Vay tiền làm phim chiến tranh, chàng trai Gen Z mong muốn lan tỏa tinh thần yêu nước
(Sóng trẻ) - Dự án phim “Người lính Đất Việt” được thực hiện bởi một nhóm bạn trẻ thu hút sự quan tâm của lượng lớn khán giả trên các nền tảng mạng xã hội. Những câu chuyện về chiến tranh - người lính được kể lại một cách đầy sinh động và gần gũi thông qua lăng kính của người trẻ hiện nay.
Mạo hiểm vay tiền để làm phim
Đức Tùng (tên thật là Hoàng Đức Đạt) sinh năm 2003 là sinh viên ngành Diễn viên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Sau khi theo học một năm tại trường, cậu bạn quyết định tạm nghỉ để thực hiện những dự án phim độc lập. Nhóm làm phim của Tùng gồm 6 thành viên trẻ, đảm nhận nhiều vai trò từ biên kịch, diễn xuất đến quay phim và hậu cần.
“Người lính đất Việt” lấy bối cảnh Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xoay quanh câu chuyện của 4 người lính: Dũng, Luân, Huy và Tài kiên trì, anh dũng với nhiệm vụ được giao. Thông qua thước phim của các bạn trẻ, chiến tranh không chỉ là tiếng gầm vang của súng đạn và bom rơi, đó còn là tình đồng đội gắn kết, tình yêu đôi lứa mơ mộng, nỗi nhớ gia đình và tình yêu Tổ quốc mãnh liệt.
Trong quá trình thực hiện bộ phim, nhóm của Tùng gặp nhiều khó khăn về nhân lực: “Chúng mình thực hiện bộ phim này chỉ với 6 diễn viên, vì vậy, mỗi thành viên phải kiêm nhiều việc và tự làm ở tất cả các khâu. Mọi người luân phiên hỗ trợ nhau”. Tuy là đạo diễn nhưng bản thân Tùng đồng thời phải đóng chính, viết kịch bản, sản xuất, phụ quay phim và tự dựng phim, cũng như các khâu hậu cần khác.
Do nguồn nhân lực hạn chế, lại là dự án phi lợi nhuận nên ban đầu nhóm của Tùng chỉ tích góp được số vốn ít ỏi 20 triệu đồng. Thực tế, khi bấm máy, nhiều vấn đề phát sinh như hỏng thiết bị, bối cảnh quay xa nhà, chi phí đi lại, sinh hoạt…. Cuối cùng cả nhóm quyết định vay mượn tín dụng và người thân, nâng ngân sách sản xuất phim lên con số hơn 50 triệu đồng.
Dù quá trình sản xuất vất vả, thậm chí nhiều người cho rằng dự án bị “lỗ nặng” vì phim không đem lại lợi nhuận nhưng Đức Tùng luôn khẳng định sản phẩm là một “món hời”: “Mình cảm thấy cực kỳ lời vì mình nhận được rất nhiều yêu thương từ mọi người. Nhiều bình luận của khán giả đã chạm vào trái tim mình, khiến mình vô cùng hạnh phúc”.
Cảm nhận những nỗi đau chiến tranh
Phim ngắn “Người lính đất Việt” được phát hành trên nền tảng Tik Tok. Khâu kiểm duyệt nghiêm ngặt của mạng xã hội này cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc khai thác chủ đề lịch sử - chiến tranh:“Làm phim về lịch sử luôn yêu cầu tính trung thực, khách quan, thế nhưng, bọn mình không thể để quá nhiều cảnh ‘mưa bom, bão đạn’ vì sẽ vi phạm quy tắc của nền tảng. Do đó, mình quyết định tập trung nội dung phim vào việc kể một câu chuyện chân thực và cảm động về những người lính trong hoàn cảnh chiến tranh”, Đức Tùng cho biết.
Đối với đoàn làm phim trẻ này, cảnh quay đốt cháy ngôi nhà tại một vùng đất trống ở Tây Nguyên để lại những cảm xúc thật khó quên. Tùng cho biết, ngôi nhà được dựng bằng rơm rạ và tre nứa để sát với thời chiến nhất:“Việc đốt một ngôi nhà thật giữa khu rừng là việc không hề dễ dàng vì có rất nhiều nguy cơ cháy lan hoặc không thể dập lửa kịp”.
Ở phân cảnh này, quả bom Pháp dội xuống bất ngờ, trong phút chốc, ngôi nhà - mái ấm của một người lính chìm trong biển lửa. Tiếng lửa cháy, làn khói đen, ánh sáng hắt ra dữ dội, tất cả được quay trực tiếp mà không sử dụng bất kỳ kỹ xảo hay hiệu ứng đặc biệt nào.
Bên cạnh đó, phân cảnh chôn cất đồng đội trở thành cảnh mà ranh giới giữa “diễn” và “thật” bị xóa nhòa. Đây là cảnh quay đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu kỹ thuật đến tinh thần, sức khỏe của diễn viên.“Đất và cát xộc thẳng vào mắt, mũi, miệng… không thể nào thở được”, Tùng nhớ lại. Đoàn làm phim buộc phải tạm dừng quay ngay lúc đó vì tình trạng sức khỏe của diễn viên.
Đạo diễn trẻ cho biết: "Chúng mình muốn tạo ra những hình ảnh chân thực nhất để khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể cảm nhận được phần nào về những mất mát của thời chiến. Chia ly có thể đến bất ngờ do bom đạn, đó là những vết thương khó lành".
Qua lăng kính của những người trẻ sống trong thời bình, câu chuyện về chiến tranh và người lính được kể lại với một góc nhìn mới mẻ, đầy nhân văn và sâu sắc. "Chúng mình hy vọng thông qua bộ phim, các bạn trẻ cùng trang lứa sẽ hiểu hơn về lịch sử, và có thêm động lực để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn”, Đức Tùng chia sẻ thêm.