúc thường được phân loại cơ bản thành cảm xúc âm tính và cảm xúc dương tính. Cảm xúc có mối quan hệ chặt chẽ với cơ thể chúng ta, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất cũng như các hoạt động chức năng. Chúng ta có khả năng điều chỉnh cảm xúc trong các bối cảnh khác nhau để các hoạt động chức năng diễn ra hiệu quả.
Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến: Cảm xúc liên quan đến tâm lý và triệu chứng cơ thể, là rung động của mỗi cá nhân trước những sự kiện, sự việc trong đời sống. Quản trị cảm xúc là quản trị những gì diễn ra trong cơ thể, hướng đến sự cân bằng nhằm thích ứng yêu cầu trong cuộc sống hiện tại.
Việc quản trị cảm xúc được biểu hiện như thế nào trong việc học tập và các hoạt động khác tại môi trường học đường?
Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến: Tiến trình quản trị cảm xúc bao gồm: nhận biết, đánh giá và điều chỉnh cảm xúc. Khả năng quản trị cảm xúc trong môi trường học đường được biểu hiện qua khả năng điều chỉnh, duy trì động lực để học tập và hoạt động ngoại khóa.
Chẳng hạn, nhiều bạn học sinh tham gia các chương trình, hoạt động do sự ép buộc của cha mẹ nên dễ cảm thấy lạc lõng khi tham gia các hoạt động này. Một người quản trị cảm xúc tốt sẽ nhận biết chương trình nào phù hợp với mục tiêu, khả năng của mình và nên tham gia. Khi đó, họ sẽ tham gia một cách rộng mở và chủ động.
Đặt trong môi trường học đường, việc quản trị cảm xúc hiệu quả được biểu hiện như thế nào trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô?
Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh: Tương tác với những người khác trong cuộc sống là hoạt động quan trọng liên quan đến nhu cầu được tôn trọng của con người. Quá trình thiết lập và duy trì mối quan hệ, tưởng chừng dễ dàng, nhưng cũng cần phải học để có thể hòa giải mâu thuẫn cũng như giải quyết các vấn đề khác trong cuộc sống.
Một cá nhân quản trị cảm xúc tốt là người có khả năng điều chỉnh cảm xúc để giữ được bình tĩnh và có những mối quan hệ chất lượng. Đồng thời, họ cũng biết khi một mâu thuẫn xảy ra thì nên giải quyết như thế nào nhằm ít để lại hậu quả nhất.
"Em vốn dĩ là người hướng nội, dễ tổn thương. Em từng làm bài kiểm tra tính cách và qua kết quả đúng như những gì em tự cảm nhận về bản thân. Hướng nội có phải là điều tiêu cực không ạ?” (Câu hỏi của độc giả Đông Phong).
Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh: Hướng nội không phải điều tiêu cực. Người hướng nội có xu hướng nạp năng lượng khi ở trong không gian cá nhân. Tuy nhiên, hướng nội không đồng nghĩa với rụt rè. Khi người hướng nội tham gia các hoạt động tương tác xã hội, họ thường nhanh kiệt sức và cần thời gian ở một mình để phục hồi năng lượng.
Có 4 kiểu hướng nội: hướng nội lo âu, hướng nội xã hội, hướng nội suy nghĩ và hướng nội kiềm chế. Hướng nội xã hội đôi khi bị hiểu nhầm là hướng ngoại. Hướng nội hay hướng ngoại đều có ưu điểm và hạn chế trong từng khía cạnh khác nhau. Có những việc người hướng nội làm tốt nhưng người hướng ngoại thì không và ngược lại. Do đó, mỗi người nên học cách chấp nhận đặc điểm của mình và không ngừng học hỏi kỹ năng mới để thích ứng với xã hội.
Những yếu tố nào đang tác động lớn nhất đến khả năng quản trị cảm xúc trong môi trường học đường của các bạn trẻ?
Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến: Những tác động này có thể được chia ra thành hai nhóm. Thứ nhất là yếu tố nội tại, liên quan đến đặc điểm lứa tuổi và kiến thức, kỹ năng của mỗi người. Đây là những yếu tố có thể học tập để cải thiện. Thứ hai, kỹ năng quản trị cảm xúc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh: xã hội, gia đình, mạng xã hội… Đây là những yếu tố bên ngoài khó kiểm soát, do đó mỗi người cần học cách thích nghi.
Theo tâm lý học phát triển, mỗi lứa tuổi đều có nhiệm vụ và vai trò riêng. Mỗi cá nhân cần nhận định bản thân mình là ai, vai trò của mình là gì. Sau khi xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, các bạn có thể trả lời câu hỏi mình nên làm nghề gì, làm ở đâu và làm với ai để tránh những vấn đề tiêu cực liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Ngoài ra, cần thiết lập các mối quan hệ lành mạnh, thân thiết, mang nhiều giá trị trên đường dài, cũng như xây dựng nhân sinh quan, thế giới gian, niềm tin mà phù hợp với bản thân mình. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là yếu tố để xác định bản thân, từ đó giúp quản trị cảm xúc hiệu quả hơn.
Với những biến động về cảm xúc mà Gen Z đang trải qua, đặc biệt trong môi trường học đường, đâu là những điểm mạnh và hạn chế trong việc quản lý cảm xúc của các bạn hiện nay?
Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh: Theo tôi, Gen Z có lợi thế so với các thế hệ khác vì được sinh ra trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Các bạn có thể tiếp cận và học hỏi rất nhiều kiến thức về sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội. Các bạn cũng cởi mở hơn, chấp nhận các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần và tìm cách “hóa giải” nó. Đây là bước đầu quan trọng để hiểu sâu hơn về quản trị cảm xúc.
Tuy nhiên, các nguồn thông tin trên không gian trực tuyến là vô cùng dồi dào, nên để lựa chọn được nguồn tin chính xác là một thách thức lớn. Nhiều người tự xem các video clip trên mạng rồi “đoán” mình bị trầm cảm, tuy nhiên trên thực tế, các bác sĩ và các nhà tâm lý cần rất nhiều bước để chẩn đoán được căn bệnh này.
Gen Z thường được gán mác là “thế hệ bông tuyết” không quản lý được cảm xúc của mình và nhạy cảm quá mức. Chị Hải Yến nghĩ sao về quan điểm này?
Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến: Về những ý kiến cho rằng Gen Z là "thế hệ" bông tuyết không quản lý được cảm xúc của mình, tôi thấy đây chỉ là một quan điểm cá nhân chưa toàn diện và là một định kiến về thế hệ này. Còn về sự nhạy cảm, tôi cho rằng đây là một điều tốt bởi nó cho thấy người đó biết bản thân mình đang như thế nào. Gen Z khác với các thế hệ trước khi có sự quan tâm nhiều hơn về sức khoẻ tinh thần. Nhạy cảm không có nghĩa là yếu đuối, tất cả các cảm xúc đều có ý nghĩa riêng và cần được trân trọng.
Ai cũng từng vượt "bão lòng"
Chị Hải Yến đã từng gặp trở ngại tâm lý nào trong quãng thời gian đi học chưa? Chị vượt qua nó bằng cách nào?
Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến: Tôi đã từng ở trong nhiều trường hợp như thế, nhất là khi chuyển từ cấp 3 lên đại học, tôi hay gặp trở ngại tâm lý về ngoại hình. Thời gian đó, xã hội đề cao ngoại hình trắng trẻo, cao ráo, trong khi tôi lại không có dáng, không có da. Bước vào đại học, các bạn đồng trang lứa hay thể hiện bản thân qua trang điểm, ăn mặc. Tôi càng trở nên tự ti hơn, đến mức không dám thuyết trình, thậm chí không dám đứng trước mọi người.
Gần đến khi tốt nghiệp đại học, một thầy giáo đã tác động nhiều đến tâm lý của tôi, cho tôi biết vẻ đẹp không chỉ dừng lại ở ngoại hình mà còn là đến từ bên trong mỗi con người cũng như qua những đóng góp của họ cho xã hội. Tất cả những tiêu chuẩn bên ngoài chỉ là “thách thức niềm tin”. Về sau, tôi bắt đầu nhìn nhận lại thế mạnh của bản thân và phát huy năng lực của mình.
Một độc giả có gửi về cho Ban Biên tập Trang tin Sóng trẻ câu chuyện của mình như sau: “Em là nam, 16 tuổi, em hay thích đọc sách nghiên cứu từ bé, không thích những hoạt động phổ biến mà các bạn nam hay thích như đá bóng, chơi game, đó là điều bình thường với em nhưng không hiểu sao các bạn hay nói là em mọt sách và hơi kì dị, ít chơi với em nữa. Em cũng muốn hòa nhập với các bạn và không hiểu mình có gì kì dị như các bạn nói, gia đình cũng ép em phải giao tiếp nhiều hơn, nhưng mỗi ngày đi học đều như ác mộng với em, em rất buồn và tự ti”. Thưa anh Đức Anh, anh đã trải qua câu chuyện có điểm tương đồng với bạn thời đi học chưa?
Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh: Giai đoạn THPT của tôi cũng không nhiều thuận lợi. Tôi may mắn đỗ vào lớp chuyên, tuy nhiên môn chuyên lại không phải thế mạnh của tôi nên nó khiến tôi khá "đau đầu", suy nghĩ và làm ảnh hưởng đến các môn học khác. Bên cạnh đó, tôi cũng không đủ khả năng tương tác với lớp, vì đa phần các bạn là nữ. Khi đó, tôi phải học cách chấp nhận thực tại và tìm những sự hỗ trợ từ bên ngoài, chẳng hạn như bầu bạn với những người bạn khác lớp để tìm cảm giác thuộc về.
Trong câu chuyện của bạn nam kia, bạn không thích bóng đá là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, những nhu cầu khác của bạn ấy lại đang bị ngăn chặn bởi những người xung quanh.
Theo tôi, nam sinh trên và những ai đang trong hoàn cảnh tương tự cần ngồi lại, viết ra những chồng chéo trong đầu để sắp xếp lại các suy nghĩ, xem xét nhu cầu, cảm xúc của chính mình để xác định được bản thân đang mong muốn điều gì. Có nhiều hơn một cách để giải quyết vấn đề, ví dụ bạn có thể tìm đến các dự án, môi trường phù hợp với sở thích, đam mê để phát triển bản thân.
Chị Hải Yến có thể chia sẻ một trường hợp Gen Z gặp khó khăn trong việc quản trị cảm xúc được chị hỗ trợ mà chị nhớ nhất được không?
Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến: Tôi từng tham vấn cho một bạn trẻ rất yêu thương gia đình và khó tiết chế khi bộc lộ cảm xúc với các thành viên trong nhà. Tôi đồng hành cùng bạn trong vòng nửa năm để hiểu, gọi tên, theo dõi nhật ký cảm xúc, thấy được thôi thúc nhu cầu cảm xúc của bạn và từ đó tìm giải pháp.
Trong vòng 1 tháng đầu tiên, bạn khóc rất nhiều. Cách tôi hỗ trợ là theo dõi cảm xúc của bạn trong từng hoàn cảnh, tìm hiểu câu chuyện bạn trải qua đang ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc của bạn. Sau đó chỉ ra suy nghĩ của bạn có đúng không, không đúng thì giải quyết sao cho phù hợp. Tôi cũng hướng dẫn bạn các bài tập cởi bỏ cảm xúc và tập luyện nhận biết, điều hòa cảm xúc thật sự của mình.
Giải pháp "gỡ rối" cảm xúc học đường
"Em có người yêu được 2 tháng, mặc dù bạn ấy vẫn yêu và rất tốt với em, nhưng em không còn cảm thấy tha thiết ở mối quan hệ này nữa. Em nên ở lại hay rời đi trong mối quan hệ này?" (Câu hỏi từ độc giả ẩn danh)
Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến: Đây là câu hỏi phổ biến trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Để trả lời câu hỏi nên dừng lại hay không, cần xem xét lý do bắt đầu mối quan hệ này là gì. Bạn có thể xem xét cảm xúc của mình có thiết tha hay không, phân tích những điểm mình thích và không thích ở đối phương, từ đó có những buổi trò chuyện sâu với họ. Sau đó, cân nhắc xem quyết định nào là quyết định tốt nhất trong thời điểm hiện tại.
"Em có rất nhiều đam mê hoài bão nhưng không có đủ dũng cảm để thực hiện. Em còn hay thường xuyên trì hoãn và sợ thất bại. Em nên làm thế nào để giải quyết vấn đề này?" (Câu hỏi từ độc giả ẩn danh).
Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh: Không ai là không từng gặp thất bại trong hành trình chinh phục đam mê của mình. Lý do có thể là khi bắt đầu làm một điều mới, chúng ta đặt mục tiêu hơi xa vời, trừu tượng. Trong trường hợp này, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của nhà tham vấn ở trường học. Ngoài ra, nếu tôi là bạn, tôi sẽ viết ra các mục tiêu của cuộc đời mình và đánh số thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu đó, từ đó biết được thứ mình đang khao khát, kỳ vọng. Khi đó, tôi nghĩ bạn sẽ có động lực để tiến bước.
"Ở môi trường đại học, áp lực không chỉ đến từ việc học mà còn từ các mối quan hệ xã hội, định hướng tương lai và cả áp lực tài chính nữa. Làm thế nào để em có thể cân bằng được tất cả những áp lực này và duy trì sức khỏe tinh thần tốt trong suốt những năm học đại học?" (Câu hỏi từ độc giả trên livestream).
Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh: Tôi cho rằng bạn cần xác định mục tiêu mà bạn muốn hướng tới là gì, chia nhỏ và cụ thể hóa nó. Mục tiêu càng cụ thể bao nhiêu thì càng dễ giải quyết bấy nhiêu. Khi đã có định hướng, chúng ta chỉ cần sắp xếp lại các bước sao cho phù hợp và dần dần thực hiện chúng. Thêm nữa, cần có nền tảng sức khỏe thể chất tốt, chỉ khi đó chúng ta mới có thể làm được những mục tiêu khác.
Gen Z thường được đánh giá là thế hệ năng động, sáng tạo. Theo chị Hải Yến, Gen Z cần phải làm gì để phát huy những điểm mạnh này, đồng thời khắc phục những hạn chế về mặt cảm xúc?
Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến: Việc Gen Z quan tâm nhiều đến cảm xúc là một điểm mạnh của thế hệ này, giúp họ biết lắng nghe, phân tích và thấu hiểu cảm xúc. Người trẻ nên duy trì sự năng động, tìm tòi, học hỏi, thực hành và duy trì quá trình thực hành quan trị cảm xúc. Đặc biệt, người trẻ cần tìm thông tin chính thống hoặc những người có chuyên môn, chính quy, uy tín để học hỏi, trau dồi.
Với những người đang gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc của mình, anh Đức Anh có thể chia sẻ một phương pháp nào đơn giản nhưng hiệu quả mà họ có thể áp dụng ngay?
Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh: Khi cảm xúc lên quá cao và chi phối bản thân, chúng ta có thể luyện tập hít thở sâu để điều hòa lại cảm xúc của mình. Đây là một bài tập rất dễ, chỉ mất 1 - 2 phút, nhưng rất ít người trong chúng ta thường xuyên thực hiện. Ngoài ra, mát-xa cơ thể, căng giãn cơ cũng là một phương pháp không quá khó khăn. Khi điều hòa được cơ thể thì cảm xúc của chúng ta cũng được điều tiết tốt hơn.
Cảm ơn Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý Đặng Đức Anh và Tham vấn viên Nguyễn Thị Hải Yến đã chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quý báu đối với Gen Z trong việc quản trị cảm xúc ở môi trường học đường.
Một số hình ảnh tại tọa đàm:
Quý độc giả có thể xem lại toạ đàm trực tuyến "Gen Z và vấn đề quản trị cảm xúc trong môi trường học đường" tại fanpage Sóng Trẻ:
https://www.facebook.com/share/v/1Fm4pGYa3z/
Trân trọng.