Xu hướng tuyển dụng trên Threads: có hiệu quả hay trào lưu nhất thời?
(Sóng trẻ) - Threads, nền tảng mạng xã hội ra mắt vào tháng 7/2023 của Meta, đã có hơn 160 triệu người sử dụng, trong đó phần lớn là thế hệ Gen Z. Điều này nhanh chóng tạo ra “mảnh đất màu mỡ" cho các nhà tuyển dụng và ứng viên tìm kiếm việc làm.
“Sân chơi mới” cho nhà tuyển dụng
Dù đang làm content creator (người sáng tạo nội dung) cho một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội, Thu Hiếu (25 tuổi) không ngần ngại đăng tin tuyển dụng thay cho bộ phận nhân sự và nhận về được nhiều lượt tương tác không tưởng.
“Hiện nay, Threads đang là nền tảng dễ tìm kiếm nhân sự nhất. Với một bài đăng, tôi nhận được khoảng 50 - 60 CV gửi về email chỉ trong vòng 3 ngày. So với các trang Web truyền thống như TopCV, LinkedIn, hay Ybox thì đây là một tỉ lệ cao”, Thu Hiếu chia sẻ.
Hơn nữa, để có được tài khoản Threads, người dùng chỉ cần sở hữu một tài khoản Instagram và liên kết với chúng. Bản chất của nền tảng này chuyên dùng để chia sẻ cảm nghĩ dưới dạng status (trạng thái), ảnh hoặc video nên khi hoạt động trên Threads, các nhà tuyển dụng không cần nộp các giấy tờ chứng minh như đăng kí kinh doanh hay mã số thuế. Điều này tạo ra cơ hội béo bở cho phía doanh nghiệp; song, chúng cũng là kẽ hở để những chiêu lừa đảo xuất hiện.
Ứng viên dễ dàng thể hiện bản thân
Thông thường, những bài đăng tuyển dụng được viết chỉn chu và chuyên nghiệp sẽ tạo ấn tượng tích cực về uy tín của nhà tuyển dụng trong mắt ứng viên. Tuy nhiên, khi HR tìm kiếm ứng viên trên Threads, việc sử dụng ngôn ngữ gần gũi và thân mật, thậm chí có chút tiếng lóng, lại giúp họ thu hút nhiều hồ sơ từ thế hệ Gen Z hơn.
Anh Quân (24 tuổi), một trong những bạn trẻ thường xuyên lướt Threads, cho biết cứ 10 bài viết thì 5 bài mang nội dung tuyển dụng trong thời gian vừa qua. Đôi khi, ngay cả không có nhu cầu tìm việc thì Quân cũng dừng lại dạo xem vài giây vì sự tò mò.
Theo Anh Quân, nếu như Instagram phù hợp với những người có xu hướng nghệ thuật và làm việc với hình ảnh thì trong khi đó, Threads lại phù hợp với những nghề sáng tạo nội dung, cần phải viết nhiều. Lý do là bởi mỗi bài đăng trên nền tảng này đều bị giới hạn ký tự đòi hỏi người viết phải biết cô đọng thông tin một cách ngắn gọn nhất.
Ngoài ra, Quân cũng nhận thấy việc tìm việc trên Threads có nhiều lợi thế hơn LinkedIn hay VietnamWork. “Khi mình nộp CV trên các Website truyền thống, nhà tuyển dụng phải thông qua nhiều bước thì mới xác minh được mình là con người như thế nào. Khi tự xây dựng hình ảnh trên Threads, Instagram và tìm việc trên đó, mình sẽ dễ rơi vào ‘mắt xanh’ của họ hơn”, Anh Quân phân tích.
Một báo cáo của công ty tuyển dụng nhân tài toàn cầu Randstad năm 2023 cho thấy 43% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi gặp khó khăn trong tìm việc do những rào cản như không có “kinh nghiệm phù hợp”, 63% gặp vấn đề với CV truyền thống và tin rằng chúng không cho phép họ thể hiện bản thân tốt nhất.
Theo Randstad, điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi quy trình nộp đơn truyền thống thường tốn nhiều công sức và không cho phép cá tính cũng như kỹ năng thực sự của một người tỏa sáng. Qua các mạng xã hội, có thể xây dựng lực lượng lao động đa dạng, đơn giản hoá quy trình đăng ký và xoá bỏ các rào cản.
Tuyển dụng trên Threads có hiệu quả hay chỉ là trào lưu nhất thời?
Mặc dù xu hướng tuyển dụng “hot trend” này đang nổ ra nhưng cũng chỉ mới xuất hiện sự có mặt từ những doanh nghiệp nhỏ hoặc start-up.
Theo đó, Khánh Linh (28 tuổi), nhân viên tuyển dụng công ty chứng khoán tại Hà Nội, cho rằng tuyển dụng trên Threads chỉ là trào lưu nhất thời. Không có đội ngũ kiểm duyệt; thông tin sơ sài; khả năng tiếp cận lớn nhưng lượng hồ sơ tiềm năng thu về thấp; chỉ phù hợp với những công việc bán thời gian, không yêu cầu kinh nghiệm; dễ xảy ra tình trạng lừa đảo… là những lý do chính cho sự vắng bóng của các “ông lớn” tuyển dụng.
“Tôi đã từng tuyển dụng trên Threads. Lượt tiếp cận và hỏi JD (mô tả công việc) khá nhiều nhưng các ứng viên thường chỉ hỏi qua loa. Nếu có gửi CV cũng là những CV kém chất lượng không đáp ứng nhu cầu công việc. Nếu chủ tài khoản đã có lượt followers (người theo dõi) cao thì việc lên xu hướng khá nhanh, thường chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ hoặc một ngày, còn với những tài khoản ít lượt followers hơn sẽ hơi khó khăn trong việc lên xu hướng”, Khánh Linh nói.
Qua một vài khảo sát nhỏ của chúng tôi, nhiều bạn trẻ cho rằng Threads cũng chỉ là một trong những sự lựa chọn tìm kiếm việc làm chứ không phải ứng dụng ưu tiên hàng đầu. Bởi vì vốn dĩ nó được tạo ra không phải là nền tảng tuyển dụng.
Nhìn chung, Threads thường gợi ý các nội dung ngẫu nhiên và không hỗ trợ tính năng quảng cáo, vậy nên xác suất để các bài đăng tiếp cận được đúng ứng viên cần tìm sẽ thấp hơn. Ngoài ra, Sho Dewan, người sáng lập trang web việc làm Workhap, cho rằng thời điểm hiện tại Threads vẫn còn thiếu vắng góc độ chuyên nghiệp.
Lướt quanh ứng dụng sẽ thấy đa số các cuộc hội thoại tập trung vào những mẩu chuyện thường ngày với ngôn ngữ nói bình dân. Vậy nên, đây có thể không phải là nền tảng tối ưu để tuyển dụng nếu doanh nghiệp đang xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp.