"Triệu phú" trẻ kiếm tiền từ nghề... dán mã

(Sóng trẻ) - Lũ trẻ ở quê tài lắm, chẳng kém gì người lớn, tay nhanh thoăn thoắt, mắt đảo láo liên hết dính lại gấp, hết ghim lại quệt... nhanh như chớp, tiền kiếm được cứ thế cũng lên đến cả vài triệu đồng. Gọi “triệu phú” cũng có lí. Chúng đều kiếm được tiền triệu từ cái “nghề” làm vàng mã nhưng mỗi đứa mỗi khác, kiếm tiền theo cách riêng của mình.


 
Có một ngôi làng nằm bên bờ sông Đuống nức tiếng gần xa với nghề làm tranh vang bóng một thời. Làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) giờ đã thành “làng vàng mã”. Nhờ nghề mã, làng Hồ ở quê mà tấp nập như trên phố. Làng Hồ hết cái thời cày cuốc, chân lấm tay bùn, không còn những ngôi nhà mái ngói lụp xụp mà thay vào đó nhà nào nhà nấy cũng lên ba tầng, năm tầng, xe con, xe tải đỗ kín đường, nườm nượp xe đi xe về chở hàng đông như mắc cửi. Cả làng từ già đến trẻ, lớn nhỏ đủ cả không ai thiếu việc.

Hè về, cũng là lúc lũ trẻ làng đua nhau kiếm tiền như một cái lệ của làng có nghề.

 
Về làng Hồ trong một ngày hè nắng như đổ lửa đầu tháng 6, vẫn không khí tấp nập như lời kể trước nay, những dãy nhà mọc lên san sát nhà nào nhà nấy cũng vài ba tầng, bên trong chồng chất đủ thứ nào ngựa nào voi, nào ôtô, xe máy, nào tủ lạnh, tivi,... thật thật giả giả lẫn lộn tất thảy đều đủ cả.

Ghé vào một quán nữa nhỏ đầu làng, một bà cụ nom cũng đã được tuổi bát tuần ngồi bán nước, mắt vẫn dịu dàng nhìn, miệng vẫn đon đả khéo mời khách qua đường trong khi ấy hai tay bà cụ vẫn đan hình nhân nhoay nhoáy. Hỏi về chuyện làm ăn của làng, cụ kể liền một mạch: “Mấy năm nay, buôn giấy bán mã nhà nào nhà nấy khá lên trông thấy, đến bọn trẻ con đứa nào cũng biết kiếm tiền, ít thì vài dăm ba trăm nhiều thì vài ba triệu, mấy tháng hè mấy chỗ loanh quanh đây kéo về làm mã thuê đông như chảy hội”. Bà cụ vừa kể chuyện vừa cười khanh khách. Bà cụ còn kể về hai đứa cháu gái của mình nan nãn, học giỏi biết đỡ đần, phụ giúp cha mẹ. “Mấy tháng hè chúng nó mỗi chị em cũng phải kiếm dăm triệu có lẻ” - bà nói.

Theo lời kể của bà cụ bán nước, hỏi thăm về nhà chị Hoa có hai cô con gái tên Huệ và Hảo. Nhà chị ở đầu xóm, cuối làng, cũng như tất thảy mọi nhà ở đây. Nhà chị Hoa có nhà 3 tầng, mái tôn lợp kín sân, vàng thỏi, hình nhân, giấy bồi, túi bóng bay tứ tung quanh sân. Trong nhà ba mẹ con vẫn đang rảo tay thật nhanh đính hoa cho vàng giấy để kịp chuyến hàng cuối giờ chiều. 

 
Cô chị tên Huệ năm nay lên 10 còn cô em tên Hảo lên 8. “Nhà làm nghề lên con cũng phải theo. Lên 6 là bắt đầu phụ bố mẹ được rồi. Nói là phụ giúp nhưng tiền hai chị em nó làm mình cũng tính công như đi thuê, sắm cho mỗi đứa một con lợn đất, được bao nhiêu đút vào đấy, đầu năm học đập ra mua sắm đồ dùng, sách vở, nhiều thì đóng học, ấy thế mà cũng gần như đủ không phải lo nhiều” – chị Hoa kể mà hai chị em Huệ - Hảo xấu hổ, cười tủm tỉm.

Nhìn hai chị em Huệ “gầy như con mắm” nhưng hai tay thì nhanh thoăn thoắt tay kia quệt keo hồ, tay này đính hoa thành hàng thành lối đều tăm tắp. Nhanh như máy. Hai chị em đứa nào đứa nấy cũng chăm chú không rời mắt nửa phân khỏi những chồng vàng giấy rực rỡ sắc màu. Những chồng vàng giấy chất còn cao hơn cả hai chị em.
 

