Trung tướng Phạm Tuân: Từ phi công bắn rơi B52 đến nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam
(Sóng trẻ) - Là vị tướng đã 3 lần được phong danh hiệu Anh hùng, là người Châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ và cũng là phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B52 của Mỹ, Trung tướng Phạm Tuân đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Hành trình từ bầu trời chiến trận đến không gian của ông không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn biểu tượng cho tình hữu nghị Việt-Xô cùng với khát vọng vượt qua mọi giới hạn, bản lĩnh kiên cường của con người Việt Nam. Những đóng góp của ông để lại niềm tự hào dân tộc sâu sắc và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam tiếp nối đam mê khoa học và ý chí kiên cường của thế hệ cha ông.
Nhân dịp lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, phóng viên đã có cơ hội trò chuyện với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng, phi công - Phạm Tuân để cùng lắng nghe về những câu chuyện và ký ức lịch sử đặc biệt.
Hồi ức về Điện Biên Phủ trên không
PV: Thưa Trung tướng, đêm chiến đấu 18/12/1972 có điều gì đặc biệt mà ông không bao giờ quên từ giây phút cất cánh đến khi hoàn thành nhiệm vụ?
Trung tướng Phạm Tuân: Đã hơn 50 năm kể từ ngày đánh B52 nhưng trong tôi vẫn in đậm ký ức về trận đánh đó, về cái đêm đầu tiên đọng mãi trong tôi khi giây phút tôi được thông báo B52 chuẩn bị cất cánh. Anh em đã đã chuẩn bị từ rất lâu rồi nhưng khi nhận được lệnh thì tôi coi như là bỏ hết mọi khó khăn, ra máy bay để chuẩn bị cất cánh. Cho đến bây giờ nhớ lại giây phút đầu tiên đó thì tôi vẫn rưng rưng và xúc động. Khoảnh khắc đó rất thiêng liêng khi tôi vinh dự được góp công sức của mình để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô thân yêu.
PV: Khi được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tấn công máy bay B52 của địch, ông đã phải đối mặt với những áp lực nào, và ông đã vượt qua chúng như thế nào?
Trung tướng Phạm Tuân: Lúc bấy giờ tôi căng thẳng lắm. Khi ấy, không quân của ta với máy bay tiêm kích hiện đại nhất MiG 21 đã nhiều lần xuất kích, nhưng vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ. Thời điểm đó thật sự áp lực đối với lính lái chúng tôi. Lúc đó, nếu không có bản lĩnh kiên cường và ý chí quyết tâm đánh thắng địch thì chúng tôi không thể hạ gục pháo đài B52 của Mỹ.
Đêm ngày 27/12/1972, nhiều tốp B52 của Mỹ từ hướng Tây Bắc bay vào đánh phá Hà Nội. Được lệnh của chỉ huy tôi nhanh chóng tiếp cận khu vực có máy bay địch, xin lệnh công kích. Lúc này, tốp máy bay F4 bay ở nhiều độ cao bảo vệ B52 rất chặt chẽ. Sau khi có lệnh tấn công, tôi chưa tấn công ngay mà chờ thêm vài giây để gần hơn với máy bay địch, bắn 2 quả tên lửa, hạ tại chỗ một pháo đài bay B52 và hạ cánh về nơi an toàn.
PV: Thưa Trung tướng, trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, theo ông, yếu tố then chốt nào giúp chúng ta đánh bại những công nghệ quân sự tiên tiến nhất lúc bấy giờ?
Trung tướng Phạm Tuân: Thứ nhất là chiến thuật biết địch biết ta. Chính nhờ sự nhạy bén lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Bác Hồ đã dự đoán được B52 sẽ bay ra Hà Nội nên đã yêu cầu tư lệnh phòng không - không quân chuẩn bị tên lửa, các trang thiết bị và phương tiện để sẵn sàng chiến đấu.
Thứ hai là ý chí chiến đấu của quân ta. Chúng ta chuẩn bị rất kỹ, tập luyện và hợp sức cũng như chuẩn bị tất cả lực lượng để đánh được kẻ địch. Trước đó, Mỹ đánh dần từ Vinh ra Thanh Hóa đến Hải Phòng, chúng ta thất bại. Nhưng trong trận không quân quyết chiến tại thủ đô này, chúng ta đã rút kinh nghiệm và sáng tạo cách đánh và cuối cùng hạ được B52.
Đặc biệt, phải nói đến bản lĩnh của người Việt Nam chúng ta và bản lĩnh Quân đội nhân dân, bản lĩnh đó là ý chí quyết tâm và là yếu tố quyết định. Chúng ta biết cách sáng tạo cách đánh, tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn quân. Đây rõ ràng không phải là may mắn mà là chúng ta có ý chí, quyết tâm và sáng tạo, chúng ta tiếp nối từ truyền thống mà cha ông để lại nên chúng ta mới chiến thắng.
PV: Làm nên thành công của chiến dịch còn là quá trình hợp đồng tác chiến nhuần nhuyễn giữa các phi công, hẳn là họ có nhiều phẩm chất đặc biệt?
Trung tướng Phạm Tuân: Hoạt động chiến đấu của phi công mang tính đặc thù rất cao. Chúng tôi vừa phải lái máy bay, vừa phải xử lý mọi tình huống trên trời nên người phi công phải hội tụ đủ yếu tố, phẩm chất của chiến sĩ với ý thức kỷ luật rất cao. Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất là xây dựng được bản lĩnh chiến đấu trong người phi công là dám đánh và biết cách đánh. Và để có được điều đó thì đầu tiên phải xây dựng được ý chí trong người phi công, phải có tính thần ý chí vượt khó khăn, vượt mọi hy sinh.
Những kỷ niệm ở Liên Xô
PV: Được biết ông có thời gian dài học tập tại Liên Xô, vậy có kỷ niệm nào mà ông cảm thấy nhớ nhất và có nhiều cảm xúc sâu sắc với đất nước này, thưa ông?
Trung tướng Phạm Tuân: Tôi rất may mắn vì được đào tạo ở Liên Xô trước đây cũng được 7, 8 năm. Khi sang Liên Xô cái đầu tiên cảm nhận được là không cảnh đất nước này đẹp mênh mông và giàu có. Khi tiếp xúc rồi thì thấy con người họ vô cùng chân thành và được họ đón tiếp như người trong nhà và người ta quý lắm, người ta rất thân thiện ngay từ phút đầu tiên mình đặt chân đến.
Tôi tin rằng bất kỳ ai đã từng đặt chân đến đất nước Liên Xô đều không thể quên được những tình cảm mà họ dành cho chúng ta, lưu dấu mãi trong lòng suốt đời. Với tư cách là phi công, tôi càng thấu hiểu sâu sắc hơn sự quan tâm ấy. Họ đã đào tạo chúng tôi với tất cả sự tận tâm và trách nhiệm, chuẩn bị cho chúng tôi trở về bảo vệ Tổ quốc, giống như cách họ đào tạo các phi công của chính mình để bảo vệ đất nước họ. Sự cởi mở, nhiệt huyết và hết lòng của họ đã lan tỏa đến từng thế hệ học viên như chúng tôi.
PV: Làm thế nào để chúng ta tiếp tục trân trọng và lưu giữ những ký ức đẹp về tình cảm, sự nhiệt huyết, và cống hiến của các thầy cô, những người đã từng đào tạo chúng ta ở Liên Xô, ngay cả khi thời gian đã qua và thế giới đã nhiều đổi thay?
Trung tướng Phạm Tuân: Tôi cảm thấy rất may mắn khi được học tập và đào tạo tại Nga. Những gì tôi đạt được có công lao rất lớn của người Nga. Tôi trở thành phi công chiến đấu cũng nhờ có người bạn Nga, tôi bay vào vũ trụ cũng là cùng người bạn Nga và trên con tàu của Nga. Và lúc bây giờ, chúng ta nói về mối quan hệ đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô là trên tất cả các lĩnh vực: từ đất liền, trên biển, trên bầu trời và cao hơn nữa là bay vào vũ trụ. Tôi nghĩ mình rất may mắn và vinh dự khi được Đảng, Nhà nước và Quân đội bồi dưỡng cũng như giao nhiệm vụ để tôi đã hoàn thành và góp phần nhỏ bé vào tình hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô.
PV: Để hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng gần dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, với cương vị là một người thuộc thế hệ đi trước, ông có thể gửi gắm đôi lời động viên đến các chiến sĩ đang học tập và thực hiện nhiệm vụ tại Nga không?
Trung tướng Phạm Tuân: Tôi chắc chắn rằng, với thế hệ trẻ ngày nay vừa có nhiều thông tin, hiểu biết sâu rộng, lại vừa tiếp nối truyền thống ham học hỏi của ông cha và truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam thì các bạn sẽ học tập và phát triển rất tốt. Tôi mong rằng, các học viên quân sự của chúng ta khi sang đó học tập hãy cố gắng học tốt, chăm chỉ và quan trọng hơn nữa là học cả từ thực tế cuộc sống cũng như học cách làm việc của họ để khi trở về có thể áp dụng vào xây dựng đất nước. Tôi tin chắc rằng các bạn sẽ học tốt, phát triển và tiếp nối xứng đáng truyền thống của thế hệ cha ông đi trước.
Xin cảm ơn Trung tướng Phạm Tuân đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn. Những lời chia sẻ của Trung tướng không chỉ giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử và tinh thần kiên cường của dân tộc mà còn là động lực để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục rèn luyện, cống hiến cho Tổ quốc. Chúc Trung tướng luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!