“Thương nhân báo in” xếp lại những kỷ niệm
(Sóng trẻ) - Cứ 4h30p sáng hàng ngày, một góc phố đi bộ Hồ Gươm lại nhộn nhịp tiếng cười nói, trò chuyện, cùng làm việc của những người xếp báo giấy. Họ thầm lặng xếp báo nhanh thoăn thoắt để kịp giao báo đi đến cơ sở.
Hàng ngày, bất kể mưa hay nắng, cứ vào khoảng 4h - 4h30, một xe ô tô đầy ắp báo in được di chuyển tới cổng Công ty phát hành báo chí Trung Ương. Đây là địa điểm tập kết báo in của nhiều tòa soạn báo chí trước khi báo được giao đi khắp thành phố.
Hàng loạt các ấn phẩm báo giấy của các cơ quan báo chí được mọi người kiểm đếm, sắp xếp, phân loại sau đó được đưa tới các địa điểm phát hành, các sạp báo lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội.
Sau khi ô tô đổ báo xuống điểm tập kết. Trong số này có rất nhiều đầu báo, ấn phẩm, tạp chí khác nhau. Tất cả sẽ được vận chuyển vào bên trong công ty phát hành để phân chia trước khi sang tay người đi giao.
Hơn 20 năm gắn bó với công việc này, mỗi ngày cô Thu đều dậy từ 1h sáng để kịp sắp báo thành từng cuộn cho người ta đến lấy báo đi giao. Có những ngày tòa soạn ra 2 số thì còn phải dậy sớm hơn mới kịp. Nhiêu đó cũng chỉ bằng chưa đến một nửa số báo của mấy năm về trước. Ngày xưa 15 - 20 người làm mới xuể, bây giờ cũng chỉ có một mình cô làm.
Đã 30 năm gắn bó với công việc xếp báo, bác Hà vẫn luôn cần mẫn với công việc của mình. Để có mặt tại phố Đinh Lễ vào lúc hơn 4h sáng sẵn sàng vào việc thì bác đã phải thức dậy đều đặn lúc 3h hàng ngày. Mỗi ngày bác giao khoảng 600-1000 tờ báo khắp muôn nẻo đường từ nội thành đông đúc đến ngoại thành Hà Đông.
Những người tham gia công việc phân loại hầu hết đã lớn tuổi. Nhiều người cho biết công việc thu nhập không cao nhưng vẫn làm do báo giấy gắn bó với họ đã từ lâu, bỏ công việc này thật sự không nỡ. Ngoài ra đây cũng là nơi hiếm hoi họ gặp được những người cũng có một tình yêu sâu đậm với báo giấy.
Bất kể mùa đông hay hè, đều đặn hàng ngày, những người lao động này vẫn miệt mài, cặm cụi xếp báo từ rạng sáng. Công việc bán thời gian nhưng đòi hỏi sự nghiêm túc cao, cần sự chính xác và đúng giờ.
Công việc đã trở thành một phần cuộc sống của những con người thầm lặng này, chỉ khi nào nhà có việc cấp bách hay ốm đau lắm mới nghỉ. Mưa gió đến thế nào cũng cố gắng đến sớm để kiểm đếm trước khi giao báo cho khách hàng
Không chỉ có những người già, mà vẫn còn có những người trẻ tuổi mong muốn được lưu giữ lại những nếp văn hóa đẹp từ ngày xưa của báo in, “bàn tay tuy bẩn, nhưng lại kiếm ra những đồng tiền sạch sẽ”, anh Ninh chia sẻ.
Mới 37 tuổi nhưng anh Ninh (Phố Bạch Mai, Hà Nội) đã gắn bó với công việc này được 12 năm và cũng là người trẻ tuổi nhất ở đây. Sau khi giao báo anh lại trở về với công việc chính là một thầy giáo dạy đàn và kinh doanh cửa hàng bán nhạc cụ trên phố Bạch Mai. Vì tình yêu với tờ báo giấy cùng sự gặp gỡ với những người lớn tuổi đầy nhiệt huyết hàng ngày, chính là động lực níu giữ anh.
Sau khi sắp xếp, phân loại, báo giấy sẽ tỏa đi khắp ngõ ngách của Thủ đô Hà Nội để có thể đến tay người đọc trước 7 giờ sáng. Việc phân phối được thực hiện nhanh chóng, khẩn trương thể hiện sự tâm huyết với nghề.
Trước đây, khi báo giấy đang ở đỉnh cao của thời hoàng kim, mỗi ngày có thể bán được hàng trăm, hàng nghìn tờ báo. Nhưng giờ đây, báo mạng điện tử ngày càng phát triển, cầu giảm cung cũng giảm nên số lượng xuất bản báo giấy ngày càng ít đi. Để chiều lòng những vị khách đã gắn bó với báo in hơn nửa thế kỷ qua, những người xếp báo vẫn lặng thầm làm công việc mà có lẽ người ta gọi là “đi ngược với xu thế” vẫn yêu nghề, đam mê với nghề.