Viện FES Việt Nam tăng cường hỗ trợ các dự án vì môi trường

(Sóng trẻ) - Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Nhằm  thúc đẩy sự thay đổi hành vi và hướng tới phát triển môi trường bền vững, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) của Đức đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong các dự án về môi trường và biến đổi khí hậu. 

Trao đổi với phóng viên của Trang tin điện tử Sóng trẻ, chị Đặng Thùy Dương – Điều phối viên dự án Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Viện FES tại Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh các hoạt động của FES và môi trường ở Việt Nam.

PV: Chị hiện đang là Điều phối viên dự án Biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của Viện FES tại Việt Nam. Chị có thể chia sẻ rõ hơn về công việc cụ thể mà mình đang làm được không?

Thùy Dương: Công việc của mình là phối hợp với các đối tác tại Việt Nam như Học viện Báo chí & Tuyên truyền hay Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) để triển khai thực hiện các dự án truyền thông, nâng cao năng lực và kết nối nguồn lực cho các bạn thanh niên quan tâm đến môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam. 

Cụ thể công việc của một điều phối viên là lập kế hoạch, quản lý tài chính, liên hệ chuyên gia, lên nội dung tập huấn hay thậm chí là thiết kế và truyền thông, làm sao để các hoạt động được thực hiện hiệu quả và thành công.

4e20496bc_1960132_1880296168676789_3208282605233373184_n.jpg

Các bạn sinh viên được đi tập huấn - thực địa tại Thái Bình về chủ đề năng lượng bền vững tại xã Nam Cường (huyện Tiền Hải, Thái Bình) trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa FES Việt Nam và Học viện Báo chí & Tuyên truyền về biến đổi khí hậu và môi trường
(Ảnh: Friedrich-Ebert-Stiftung)

PV: Trên trang facebook cá nhân của chị, các bài viết chia sẻ chủ yếu là về môi trường và biến đổi khí hậu. Là một người hoạt động trong lĩnh vực môi trường và có rất nhiều trăn trở về vấn đề này, chị thấy tồn tại của môi trường Việt Nam hiện nay là gì?

Thùy Dương: Nói môi trường Việt Nam thì hơi to tát, nhưng những vấn nạn to to đó theo mình được tạo nên bởi sự thờ ơ của từng con người và từng hành vi nhỏ nhỏ. Mình nghĩ chúng ta đang bị đứt kết nối trầm trọng và không ý thức được hậu quả của từng hành vi sản xuất – tiêu thụ của mình nên vô hình chung đang khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng quá mức, chạy theo lợi nhuận và thỏa mãn vật chất. Trong khi đó, cái giá môi trường đằng sau việc sản xuất và tiêu dùng đó lại không được ý thức đầy đủ, dẫn đến việc môi trường ngày càng bị tàn phá trầm trọng.

Ví dụ, các cửa hàng trà sữa mọc lên ở các thành phố lớn ngày càng nhiều vì đây là ngành kinh doanh có lời. Các bạn trẻ mua trà sữa uống rất nhiều, trong khi trà sữa được đựng trong các cốc nhựa dùng một lần – loại cốc không thể đốt do rất độc, khi chôn thì mất cả nghìn năm để phân rã, và khi phân rã sẽ ra các hạt vi nhựa chui vào cơ thể của các sinh vật ăn phải, và con người có thể sẽ ăn chính các sinh vật đó. Chưa kể một số cốc nhựa, túi nylon có thể trôi ra biển và gây ra cái chết cho nhiều sinh vật biển. Hệ quả lớn như vậy đến từ một hành vi đơn giản là mua cốc trà sữa vài chục nghìn và uống hết trong vài phút. 

Không riêng gì chuyện rác thải nhựa, mà các câu chuyện về ô nhiễm, hóa chất, chặt phá rừng, biến đổi khí hậu… cũng đều bắt nguồn từ việc chúng ta không ý thức được đầy đủ các tác động của mình đối với môi trường, và từ thái độ coi thiên nhiên, môi trường là nguồn tài nguyên vô hạn để khai thác, bóc lột… Nếu các bạn theo dõi facebook của mình sẽ thấy mình luôn cố gắng đưa ra các thông tin về tác động môi trường trong việc sản xuất cũng như thải bỏ sản phẩm, và khuyến khích việc tiết giảm tiêu dùng từ góc độ cá nhân.

PV: Viện FES đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong các dự án về Biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường, từ tài chính cho tới nguồn nhân lực. Là 1 điều phối viên, chị có thể cho biết mục đích và ý nghĩa của các dự án hỗ trợ này như thế nào?

Thùy Dương: Việt Nam không chỉ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trên toàn thế giới mà còn chịu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do quá trình công nghiệp hóa nhanh. Điều này tác động tiêu cực rõ rệt đến người dân và các hệ sinh thái phong phú của Việt Nam. Thông qua đối thoại chính sách và nâng cao năng lực, viện FES hỗ trợ các bên liên quan, những người đang nỗ lực thúc đẩy sự chuyển đổi sinh thái - xã hội hướng tới sự phát triển bền vững về mặt sinh thái và công bằng về mặt xã hội.

4e20496bc_29542273_1830999713606435_682989054916669291_n.jpg

 Lễ ký kết Biên bản Thỏa thuận giữa Viện FES tại Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm thực hiện các hoạt động hợp tác về Biến đổi khí hậu và môi trường trong năm 2018 (Ảnh: Friedrich-Ebert-Stiftung)

PV: Đầu tháng 8 vừa qua, Diễn đàn Thanh niên phát triển bền vững do Thế hệ xanh tổ chức có sự hỗ trợ tài chính từ Viện FES, và được biết chị cũng tham gia với tư cách đại diện của FES . Tham gia diễn đàn đều là những người trẻ năng động để cùng nhau lan tỏa những hành động và giá trị tích cực vì môi trường và cộng đồng. Vậy đã có những hoạt động cụ thể nào được thực hiện ở Diễn đàn thưa chị?

Thùy Dương: Diễn đàn Thanh niên và Phát triển bền vững 2018 có sự tham gia của 50 bạn trẻ đến từ khắp Việt Nam và hoạt động trong các mảng đề tài khác nhau liên quan đến môi trường. Tại diễn đàn, các bạn đã được tham gia tập huấn và thảo luận về các chủ đề phát triển bền vững, khoa học môi trường, đa dạng sinh học, kinh tế xanh, năng lượng bền vững; được lắng nghe chia sẻ từ nhiều khách mời tâm huyết với môi trường. Các bạn cũng được ghé thăm một số mô hình sinh thái tiêu biểu tại Hội An như Vietnam Sustainable Space, U-café Hội An. Diễn đàn cũng tạo cơ hội cho các bạn chia sẻ về sáng kiến và trải nghiệm của bản thân, được kết nối với những người cùng đam mê và chí hướng để có thêm cảm hứng và hỗ trợ để thực hiện các dự án tương lai. 

4e20496bc_c_duong.jpg

Chị Dương (bên trái) trong vai trò Điều phối viên cùng các bạn trẻ tham gia Diễn đàn Thanh niên và Phát triển bền vững (VYS) 2018 tại Hội An
(Ảnh: Thế hệ xanh)

PV: Trong thời gian tới, có những dự án mới nào về Biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường tại Việt Nam được Viện FES hỗ trợ nữa không thưa chị?

Thùy Dương: Trong tháng 9 và tháng 10 tới, Viện FES sẽ cùng Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức một hội thảo quốc tế về chuyển dịch cơ cấu năng lượng đảm bảo công bằng xã hội; phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện “Ngày Hội Xanh” tại Học viện; và cùng với Nhóm làm việc về BĐKH tổ chức hội thảo chuẩn bị cho Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP) 24 sẽ diễn ra tại Ba Lan cuối năm nay.

PV: Hiện tại, không chỉ Viện FES tại Việt Nam mà có rất nhiều tổ chức, cộng đồng cũng đứng ra hành động vì môi trường. Liệu rằng chúng ta có thể hy vọng về một đất nước không còn phải than phiền về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu hay không?

Thùy Dương: Mình nghĩ chúng ta không nên than phiền, cũng không nên chỉ phụ thuộc vào Chính phủ và các tổ chức, mà hãy hành động ngay từ bây giờ ở góc độ cá nhân. Sự hỗ trợ và nỗ lực của các tổ chức trong cũng như nài nước là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự thay đổi hướng đến một tương lai xanh hơn, tuy nhiên sự thay đổi đó sẽ không thể được hiện thực hóa nếu như không có sự tham gia của mỗi cá nhân. Câu hỏi này mình xin để ngỏ vì mỗi người trong chúng ta sẽ góp phần vào câu trả lời, tùy vào thái độ, hành động và lựa chọn của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Xin cảm ơn chị Dương về những chia sẻ vừa rồi, chúc chị sức khỏe và luôn tràn đầy nhiệt huyết với những hoạt động vì môi trường!


Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) mở văn phòng đại diện ở Việt nam tại Hà Nội vào năm 1990. Viện là một trong những tổ chức phi lợi nhuận quốc tế đầu tiên hoạt động tại Việt Nam.

Biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường là một trong 4 chương trình lớn mà FES Việt Nam đặc biệt quan tâm.

FES Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực chính sách để đẩy mạnh những đường lối phát triển bền vững tại Việt Nam và trong khu vực, nài ra còn đóng vai trò điều phối cho công tác của FES tại Châu Á trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường.


Thu Phượng
Báo mạng điện tử K36A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN