Xích lô Hà Nội, có trở thành dĩ vãng?
(Sóng trẻ) Trong hối hả cuộc sống hiện đai, bất chợt nghe thấy những âm thanh leng keng vang lên từ một góc phố nào đó, ai đó hẳn sẽ bồi hồi nhớ đến một chiếc xe, mà từ hình dáng đến tên gọi đều có chút gì đó đặc biệt: xích lô.
Trong kí ức những người dân thủ đô, xích lô là một loại phương tiện phổ biến và tiện dụng. Chiếc xe sắt ba bánh ấy có thể len lỏi bất cứ đâu trên phố phường Hà Nội, có thể chở nhiều người cùng lúc, cũng có thể chở đồ dùng lỉnh kỉnh không mấy khó khăn. Xích lô thật sang trọng nhưng cũng thật bình dân!
Xích lô một thời là phương tiện phổ biến được nhiều người ưa chuộng- nguồn internet
Xích lô ngày nay đang dần trở nên hiếm hoi hơn khi đất sống trở nên chật hẹp. Người ta chỉ còn thấy xích lô lác đác quanh khu vực phố cổ và thi thoảng rộn ràng trên đường bởi những nhà có dạm ngõ, ăn hỏi.
Hiện nay, chỉ có 4 doanh nghiệp lữ hành hoạt động trong thành phố, với số lượng xe hạn chế khoảng hơn 300 chiếc xích lô du lịch có đăng ký, một số khác là xích lô dù, thường hoạt động chui. Số lượng những người làm nghề này không đông, đại đa số là nam giới, ở độ tuổi từ 40- 55, thanh niên trẻ theo nghề này rất ít.
Chính vì bị hạn chế về số lượng xe cũng như về các tuyến phố được phép hoạt động, xích lô bây giờ ít khách hơn xưa, nhiều người không trụ được với nghề đã phải bỏ. Nhiều người vẫn ở lại với nghề vì tình yêu với chiếc xe đã từng nuôi sống cả gia đình dù có nhiều ngày chỉ đi được từ một đến hai chuyến. Đó là lời tâm sự của bác Nam, đến từ công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Lâm Anh, người đã có thâm niên 30 năm trong nghề:“Nói chung là bây giờ xích lô thất thu lắm, kém lắm. Một ngày giỏi lắm được một đến hai chuyến là cùng”. Thoáng một chút trầm ngâm, suy tư, bác Nam cho biết thêm:“Trước kia xích lô không hết việc đâu, giờ xe điện ra nên xích lô nhàn. Mà nhàn chân tay thì nhàn miệng”.
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch xóa bỏ 50% số xích lô vào đầu năm 2014 và sẽ từng bước xóa bỏ vào cuối năm 2014 trên địa bàn thành phố. Thay vào đó, xe điện sẽ được sử dụng rộng rãi nhằm thay thế xích lô. Xoay quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến thể hiện sự tiếc nuối cho xích lô, một nét văn hóa đặc trưng đã đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật về Hà Nội.
Chị Trần Vân Anh, giáo viên trường Tiểu học Thái Thịnh, cho rằng:“Nếu loại bỏ xích lô thì không chỉ mình mà còn rất nhiều người cảm thấy buồn. Bởi hình ảnh xích lô rất gắn bó với sự cổ kính của Hà Nội. Đối với mình, cảm giác tuyệt vời nhất khi đi chơi phố cổ và ngắm hồ Hoàn Kiếm là khi được ngồi trên xích lô”.
Tham quan phố phường bằng xích lô luôn là lựa chọn đầu tiên đối với khách du lịch. Đó là ý kiến của anh Phạm Ngọc Tuấn, nhân viên công ty lữ hành Huy Phong:“Khách du lịch thường lựa chọn việc di chuyển bằng xích lô vì an toàn, thoải mái. Cấm xích lô là một điều đáng tiếc vì dù sao đó cũng là đặc trưng của Hà Nội trong con mắt bạn bè quốc tế”.
Tin tưởng vào việc những chiếc xích lô sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng mỗi người dân thủ đô, bạn Hoàng Cẩm Nhung, sinh viên Đại học Công Đoàn cho biết: “Mình nghĩ xích lô sẽ không bao giờ biến mất. Xích lô vẫn mãi mãi là một niềm tự hào của người Hà Nội”.
Xích lô ngày nay chỉ được sử dụng với mục đích du lịch- nguồn internet
Tự bao đời nay, xích lô đã trở thành một nét văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Có thể mai đây, hình ảnh những chiếc xe sắt ba bánh song hành cùng người đàn ông có làn da rám nắng, tấm lưng cong ướt đẫm mồ hôi sẽ chỉ còn là trong hoài niệm. Nhưng xích lô đã kịp đọng lại rất nhiều trong lòng người, trong thi ca, và nhất là trong các nhạc phẩm. Những câu hát, lời ca ấy sẽ mãi ngân nga giữa cuộc đời, mặc thời thế xoay vần, đổi thay: Xích lô, ai không hay đắn đo. Cứ lo trời nắng cứ lo trời mưa, cứ lo toan thẫn thờ…
Phạm Tuyết Nhung
Lớp Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận