Bóng người xưa qua tiếng trống chầu
(Sóng trẻ)- Ca trù được đánh giá là một Di sản Văn hóa Phi vật thể cần phải bảo vệ khẩn cấp. Để ghi nhớ thú chơi gắn liền với tên tuổi các bậc trí thức lớn của đất kinh kỳ, đồng thời chia sẻ hiểu biết về loại hình nghệ thuật này, chiều 7/12, Hanoia tổ chức Không gian văn hoá lần thứ 27 tại 38 phố Hàng Đào với chủ đề “Ca trù”.
Hát nói, hát ả đào, hát nhà trò… là những cách gọi khác nhau của cùng một loại hình diễn xướng đã từng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Việt Nam. Không chỉ là sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc, Ca trù đi ra từ cung đình, tiến vào cuộc sống và nhanh chóng trở thành một thú giải trí bác học được giới quý tộc, văn nhân và trí thức yêu thích.
Biểu diễn ca trù gồm có ca nương, kép đàn và người đánh trống chầu
Trong Không gian văn hóa Hanoia, những câu chuyện về Ca trù từ những buổi xưa một lần nữa được nhắc đến, qua lời kể của Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Văn Khuê- người gìn giữ nghệ thuật truyền thống ca trù và qua sự biểu diễn của dàn ca phường Thái Hà. Buổi trò chuyện thu hút nhiều người có tình yêu với ca trù tham gia.
Nhiều bạn trẻ có mặt tại Không gian văn hóa để tìm hiểu về Ca trù
Ca phường Thái Hà biểu diễn “Hương Sơn phong cảnh”- Chu Mạnh Trinh
Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê chia sẻ: “Khi cách mạng về, ca trù bị coi rẻ. Nhiều đào nương, kép đàn không dám nhận mình làm nghề này, họ ngại bị mang tiếng. Thậm chí nhiều người nghĩ hát ả đào là một thứ rất xấu trong xã hội. Bởi vậy, mất đến 60 năm ca trù im bóng”.
Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Văn Khuê
Trong 60 năm đó, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Mùi, cha ruột ông Khuê vẫn giảng dạy, truyền lại cho 6 người con trong gia đình nghệ thuật ca trù, tiếp tục theo con đường nghệ thuật mà ông cha để lại. NSND Quách Thị Hồ, Nghệ nhân Nguyễn Thị Phúc, NSUT Thu Huyền, NSND Phó Thị Kim Đức đều là những người gìn giữ nghệ thuật ca trù trong gia đình ông Khuê.
Ca trù hiện nay được xem là loại hình nghệ thuật không trọn vẹn bởi nó đã mất mát đi nhiều. Cây đàn đáy dù gắn liền với ca trù, nhưng phần lớn sinh viên Học viện Âm nhạc, khoa Nhạc cụ dân tộc đều không biết. Lối hát ả đào, hát khuôn, hát hàng hoa và một số lối hát khác may mắn vẫn được lưu truyền đến tận bây giờ.
Cây đàn đáy sử dụng trong ca trù
Ca trù được ví như bộ môn nghệ thuật nguyên sinh. Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê xem nó như một khu rừng, mà chỉ những người thổ dân sống trong nó mới hiểu rõ được. Như nghệ thuật ca trù mênh mông, chỉ nghệ nhân mới đi hết được cái hay của nó.
Càng đi sâu vào ca trù càng cảm thấy nó bí ẩn. Có thể nói Ca trù là “độc nhất vô nhị”. Nếu tuồng, chèo, cải lương đều có chung một kiểu phách thì Ca trù có đến năm khổ phách. Muốn học Ca trù đầu tiên phải học năm khổ đàn mồm, tiếp đến năm khổ phách rồi mới được giới thiệu các loại hình thơ trong ca trù. Thời xưa từ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, những người làm được thơ ca trù đều chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ca nương Nguyễn Thu Thảo- con gái Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê cho biết: “Mình học ca trù đến giờ là 20 năm, từ năm 6 tuổi. Cũng bởi gia đình có truyền thống bảy đời nên trong mình sớm có một tình yêu lớn đối với ca trù. Ca trù rất khó, cho nên mất đến 20 năm mình mới có được thành quả như ngày hôm nay”.
Trong Không gian văn hóa số 27, khán giả được thưởng thức tác phẩm “Đào Hồng đào Tuyết”, trích đoạn “Tỳ bà hành” do chính ca nương Nguyễn Thu Thảo hát và Nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê cầm đàn.
Khúc "Tỳ bà hành" được biểu diễn bởi ca nương Nguyễn Thu Thảo
Ca nương Nguyễn Thu Thảo là đời thứ 7 gìn giữ truyền thống ca trù
Hiện tại, nghệ thuật ca trù không chỉ dành riêng cho nữ giới mà nó đã phát triển một cách bình đẳng để mọi người cùng tham gia theo đuổi vì từ xưa nam giới chỉ chơi đàn, gõ trống phụ hoạ cho lời hát là chính. Nam giới (kép đàn) ngày nay cũng có thể vừa diễn tấu đàn vừa hát thay ca nương hoặc thay vào đó là một nữ nhạc công đệm đàn, gọi là “đàn nương”.
Tuy Ca trù không mấy phổ biến với giới trẻ ngày nay, nhưng tín hiệu đáng mừng là ngày càng nhiều người đang dần đặt sự quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Bạn Ngô Thị Phương Linh, sinh viên Đại học Mĩ thuật Công nghiệp cho biết: “Mình yêu thích Ca trù từ khi xem bộ phim ‘Trò đời’, hôm nay đến đây, được lắng nghe câu chuyện về Ca trù, cảm thấy rất biết ơn những nghệ nhân đã gìn giữ nó để người trẻ như mình được thưởng thức”.
Ca trù là loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc Việt, không bị pha lẫn bởi âm nhạc Trung Quốc. Vì vậy thật vinh dự tự hào khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, và từ đó chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người, của toàn xã hội trong việc bảo vệ tài sản văn hóa quý báu mà cha ông ta đã để lại.
Ngọc Huyền
Cùng chuyên mục
Bình luận