Bùng nổ sáng tạo trong "Im lặng"
(Sóng Trẻ) - Đó là tên triển lãm điêu khắc của nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà diễn ra từ 23-29/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm gồm 11 tác phẩm được chọn lọc công phu, cô đọng lại ở mỗi tác phẩm là những nhận thức về nghề trải trên một chặng đường 23 năm hành trình trên con đường điêu khắc của tác giả.
Các tác phẩm điêu khắc mang tính tạo hình cao, được sắp đặt trong một không gian gồm 4 nhóm sáng tác:
Giai điệu dây (Bướm, Đi dạo, Lọ hoa) là nhóm tác phẩm được tạo nên trong cảm xúc rung động đầy nhạc tính và sự tương phản. Chúng là sự độc diễn của nét, hoặc là sự tương giao giữa đường nét và khối đặc.
Con bướm (Đồng, 2013).
Đi dạo (Sắt, 2012).
Lọ hoa (Đá và inox, 2012).
Ba chiếc cầu là nhóm tác phẩm được sáng tạo dự trên ý niệm từ ánh mắt trẻ thơ trong trẻo, chứa đầy trong đó là cảm xúc yêu thương, kết nối, hòa hợp, không kém phần mơ mộng…
Cầu 1.
Cầu 2.
Cầu 3.
Ăn mồi và săn mồi là nhóm tác phẩm được thực hiện trên suy ngẫm trực cảm về xã hội và thế giới tự nhiên. Là sự “chơi” và va đập, tranh đấu, xâm lấn của những khối cầu- trụ- chóp- lập phương
Săn mồi.
Ăn mồi 1.
Ăn mồi 2.
Cuối cùng là hai bộ Sóng biển được thực hiện dựa trên sự quan sát và nghiền ngẫm về các quá trình, các diễn biến của các vấn đề xã hội hay những hiện tượng tự nhiên. Hai tác phẩm Sóng là kết quả quá trình nghiên cứu sự diễn dịch của các nhóm khối trụ từ manh nha, quy tụ đến đỉnh cao rồi suy thoái, tan vỡ. Nhóm tác phẩm này gây ra cảm quan và liên tưởng đến những phương án kiến trúc điêu khắc có tính đồ sộ, hoành tráng.
Sóng biển 1.
Sóng biển 2.
“Không phong cách, không chủ đề, không tư tưởng” là những gì tác giả Nguyễn Nguyên Hà muốn gửi gắm đến người xem qua triển lãm của mình. Dù là “Im lặng” hay là đá, là đồng, là sắt…mỗi tác phẩm đều mang tấm lòng đa đoan và những suy tư về sự đời của tác giả mà có lẽ phải thật tinh tế mới có thể cảm nhận.
Nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà sinh năm 1966 tại Hà Đông trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật tạo hình. Ông tốt nghiệp khoa điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1990, trẻ nhất so với những người theo học ngành điêu khắc thời kì đó. Ngay khi vừa ra trường, tác giả đã có những thành công đầu tay với những sáng tác trẻ trung, được tặng thưởng huy chương bạc Mỹ thuật toàn quốc 1990 với tác phẩm Thả diều-Xi măng-1990. Tác phẩm của ông được ghi nhận là những sáng tạo cẩn trọng và độc đáo. Tuy hạn chế giao lưu trong giới, nhưng một số tác phẩm của Nguyễn Nguyên Hà gây được ảnh hưởng tích cực đến tư duy và tác phẩm của những thế hệ điêu khắc tiếp theo. |
Phạm Việt Hồng
Lớp Truyền hình K31 A1
Cùng chuyên mục
Bình luận