Tự tin thi Năng khiếu Báo chí với Ngày hội Tư vấn tuyển sinh 2019
(Sóng trẻ) - Ngày 31/03, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp 2019. Sự kiện được tổ chức đem đến những thông tin chính xác, đầy đủ về công tác tuyển sinh thu hút đông đảo phụ huynh.
Năm 2019, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trương đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh và nâng cao chất lượng sinh viên tuyển mới. Tham dự buổi tư vấn tuyển sinh có PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Trưởng ban Quản lý Đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, TS Vũ Thanh Vân - Trưởng ban Hợp tác quốc tế cùng đông đảo phụ huynh và thí sinh.
Thông tin chung về tuyển sinh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang tổ chức đào tạo 42 chương trình ở trình độ đại học, trong đó có 36 chương trình hệ đại trà, 5 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình liên kết quốc tế. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 của Học viện là 1.950 sinh viên.
Mở đầu buổi tư vấn, TS Nguyễn Thị Thu Thủy thông tin đến phụ huynh và thí sinh các nhóm ngành tuyển sinh trong năm 2019. Nhóm 1 là ngành Báo chí. Nhóm 2 gồm các ngành: Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện, Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Kinh tế, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Chính trị học, Xuất bản, Xã hội học, Công tác xã hội, Quản lý công, Quản lý nhà nước. Nhóm 3: Ngành Lịch sử. Nhóm 4 gồm các ngành: Truyền thông quốc tế, Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh.
Trong đó, nhóm 1 sẽ tổ chức kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Môn thi tuyển là Năng khiếu báo chí, tổ chức thi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Xét tuyển dựa trên kết quả thi Năng khiếu báo chí kết hợp với kết quả thi THPT quốc gia của 2 môn khác (theo từng tổ hợp).
TS Nguyễn Thị Thu Thủy thông tin đến phụ huynh và thí sinh về các vấn đề trong công tác tuyển sinh
Giải đáp thắc mắc của thí sinh về tổ hợp môn xét tuyển, TS Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: “Tổ hợp môn xét tuyển được quy định cho từng nhóm ngành cụ thể. Trong một ngành có nhiều tổ hợp môn để đăng ký và một tổ hợp môn cũng có thể xét tuyển cho nhiều ngành”.
Năm 2019, Học viện cũng tổ chức xét tuyển theo học bạ, với tối đa 30% chỉ tiêu của từng ngành, chuyên ngành. Thí sinh là học sinh các trường chuyên, năng khiếu của tỉnh, đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt trong cả 3 năm học THPT được đăng ký xét tuyển tất cả các ngành; nếu đăng ký xét tuyển ngành Báo chí phải dự thi môn Năng khiếu báo chí và đạt 5/10 điểm trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển. Thí sinh là học sinh các trường THPT công lập đạt học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt trong cả 3 năm học THPT được đăng ký xét tuyển bằng học bạ các ngành: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Kinh tế, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Chính trị học, Xuất bản, Xã hội học, Công tác xã hội, Quản lý công, Quản lý Nhà nước, Lịch sử.
PGG.TS Lưu Văn An giải đáp thắc mắc về chương trình đào tạo chất lượng cao
PGS.TS Lưu Văn An trực tiếp giải đáp thắc mắc của các phụ huynh về chương trình đào tạo chất lượng cao tại Học viện. Sinh viên học chương trình chất lượng cao sẽ học 4 học phần Tiếng Anh trong 2 học kỳ đầu để đủ năng lực tiếp thu chương trình đào tạo bằng 30 % Tiếng Anh. “Chất lượng cao là chương trình đào tạo tiên tiến với đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao do nhà trường lựa chọn, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho công tác dạy và học. Chương trình này đòi hỏi phải có trình độ nại ngữ. Mỗi học kỳ, Giám đốc học viện sẽ trực tiếp trao đổi với sinh viên để lắng nghe và giải đáp thắc mắc cho các em”, thầy chia sẻ.
Tự tin trước kỳ thi năng khiếu báo chí
Kỳ thi năng khiếu báo chí là một trong những kì thi bắt buộc đối với các thí sinh đăng kí chuyên ngành Báo chí tại Học viện. Bài thi gồm 2 phần tự luận & trắc nghiệm. Ngay tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, các thầy cô đã có những hướng dẫn cụ thể và giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh về bài thi cũng như hướng ôn tập để đạt được kết quả tốt nhất.
Cụ thể, ở phần bài thi trắc nghiệm, thí sinh tiến hành làm bài trong 30 phút với 30 câu hỏi trắc nghiệm chiếm 3/10 tổng số điểm của bài thi. Với phần thi này, để đạt được kết quả tốt nhất, các thí sinh cần trau đồi cho mình những kiến thức chung về các vấn đề đời sống xã hội. Phần thứ 2 trong bài thi là phần tự luận chiếm 7 điểm với tổng thời gian làm bài 120 phút. Phần thi này sẽ giúp các thi sinh phát huy tốt kỹ năng phát hiện vấn đề cũng như thể hiện quan điểm cá nhân của mình.
