Tình người nơi Đá Bạc

(Sóng trẻ) - Những ngày giáp Tết. 9 con người. 1 con mèo tên Bun. 1 con chó cũng tên Bun. Hơn chục con gà. Tất cả cùng sống bên nhau để át cái lạnh của thời tiết, cái hoang vu của cảnh vật, để chuẩn bị đón một năm mới ấm áp và nhiều niềm vui.

“Làm gì có trại cũ hay trại mới! Đẩy đi còn chẳng được. Có thấy cái nhà kia không? Đến đó nằn trái, cứ đi tiếp là tới.” Vừa nói vừa chỉ tay về phía căn nhà màu trắng trước mặt, một người dân bịt khẩu trang, để lộ đôi mắt híp nhìn chằm chằm khi chúng tôi hỏi đường đến trại phong cũ. 

Theo chỉ dẫn, băng qua con đường đất đỏ hun hút, gập ghềnh, lởm chởm đất đá, ở dưới chân núi, một dãy nhà cấp 3 màu vàng bạc màu dần hiện ra. Chúng tôi đã đến trại phong Đá Bạc. 

a39c06e86_dsc_2355.jpg

(Một góc trại phong Đá Bạc. Tại đây có 18 căn phòng. Tuy nhiên, khi số lượng người ở lại còn 9 người, cộng thêm sự hư hỏng dột nát, hiện tại còn vài căn có thể ở tạm được. Năm 2013, chính quyền TP. Hà Nội di dời trại sang nơi khác, chỉ còn vài người bám trụ lại nơi đây. Ảnh: Duy Hiệu)

Nỗi niềm ngày Tết

Trại phong thuộc xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. Hôm nay có đoàn từ thiện tặng chăn, màn, nồi cơm điện và một số yếu phẩm khác. Các ông các bà, người ngồi xe lăn, người ngồi ghế ở góc sân dưới gốc bưởi, cười nói rộn ràng bởi Tết này không còn lo rét nữa, các anh chị trong đoàn gửi tặng mỗi cụ một áo khoác gió. Chúng tôi đứng một chỗ mà run cầm cập, tay cho vào trong túi áo rồi mà vẫn thấy lạnh bởi gió rít từng đợt. Trao tặng quà xong, các bà được nhắc vào trong cho ấm, nhưng họ bảo không sao, đã có áo rồi.

Đoàn từ thiện lên xe ra về, mỗi người trở về căn phòng của mình. Hỏi rằng, thế các bác đi mua thức ăn hay đi đâu thì đi bằng gì, bà Nguyễn Thị Sợi (75 tuổi), một trong những người gắn bó lâu nhất với trại phong bảo, chủ yếu bằng xe đạp, chứ đi bộ thì xa. Các bà m tiền lại rồi đưa cho một người nhờ mua thức ăn trong hai ngày. “Có các cháu vừa nãy đến tặng quà và tiền nên hôm nay bà mua thêm thịt để đổi món con ạ.” – Bà Sợi nói thêm. Cuộc sống của các bà cứ qua ngày với trồng rau, chăn gà, cuốc sắn và kiếm củi.

Vào phòng bà Khuất Thị Oanh (71 tuổi), thấy cành đào, chúng tôi cười bảo cháu thấy không khí Tết. Đang bước xuống bếp nấu cơm, bà quay lại nói chắc nịch: “Nhà có bánh chưng, cắt thêm cành đào vào nữa. Thế là Tết rồi đấy”. Đằng sau dãy nhà gồm hơn chục căn ngả màu là cây đào cao vượt mái. Tôi tưởng như mình đang lạc vào thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, bên kia là núi non ôm lấy một khoảng đất trống, rộng mênh mông. Thấy tôi vào, bà bảo nếu thích thì phụ bà nấu thức ăn. Đi hết phòng sinh hoạt là nhà bếp. Biết có người giúp, bà Oanh hí hửng lên nhà ngồi nói chuyện với mọi người. Những căn phòng thông nhau. Một đống củi. Một con mèo vàng tên Bun. Nó ngồi lên ghế. Khói mù mịt. Nồi sắp hết nước, tôi gọi vọng hỏi bà phải làm sao: Tắt bếp hay cho thêm nước. Bà ơi một tiếng, mở cửa, đôi chân thoăn thoắt bước ra, ngó qua khe bếp rồi bảo rút bớt củi: “Nhỏ lửa thôi con ơi. Con Bun kia, xuống ngay cho chị ngồi, mày giành chỗ của chị hả?”

a39c06e86_dsc_2273.jpg

(Tết nơi đây cũng có bánh chưng, cành đào, chỉ không có người đến thăm. Bà Sợi kể, ngày mai sẽ có mấy bạn sinh viên đến bánh chưng nữa. Thế cũng được gọi là Tết rồi. Ảnh: Duy Hiệu.)