“Em làm một ngày được mẹ trả 40 nghìn, chị Huệ nhanh tay, làm nhiều mẹ trả 70 nghìn. Ngày nào làm xong mẹ cũng đưa tiền đút vào lợn” - Hảo nói mà mắt không rời khỏi mấy chồng vàng giấy trước mặt tay vẫn cứ liên hoàn quệt với dính. Nếu tính ra mỗi tháng mỗi chị em kiếm ra cũng hơn triệu, 3 tháng hè cả hai chị em m lại cũng được một khoản kha khá ngót chục triệu đồng. 

Nghe cô em khoe tiền, cô chị cũng nhoẻn miệng nhanh nhảu thanh minh: “Có ngày chị làm được cả 100 nghìn nhé. Giờ lợn của chị béo hơn của em đấy nhé, bao giờ mẹ cho đập chị có nhiều tiền hơn, được tiền đi chơi hồ Tây này, được đi đạp vịt nè, được mua bánh sinh nhật nè”. Hai chị em cứ thể nói qua nói lại vang rộm cả nhà.

  
Ngày nào cũng đều đặn như vậy, ba mẹ con chị Tâm quây quần với nhau làm hàng, pha thêm đủ thứ chuyện tíu tít hết cô chị lại đến cô em. Ấy vậy mà chị Tâm còn làm chậm hơn cả hai cô con gái. “Lũ trẻ con làm thứ hàng này nhanh tay, nhanh mắt hơn cả người lớn” - chị nói. Bảo sao không kiếm tiền triệu cho được. Việc làm thì có quanh năm, mùa nào hàng ấy, làm quanh năm không hết việc.  
 
Niềm vui của những đứa trẻ với số tiền mà mình kiếm được là cả một tràng dự định trong hào hứng đã được lên kế hoạch từ trước. Những dự định nhỏ với số tiền kiếm được nài cho học tập còn là mong ước được vui, được chơi, được đi đây đi đó. Cứ như vậy ba tháng hè trôi qua lũ trẻ ở làng nghề “vàng mã” vẫn miệt mài kiếm tiền cho những dự tính nhỏ của mình.

 
Mai kia, sẽ không còn là những dự định nhỏ được vui, được chơi thời trẻ con, có thể Huệ hoặc Hảo, hoặc cả hai chị em sẽ tiếp quản, nối gót nghề làm vàng mã của cha mẹ. Số tiền các em kiếm được khi ấy sẽ không dừng lại ở vài triệu đồng mỗi tháng mà sẽ gấp năm, gấp mười số tiền các em kiếm được bây giờ. Huệ và Hảo cũng như bao đứa trẻ khác ở “làng vàng mã” đang học làm nghề từ bước khởi đầu đơn giản nhất.
 
Cách “làng vàng mã” Đông Hồ chừng 3km là thôn Thuận An (xã Trạm Lộ, Thuận Thành, Bắc Ninh) những đứa trẻ ở đây cũng làm vàng mã kiếm tiền dẫu làng không có nghề. Bởi “nghề” làm vàng mã đã trở nên phổ biến quanh vùng lân cận từ sự khấm khá trông thấy của nhiều gia đình bỏ nghề nông theo nghề mã.
 
Thôn Thuận An không có mấy nhà làm vàng mã, làm vàng mã chỉ là “nghề tranh thủ” chỉ có trẻ con và ông bà già làm kiếm thêm khi rảnh rang. Người thôn Thuận An thuần nông cấy hái, trông màu là chính, thanh niên đôi mươi không đi học đại học thì đi công ty làm công nhân là chủ yếu.

 
Hỏi về nhà chị Tâm có bốn cậu con trai: Phát, Tài, Phúc, Lộc. Người làng kể, chồng chị Tâm mất cách đây 2 năm trước do tai nạn giao thông. Từ lúc ấy, chỉ còn mình chị Tâm bươn trải ngược xuôi nuôi bốn cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn cùng mẹ già liệt giường đã 5 năm. Người ta vẫn thấy chị Tâm đầu tắt mặt tối sớm hôm chạy vạy không lúc nào ngơi nghỉ. Ở đâu có người mướn, thuê làm, nặng nhọc mấy chị cũng đi. Khi làm phụ xây khi đi cấy mướn cũng chỉ mong có tiền để trang trải cuộc sống, lo cho các con được ăn, được học. “Số mình lận đận từ nhỏ giờ lấy chồng làm dâu rồi cái khổ nó vẫn cứ vận vào thân. Đẻ nhiều giờ mới thấy khổ. Giờ còn mình mình cố được đến đâu hay đến đấy, mẹ con bà cháu rau cháo qua bữa nuôi nhau. Cũng chỉ mong trời cho sức khỏe, khổ mấy cũng chịu được chứ còn ốm yếu, nằm lăn ra đấy thì con nó chết đói mất” – người phụ nữ nài 30 giãy bày lo toan của mình trên khuôn mặt mà nỗi ưu tư lúc nào cũng thường trực.


 
Gia đình túng thiếu, bốn anh em Phát, Tài, Phúc, Lộc cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn so với mấy đứa trẻ trong làng. Cậu cả tên Phát năm nay 12 tuổi, cậu thứ hai tên Tài năm nay lên 10, cậu thứ ba tên Phúc năm nay tròn 9, còn cậu út cũng đã lên 7. Bốn anh em Phát, Tài, Phúc, Lộc ghép lại cũng như chính niềm mong ước của chị Tâm cho những đứa con của mình có được một cuộc sống sung túc, no đủ, hạnh phúc.

 

Mỗi ngày đều đặn, khi chưa cần giục mẹ giục bốn anh em nhanh nhảu bảo nhau lấy hàng ra làm. Anh trải chiếc, em lấy giấy chẳng mấy mà bốn anh em đã quây lại quanh cái bệ làm bằng thùng cát - tông đặt giấy bạc lên vo tròn tít. Trẻ con ham chơi. Khi thấy mấy cậu em chỉ ngóng ra nài để đi chơi với mấy đứa trong xóm, Phát đúng như một cậu anh cả dõng dạc nhắc nhở các em: “Mẹ bảo làm xong mới được đi chơi nghe chưa, đứa nào không làm nhanh tối về tao mách mẹ đánh đòn, không cho ăn cơm với thịt luôn, cũng khỏi được đi chơi luôn”. Cậu anh vừa dứt lời thì cậu út đã hậm hực: “Ai bảo anh thế, tiền để mẹ mua thịt cả nhà cùng ăn mới cả mua thuốc cho bà nữa, tối nay em vẫn được ăn thịt”. Dù có vẻ không vừa ý cậu anh nhưng cứ nhắc được ăn cơm thịt, được đi chơi là đứa nào đứa nấy hai tay cứ nhanh nhoay nhoáy cho xong đóng hàng mẹ chúng nó “khoán”.
 
“Khi đi học là 50 nghìn, khi nghỉ hè là 100 nghìn” không hơn không kém đó là “nhiệm vụ” chị Tâm vẫn thường giao cho bốn cậu trai nhà mình làm hàng mã kiếm thêm giúp chị có đồng ra đồng vào trang trải cho sinh hoạt hằng ngày. “Tranh thủ làm cả khi đi học cộng với ba tháng nghỉ hè bốn anh em nó cũng kiếm được dăm bảy triệu cho mẹ, thêm với tiền mình làm thuê lo tiền ăn, tiền học cũng đỡ được ít nhiều” – có lẽ khi nói về công sức của những đứa con là lúc hiếm hoi trên khuôn mặt khắc tạc nhiều buồn tủi của người mẹ trẻ có một chút tươi tắn.
Hè về mới là lúc anh em Phát có nhiều thời gian làm giấy bạc giúp mẹ kiếm tiền thêm, bình thường năm học thì khi nào được nghỉ anh em mới bắt tay vào làm. Nghỉ hè cũng là lúc vui nhất với những đứa trẻ ở quê. Đợi trời chiều để đi thả diều, chơi đuổi bắt, anh em Phát luôn có những “trợ thủ” đắc lực là những cô bạn hàng xóm sang làm giúp “nhiệm vụ” mẹ giao. Nhìn lũ trẻ chăm chú làm nhanh nhảu để được đi chơi vừa thương vừa mừng. Thương cho những đứa trẻ không có điều kiện phải bớt vui, bớt chơi lại để có được một cuộc sống bớt đi sự thiếu thốn. Mừng khi những cậu trai tuổi còn nhỏ đã biết nghĩ, biết thương người mẹ chịu nhiều cơ cực.

Những đứa trẻ như bốn anh em Phát, Tài, Phúc, Lộc kiếm tiền từ nghề dán mã đơn giản chỉ để có những bữa cơm thịt. Những đồng tiền tự tay kiếm ra với những đứa trẻ có hoàn cảnh nghèo khó như thế là tương lai cho chúng có được một cuộc sống đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn dẫu biết phía trước còn nhiều gai góc, chông chênh.

Những đứa trẻ làng kiếm được ra tiền triệu cũng xứng đáng với danh xưng “triệu phú” lắm chứ. Ở vào cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới đã sở hữu cả “một gia tài” cũng là điều để trân trọng, thán phục. Vì ở đâu đó nài kia, có những cậu ấm cô chiêu lên bảy lên, mười chiều chuộng thôi cũng còn chưa xong.

 

Bài, ảnh và thiết kế: Đàm Công Bắc


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN