Xã Ba Trại: Phát triển kinh tế chè kết hợp với du lịch trải nghiệm miễn phí
(Sóng trẻ) - Sau gần 10 năm phát triển cùng với việc khuyến khích người dân trồng và chế biến chè an toàn, huyện Ba Vì đã hỗ trợ xã Ba Trại xây dựng mô hình VietGap kết hợp với du lịch trải nghiệm, phát triển các loại hình dịch vụ.
Mô hình VietGAP- phát triển chè hướng tới chất lượng, an toàn
Vốn là địa phương có diện tích chè lớn nhất với 471ha tại Ba Vì, nên sản lượng trung bình hàng năm làng đạt được phải trên hơn 4000 tấn. Chè với sự kết tinh của nắng, gió, sương, nguồn nước đã làm lên hương vị chè rất riêng: mùi thơm tự nhiên và tươi mới, nước chè xanh, sánh vàng, uống ngụm đầu tiên đã cảm nhận được sự chát nhẹ nhưng về sau lại càng đậm đà.
Nhận thấy được lợi thế và tiềm năng của đồi chè, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Ba Vì đã triển khai mô hình sản xuất - tiêu thụ chè an toàn. Mục đích là xây dựng vùng sản xuất chè chất lượng cao, chuyển từ giống chè lá nhỏ sang giống mới cho năng suất cao, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng đồi gò, đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP (Mô hình hướng dẫn người dân thâm canh chè, cơ giới hóa sản xuất chè an toàn, cải tạo giống chè già cỗi, hướng tới bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng…). Từ đó tạo tiền đề quan trọng để người dân và chính quyền địa phương hướng tới phát triển du lịch.
Áp dụng mô hình VietGAP, sau gần 10 năm thay đổi, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và chế biến, đặc biệt là mục tiêu “vì sức khỏe người tiêu dùng” sản lượng và chất lượng chè cũng tăng lên, giống chè được đổi mới cho năng suất hơn, thị trường mở rộng hơn. Bác Yên, người trồng chè lâu năm chia sẻ: “Ngày trước tôi bán chỉ từ 90-120 nghìn đồng/kg nhưng bây giờ giá rơi vào hơn 300 nghìn đồng/ký”. Xã Ba Trại nằm trong top 9 thôn được UBND thành phố Hà Nội công nhận là “làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống”, lượng thuốc sâu cũng giảm đáng kể, thu nhập của người dân ổn định hơn. Chính vì thế, nhiều người dân nơi đây đã thoát nghèo, thậm chí là làm giàu từ chè, hiện xã có hơn 80% hộ dân lấy chè làm cây trồng chủ lực.
Phát triển chè kết hợp với du lịch miễn phí
Đồi chè Ba Vì với vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng đã thu hút không ít du khách đến trải nghiệm. Điều đặc biệt nữa, đây cũng là điểm du lịch không thu bất cứ một loại phí vào cửa nào, du khách có thể thoải mái vào tham quan.
Khi đến với đồi chè tại xã Ba Trại vào thời điểm này, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng nét đẹp riêng của những đồi chè xanh bát ngát phủ mình trong sương, thấp thoáng đâu đó hình ảnh các bác nông dân đeo gùi trên lưng cần mẫn hái chè. Du khách có thể đến cảm nhận không khí trong lành nơi đây, thậm chí là trải nghiệm cùng với người dân nơi đây thực hiện các công đoạn của sản xuất hoặc chế biến chè. Chị Phạm Vân Anh ở quận Bắc Từ Liêm - một du khách trải nghiệm vùng chè xanh Ba Vì chia sẻ: “Tôi thì hay lên Ba Vì để nghỉ dưỡng lắm, mỗi lần có dịp đều lên đồi chè, đặc biệt vào mùa xuân còn có những lứa chè ngon để làm quà biếu Tết nữa. Nói về việc trải nghiệm thì tôi khá thích công đoạn hái chè, được hướng dẫn và tự tay hái những búp chè xanh non. Nếu như thử mở lời với các bác nông dân ở đây thì mọi người có thể được tham gia vào công đoạn làm chè nữa đấy. Không chỉ thôn 2, nơi đâu cũng là chè, nhưng theo khẩu vị của tôi chè ở Xóm Đô là ngon nhất”.
Để phát huy lợi thế về du lịch, địa phương cùng với người dân nơi đây đã chung tay chỉnh trang lại đường làng, ngõ xóm trở nên xanh, sạch, đẹp hơn. Từ đó góp phần tạo ấn tượng tốt cho du khách đến thăm, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Hiện nay, xã chiếm trên 90% là đường bê tông, còn một vài nơi vẫn còn khó khăn vẫn đang tiếp tục được cải thiện. “Chúng tôi cũng vận động người dân và có chính sách quy hoạch các cơ sở sản xuất và chế biến chè tạo thế “khép kín” và như thế cũng sẽ thuận lợi hơn cho khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm” - Phó UBND xã Hoàng Văn Chuyển chia sẻ.
Xã Ba Trại xây dựng nông thôn mới không chỉ thay đổi về diện mạo và cuộc sống người dân được nâng lên đáng kể. Những thảm chè xanh mát, không khí trong lành kết hợp với những trải nghiệm độc đáo và đặc biệt là sự mến khách của người nông dân chắc chắn sẽ là điểm dừng chân thú vị với du khách trong thời gian sắp tới. Phát triển chè kết hợp với du lịch là cơ hội để phát huy truyền thống làng nghề, đây cũng là cơ hội để giới thiệu và quảng bá thương hiệu “chè búp khô truyền thống” đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đó nâng cao hiệu quả về kinh tế mà hơn thế nữa còn tạo nên thế phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.