Tuổi trẻ và khủng hoảng 1/4 cuộc đời
(Sóng trẻ) - Những vấn đề tâm lý ở lứa tuổi trưởng thành (từ 20-30 tuổi) nếu không được giải quyết rốt ráo, sẽ dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý ở các giai đoạn về sau của cuộc đời .
Lứa tuổi 20 là giai đoạn người trẻ ngập trong sự tan vỡ của ước mơ. Có người lần lượt nói lời tạm biệt với những ước vọng thời thơ ấu, thời niên thiếu và thời thanh xuân. Có người lại phải đối mặt với những hoang mang không ngớt về cuộc đời và tương lai.
Khủng hoảng 1/4 cuộc đời (quarter life crisis) là khái niệm lãng mạn ra đời từ điện ảnh, được tâm lý học thừa hưởng và đưa thành khái niệm nghiêm túc để chỉ một hiện tượng tâm lý phổ biến nhưng không hề dễ nắm bắt. Trong một tọa đàm mới đây, nhà tâm lý học Nguyễn Hà Thành và nhà báo Phạm Trung Tuyến đã phân tích sâu rộng về vấn đề này.
Khủng hoảng ¼ cuộc đời xuất phát từ đâu?
Theo số liệu thống kê trên báo chí tháng 3/2017, có gần 30 triệu người Việt Nam mắc các chứng bệnh về tâm lý, tương đương 30% dân số. Tức là cứ 3 người Việt Nam thì có thể có một người mắc.
Khủng hoảng ¼ cuộc đời là cuộc khủng hoảng để phát triển, nó cũng được coi là một cuộc hành trình mà bất cứ ai dù muốn hay không cũng đều phải vượt qua, vấn đề cốt lõi là cách con người ta vượt qua nó. Sẽ có người lựa chọn đối mặt với nó, có người lựa chọn bỏ cuộc và làm lại từ đầu.
Nhà tâm lý học Nguyễn Hà Thành cho biết biểu hiện khủng hoảng ¼ cuộc đời dễ gặp nhất : “Khi các bạn trẻ bước chân vào các công việc và bị kẹt cứng giữa các quyết định của mình, không biết mình nên làm nghề gì và sẽ trở thành ai; cũng không dám mơ ước vì sợ không thực hiện được; cảm thấy tuyệt vọng khi không bằng người khác và rơi vào trạng thái cô độc hoặc tuyệt vọng; sống trong một thời gian dài với những trăn trở không biết mình chọn đã đúng hay sai”.
Cần phân biệt giữa khủng hoảng và buồn chán thông thường. Khủng hoảng là sự kẹt cứng, bế tắc trong một thời gian rất dài, mọi hành động và suy nghĩ mình đều nghĩ đến, thậm chí cả trong lúc ngủ cũng mơ đến. Nhưng buồn chán thông thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, bạn dễ dàng quên đi khi có một yếu tố tích cực nào đó tác động vào.
Nhà tâm lý học Nguyễn Hà Thành (ở giữa) và Nhà báo Nguyễn Trung Tuyến (bên trái) trong buổi talkshow “Tuổi trẻ và khủng hoảng ¼ cuộc đời” (16/4 vừa qua).
Kiểm soát khủng hoảng ¼ cuộc đời
Chìa khóa cho việc kiểm soát ¼ cuộc đời là việc chủ động kiểm soát hướng đi của cá nhân cũng như lối sống mà bạn lựa chọn. Trên thực tế có rất nhiều bạn trẻ không chịu đưa ra quyết định, luôn sống trong trạng thái “tùy”.
Tuổi 20 -30, bạn đang đứng trước nhiều cơ hội, tràn trề năng lượng sống, có sự tự do, lòng nhiệt huyết và đam mê. Bạn nên dành thời gian để hiểu rằng khủng hoảng ¼ cuộc đời lúc này là rất cần thiết để có thể phát triển được nhiều hơn.
Cũng có không ít bạn trẻ rơi vào khủng hoảng khi đứng trước quá nhiều áp lực về sự so sánh: bị bố mẹ so sánh với người khác, tự so sánh mình với người khác và cảm thấy thật kém cỏi, bất hạnh, tự ti. Nhưng hãy gạt bỏ qua những thứ đó, đừng quá cố gắng vào kỳ vọng mà những người xung quanh, hay bố mẹ đặt lên bạn. Nó sẽ tạo ra lối mòn và sự nhàm chán. Cách tốt nhất hãy cứ sống đúng với chính con người của bạn vì chỉ có bạn mới tìm được câu trả lời cho chính mình.
Buổi talkshow đã thu hút rất đông các bạn trẻ đến tham dự và tương tác đặt câu hỏi cho các khách mời .
Nhà báo Nguyễn Trung Tuyến chia sẻ: “Tôi từng rất sợ những lời khuyên bởi lẽ có những lời khuyên làm tôi lung lay và đổ vỡ, vì có những người không hiểu rõ hoàn cảnh của mình lúc đó và những lời khuyên khi ấy chẳng những không có ích mà còn có tác dụng ngược. Cuối cùng tôi đã nhận ra, không ai hiểu tôi bằng chính con người của tôi”.
Nài ra, để thoát ra khỏi khủng hoảng bạn có thể xa rời mạng xã hội một thời gian, tiếp cận các mối qua hệ bên nài; chăm sóc cỏ cây, hoa lá; chạm vào mọi thứ ở cuộc đời, bạn sẽ cảm giác như mình được nâng đỡ và sẽ sớm thoát ra vỏ bọc cũ.
Hà Hiền
Cùng chuyên mục
Bình luận