Yêu thương lan tỏa từ Bếp Cơm 5000 đồng
Mỗi Chủ Nhật hàng tuần, câu lạc bộ “Cơm 5.000 Hà Nội” lại tập trung tại ngôi nhà số 13/13 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mỗi suất cơm từ căn bếp nhỏ đều mang theo tình cảm và sự sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Màu cam hạnh phúc vào Chủ nhật hàng tuần
Câu lạc bộ “Cơm 5.000 Hà Nội” được thành lập vào năm 2012 với tên khởi điểm là “Dự án quán cơm lưu động phục vụ người lao động và sinh viên khó khăn tại Hà Nội”. Từ 70 suất cơm những ngày đầu, đến nay, mỗi chủ nhật, Bếp Cơm với đều đặn cung cấp 200 suất cho các hoàn cảnh khó khăn tại một số điểm Bệnh viện Bạch Mai, Thanh Nhàn, Phổi Hà Nội và các em nhỏ ở CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội.
6h30 sáng Chủ nhật, các thành viên câu lạc bộ trong bộ đồng phục màu cam đặc trưng đã bắt đầu ngày mới tại Bếp Cơm. Người sơ chế nguyên liệu, người nấu nướng, người sắp xếp từng suất ăn để sẵn sàng phát cơm đúng giờ trưa.
Dù là công việc thiện nguyện nhưng tất cả các hoạt động tại Bếp đều diễn ra một cách quy củ và đúng trình tự. Các tình nguyện viên luôn đảm bảo chất lượng từng phần ăn để những người có hoàn cảnh khó khăn không chỉ có một bữa cơm ấm bụng mà còn cảm nhận được sự chu đáo và quan tâm chân thành.
“Nhân lực và các hoạt động của Bếp Cơm đều do Ban điều hành điều phối và được duy trì theo kế hoạch bởi các bạn tình nguyện viên (TNV) chính thức. Bên cạnh đó, Bếp Cơm cũng có sự tham gia của các bạn TNV theo tuần để đảm bảo hiệu quả công việc”, Đỗ Quyên, thành viên ban Truyền thông, chia sẻ.
Để Bếp Cơm hoạt động đều đặn mỗi tuần, “Cơm 5000 Hà Nội” đã không ít lần phải vượt qua thử thách, đặc biệt là những khó khăn về nguồn lực tài chính. Các dự án ý nghĩa như Cơm Chủ Nhật, Suất ăn nhẹ 0 đồng, Quỹ học bổng vượt khó học giỏi, hay các chương trình đặc biệt như Tết đến nhà nhà và Trung thu nơi nơi đều đòi hỏi nguồn lực về vật lực và nhân lực bền vững để duy trì.
Thấu hiểu khó khăn của các dự án, cùng chia sẻ với Bếp Cơm là sự ủng hộ từ các nhà tài trợ, các hảo tâm và sức trẻ cống hiến của các TNV. Đó là những mảnh ghép không thể thiếu khiến hành trình “màu cam hạnh phúc” thêm trọn vẹn.
Các tình nguyện viên như Bùi Huyền Trang, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng tìm thấy niềm vui và tự hào khi là một phần nhỏ trong hành trình này. Cô chia sẻ: “Dù nhà xa, chỉ có thể đăng ký phần phát cơm nhưng em vẫn thấy vui và tự hào vì được đóng góp sức mình vào những hoạt động ý nghĩa mà Bếp tổ chức”.
Với tinh thần mỗi người một ít nhưng đều đặn, đoàn kết, câu lạc bộ “Cơm 5000 Hà Nội” đã và đang nỗ lực không ngừng để thực hiện sứ mệnh phục vụ cộng đồng.
Nơi tình người cùng gắn kết
Không chỉ quen mặt tại điểm các bệnh viện lớn, Bếp Cơm còn có nơi dừng chân quen thuộc tại Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội. Đón các TNV trẻ là những bạn nhỏ với nụ cười và tiếng reo hò hạnh phúc: “Cơm đến rồi!”
Mỗi suất cơm gồm đầy đủ cơm, rau, canh và thịt cá theo mùa, được trao tận tay từng bạn trong Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội. Không chỉ dừng lại ở việc phát cơm, các bạn tình nguyện viên còn cẩn thận mở nắp hộp, sắp xếp thìa đũa ngăn nắp để các em dùng bữa thuận tiện và ngon miệng hơn. Chính sự quan tâm và ân cần ấy đã làm bữa cơm trở thành khoảnh khắc ấm áp, mang lại niềm vui và sự gắn kết đặc biệt giữa những tấm lòng thiện nguyện và các em nhỏ tại câu lạc bộ.
Với bà Phan Thị Phúc, chủ nhiệm câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội, những suất cơm không chỉ là nguồn dinh dưỡng mà còn là sự cổ vũ tinh thần cho một hành trình lặng lẽ nhưng tràn đầy yêu thương: “Được gặp anh Bùi Quang Long (Nhà sáng lập câu lạc bộ “Cơm 5000 Hà Nội” - PV) trong một sự kiện, anh chủ động đề xuất với tôi sẽ hỗ trợ cơm trưa cho các con vào mỗi buổi sinh hoạt hàng tuần. Tấm lòng của Bếp Cơm chính là động lực giúp tôi cố gắng duy trì sân chơi ý nghĩa cho trẻ em khuyết tật đến nay dù tuổi đã cao”.
Hoạt động thiện nguyện của các bạn trong câu lạc bộ “Cơm 5000 Hà Nội” không chỉ mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng mà còn gửi gắm một thông điệp sâu sắc: Tinh thần sẻ chia là một phần không thể thiếu trong văn hóa dân tộc. Những suất cơm giản dị ấy là cách để thế hệ trẻ hôm nay viết tiếp truyền thống “lá lành đùm lá rách,” để lòng nhân ái lan tỏa mãi, bền bỉ như chính sự hiện diện ấm áp của Bếp Cơm mỗi tuần trong lòng thành phố.