Tại buổi tư vấn tuyển sinh, nhiều thí sinh bày tỏ sự lo lắng trong cách ôn thi môn năng khiếu báo chí và lựa chọn cho mình một chuyên ngành phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân. Trao đổi về bài thi năng khiếu của các chuyên ngành Báo ảnh, Quay phim truyền hình, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ: “Bài thi năng khiếu báo chí có chia làm 2 hệ. Hệ thứ nhất dành cho Báo ảnh và Quay phim, bao gồm 30 câu hỏi về tất cả các lĩnh vực và phần thi vấn đáp. Phần thi vấn đáp cũng được chia làm 2 phần, phần thứ nhất, các thí sinh sẽ được xem các bức ảnh, xem các video ngắn sau đó viết bài luận khoảng 500 từ để bày tỏ cảm nhận của mình. Sau đó, các bạn sẽ gặp trực tiếp các thầy cô để được đánh giá về tố chất cũng như năng lực, kỹ năng giao tiếp”.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang có những chia sẻ rất chân thành để khích lệ tinh thần thí sinh
Đối với các chuyên ngành Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cho biết thêm: “Nài bài thi trắc nghiệm, các thí sinh sẽ tiến hành làm bài thi tự luận trong khoảng thời gian 120 phút. Các thí sinh sẽ được cung cấp những văn bản có chứa nhiều lỗi sai, chúng tôi đã chỉnh sửa văn bản có nhiều lỗi sai nhằm lựa chọn những thí sinh có khả năng phát hiện và chỉnh sửa lỗi văn bản. Phần tự luận kiểm tra những kiến thức, quan điểm, ý kiến, sự bày tỏ của các bạn thông qua chính ngôn ngữ của các bạn”.
Trong cuộc trao đổi, nhiều thí sinh thắc mắc về hình thức ôn luyện và bày tỏ sự thắc mắc về các địa chỉ ôn thi năng khiếu báo chí được đăng tải trên mạng xã hội. Giải đáp vấn đề này, PGS.TS Lưu Văn An, cho biết: “Học viện Báo chí và Tuyên truyền nghiêm cấm các Giảng viên tổ chức, giảng dạy các lớp luyện thi năng khiếu báo chí. Học viện cũng không tổ chức bất kỳ hình thức luyện thi nào”. Chính vì vậy, các thí sinh hoàn toàn có thể tự ôn tập, trau dồi năng khiếu, kỹ năng của mình để bước vào kỳ thi năng khiếu một cách tự tin nhất.
Các thí sinh chăm chú lắng nghe thông tin về kỳ thi năng khiếu báo chí
Bên cạnh những chia sẻ mang tính chuyên môn về kì thi năng khiếu báo chí, các thầy cô cũng bày tỏ sự cảm thông với áp lực của các thí sinh trong giai đoạn này. Các thầy cô cho biết với lựa chọn là Học viện Báo chí & Tuyên truyền, các thí sinh có quyền tin tưởng về một môi trường tốt nhất, hiện đại nhất nhằm phát huy đúng năng lực, sở trường của mình. Môi trường báo chí là nơi không chỉ được trau dồi về kiến thức chuyên môn mà còn được phát triển thêm các kỹ năng mềm, được trải nghiệm thực tế và làm báo, truyền thông ngay từ môi trường đại học.
Những chia sẻ trong cuộc gặp gỡ và trao đổi trực tiếp giữa các thí sinh, các thầy cô giáo về kỳ thi năng khiếu báo chí đã giúp cho học sinh, phụ huynh có cái nhìn cụ thể hơn nhằm giảm thiểu những áp lực và ôn thi một cách hiệu quả nhất.
“Địa phương hóa” một số nội dung trong Chương trình Cử nhân quốc tế
Năm 2019 là năm thứ 3 Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Truyền thông - chương trình nhượng quyền của Đại học Middlesex (Vương quốc Anh) cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Việt Nam tổ chức tuyển sinh. Có nhiều phụ huynh và thí sinh quan tâm, đặt câu hỏi xoay quanh về hình thức đào tạo cũng như việc cấp bằng quốc tế của Chương trình.
Theo TS Vũ Thanh, Vân chương trình hợp tác đào tạo này là một cơ hội lớn cho sinh viên khi được học tập trong môi trường chuẩn quốc tế nhưng với chi phí chỉ bằng 1/3 so với việc học ở nước nài. Sinh viên được học và được Đại học Middlesex cấp bằng chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp.
TS Vũ Thanh Vân trả lời câu hỏi của thí sinh về Chương trình Cử nhân quốc tế
Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Tuy nhiên, TS Vũ Thanh Vân cho biết: “Để hỗ trợ cho các bạn sinh viên nắm vững chương trình đào tạo, Đại học Middlesex đã đồng ý với Học viện Báo chí và Tuyên truyền địa phương hóa một số nội dung trong chương trình. Địa phương hóa là trong quá trình nghiên cứu có thể lấy ví dụ thực tế ở Việt Nam để có sự nhìn nhận tốt hơn; giải thích một số cụm từ bằng Tiếng Việt cho sinh viên có sự đối chiếu ngôn ngữ,… Cách làm này đã giúp cho công tác đào tạo tốt hơn, sinh viên học tập ngày càng tiến bộ vượt bậc”.
Buổi tư vấn tuyển sinh đã giúp phụ huynh và thí sinh hiểu rõ hơn về hình thức tuyển sinh, các chương trình đào tạo cũng như cách thức thi tuyển vào các ngành, chuyên ngành của Học viện. Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp không chỉ gói gọn trong những vấn đề chuyên môn mà còn có nhiều hoạt động của các khoa, các câu lạc bộ, đội nhóm giúp thí sinh có những trải nghiệm thú vị tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Phan Loan – Phan Cúc
Cùng chuyên mục
Bình luận