Toạ đàm “Những câu chuyện nghề”: Không ngừng học tập và đổi mới
(Sóng trẻ) - Sáng 7/5, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức buổi tọa đàm “Những câu chuyện nghề” trong khuôn khổ ngày hội tư vấn tuyển sinh. Buổi tọa đàm mang đến những chia sẻ về nghề báo, giúp các bạn học sinh có được định hướng trong kỳ thi THPTQG sắp tới.
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của những vị khách mời đặc biệt: Ông Phạm Quang Trực, Phó Giám đốc Trung tâm HTVSXCT VTVCab, Giám đốc kênh On Infotv; ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập ELITE PR SCHOOL (nghiên cứu sinh PR K28.2); bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm sáng kiến truyền thông và phát triển (cựu sinh viên Báo chí K12); TS. Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, (nghiên cứu sinh K28.1 Chính trị học - công tác tư tưởng); BTV/MC Hoàng Long, VTC1 (cựu sinh viên Phát thanh - Truyền hình K35)
Mở đầu buổi tọa đàm, bà Trần Lệ Thùy chia sẻ: “Nghề báo có thể giúp chúng ta thỏa mãn được nhiều đam mê. Chúng ta có thể đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết thêm nhiều điều, có thể từng trải hơn những công việc khác”.
Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng, dù công nghệ phát triển đến đâu thì ngành báo chí và truyền thông sẽ luôn là những ngành "hot" nhất vì con người luôn có nhu cầu trao đổi và giao tiếp. Học báo chí chúng ta sẽ không bao giờ bị cũ, trường học sẽ cung cấp kiến thức để ta thích nghi với những sự thay đổi. Thế giới thay đổi đến đâu, chúng ta phải thay đổi đến đó, luôn luôn đi cùng thời cuộc.
Nói về cách Học viện Báo chí và Tuyên truyền giúp thế hệ trẻ có thể số hóa mình, BTC/MC Hoàng Long chia sẻ: "Báo chí chính thống và mạng xã hội tồn tại sự cộng hưởng. Học viện là nơi các bạn trẻ có cơ hội để trải nghiệm cả hai môi trường: làm việc tại các cơ quan báo chí hoặc tự xây dựng kênh riêng trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, sinh viên sẽ biết được cần phải làm gì để có thể phát triển tốt nhất công việc của mình".
“Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn đi trước, đón đầu sự phát triển của công nghệ. Ngoài tác nghiệp theo những phương thức truyền thống, quy trình sản xuất cũ, chúng ta cần phải thay đổi, tiếp thu những điều mới từ mạng xã hội. Học viện thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ trong học tập và giảng dạy” - ông Phạm Quang Trực phát biểu.
TS. Mạc Quốc Anh khẳng định, nguồn nhân lực của Học viện Báo chí và Tuyên truyền vô cùng chất lượng, đặc biệt là về công tác tư tưởng. Việc được rèn luyện về công tác tư tưởng chính trị rất quan trọng, được coi trọng trong các cơ quan báo chí và sẽ giúp ta có thể đi đúng đường trong tất cả các hoạt động truyền thông của mình.
Nối tiếp những câu chuyện của các khách mời, phụ huynh của các em học sinh sắp tham gia kỳ thi THPTQG có những chia sẻ. “Nghề nghiệp con muốn theo đuổi khác với nghề của bố mẹ làm nên tôi muốn tìm kỹ hơn về trường và ngành đào tạo. Hy vọng sau hôm nay con gái sẽ xác định được ngành học yêu thích và phù hợp với bản thân” - chị Đào, phụ huynh em Hà My nói.
Kết thúc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh: “Tư tưởng thời đại số không phải học cái gì làm cái đấy”. Ông cho rằng, khả năng làm việc linh hoạt, thích nghi và tinh thần tự học là điều quan trọng nhất. Trường học cung cấp cho chúng ta vốn sống và khả năng thích nghi. Bản thân ta phải chủ động và năng động trong việc học, nâng cao khả năng thích nghi, không ngừng đổi mới bản thân.