Tình người ở Đá Bạc

Bữa cơm hôm nay của bà Oanh có thịt lợn với lá nách, một bát cà dưa muối. Trước khi ăn, bà gắp thịt vào bát con mang cho bác phòng bên cạnh. Trên giường có bát xôi gấc, bác bảo mang về, nhưng bà Oanh từ chối, bảo nhà bà đầy thức ăn. Trước khi về lại phòng, bà bảo khép cửa lại giúp bác ấy. Thắc mắc sao phải làm thế hả bà, cháu thấy đóng vào tối lắm. Bà khẽ khàng: “Gần đây cứ ăn cơm là bác ấy phải đóng cửa. Sợ người khác nhìn thấy là tủi thân, rồi lại khóc.” 

Con chó Bun dường như cũng biết đến giờ ăn cơm. Nó lăng xăng quanh bà. Bà cười hiền: “Phải cho nó ăn trước. Mình ăn sau chả sao cả.” 

a39c06e86_dsc_2285.jpg

(Con chó Bun là “bạn đời” của bà Oanh. Mọi người kể, cứ bảo sao Bun hay quấn lấy bà, tại bà là người hay cho Bun ăn cơm nhất. Ảnh: Duy Hiệu.)

Ngồi ở cửa, vừa ăn bà vừa thủ thỉ câu chuyện của “người trong cuộc”. Rằng tâm lý của những người bệnh phong, họ rất hay tủi thân và trong lòng lúc nào cũng tự ái. “Một khi thấy người ta bảo, ơ kìa, bẩn như hủi, cái xe hủi, cái bát hủi, cái rổ hủi thì lòng tự trọng lại trỗi dậy.” Phải chăng vì thế mà bà muốn xa cách mọi người. “Ai gần bà thì phải đồng cảm được với bà. Còn một khi người ta chạm vào lòng tự trọng của mình: Đuổi ngay lập tức. Lòng tự trọng nó cao hơn ngọn cỏ chứ.” Trong câu chuyện, bà nhắc đi nhắc lại từ “một khi”, có lẽ chỉ cần một sự vô ý nhẹ cũng khiến bà nghĩ ngợi. Rồi bà kể chuyện nhà báo đến nhưng nói ngang ngang thế là bà chửi. Rồi bà khoe nhà có 6 đứa con, rồi nói lại là nhầm, có 5 đứa thôi, 1 đứa bị chết trên núi. “Đứa lớn nhất giờ đã 54 tuổi. Bà có chắt rồi đấy. Nhưng nỗi đau thì ai thấu?” Bà kể chuyện đi chơi với con cháu, đến bữa ăn, con bà hỏi bát mẹ đâu. Nhíu mày, trán nhăn lại kèm tiếng chữi tục rõ to bất chấp khả năng những người xung quanh cũng nghe thấy, bà bĩu môi: “Bát riêng. Này này thì bát này. Bà vứt toẹt bát ra sân cho vỡ luôn. Tính bà là thế đấy.” Lên giọng, bà gọi: “Lá ơi, cây ơi, trời ơi,xuống đây đi”. Không biết có phải vì khi bất lưc, người ta hay tìm đến thần linh, cây cỏ không, hay vì sống mãi ở nơi được bao bọc bởi rừng núi, mà những lúc chán chường, bà bảo, bà thường gào to gọi mây trời như vậy.

Còn bác Nguyễn Văn Đón (84 tuổi) trưa nay pha bát mỳ tôm. Bác bảo thế là xong bữa. Trò chuyện một lúc, là những câu hỏi mang tính chất giao tiếp ban đầu như bác tên gì, bao nhiêu tuổi, vào trại từ bao giờ, quê bác ở đâu, gia đình có mấy người. Đột nhiên khựng lại, dừng ăn, bác nói chen vào: “Con cháu người ta chẳng hỏi thăm đâu. Nhưng người dưng đến hỏi han là quý rồi.”

 “Ở đây quen rồi. Những người ở trại phong sống rồi chết đều chôn ở đây. Tôi không muốn chuyển nữa, không muốn nhận trợ cấp từ Nhà nước, thôi mình tự cung tự cấp”. Ra về với lời hứa sẽ quay trở lại, chúng tôi vẫn nhớ câu nói của bà Sợi và những cử chỉ nhỏ nhặt mà thấm đẫm tình người nơi đây.

Nguyễn Hằng 
Báo chí Đa phương tiện K35

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN