Ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao bất ngờ bị BH Media "đánh gậy" bản quyền
(Sóng trẻ) - Có rất nhiều tác phẩm mà BH Media không hề có quyền sở hữu nhưng lại đang âm thầm thu về dòng tiền bất chính.
Mới đây, trong chương trình Chuyển Động 24h, VTV đã lên án việc BH Media xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến Quân Ca - Quốc ca do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc. Sự việc còn dấy lên nhiều bức xúc khi video Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên VTV1 cũng đã bị BH Media nhận quyền sở hữu.
Không những thế, vở cải lương như "Tiếng trống Mê Linh", "Nửa đời hương phấn" do dòng tộc của diễn viên Gia Bảo đặt hàng sáng tác và hiện cho phát miễn phí trên Youtube nhưng sau nhiều năm đột nhiên bị BH Media báo cáo vi phạm bản quyền.
Trước sự việc này, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ: "Khi có bất kỳ bản ghi nào đó ra đời thì người chủ sở hữu sẽ đăng ký với công ty chủ của Facebook và YouTube rằng tôi đang sở hữu 1 bài hát này và tôi muốn đăng ký content ID là 1 dãy số để tôi có thể dựa vào dãy số này dùng những thuật toán, tool để truy quét những sai phạm về vấn đề bản quyền".
Tuy nhiên chính sách này cũng nêu rõ: Bạn chỉ được tạo tài sản cho những mục mà bạn sở hữu quyền, chẳng hạn như hãng nhạc không được tạo tài sản Phần sở hữu trong bản sáng tác khi không có hợp đồng thích hợp và nhà xuất bản âm nhạc không được tạo tài sản Bản ghi âm thanh".
Trên trang cá nhân, anh cũng khẳng định ca khúc Tiến Quân Ca chỉ có đơn vị duy nhất có thể sở hữu bản quyền ca khúc này đó là Chính phủ.
Trước đó, ca khúc Giấc Mơ Trưa của nhạc sĩ Giáng Son đã bị đánh gậy bản quyền với lý do đoạn âm thanh nữ nhạc sĩ đăng tải giống với đoạn âm thanh màn trình diễn Giấc Mơ Trưa của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh được sở hữu bởi BH Media và Hồ Gươm Audio. Không đồng tình với quyết định trên, ngày 15/10 vừa qua, nhạc sĩ Giáng Son đã gửi đơn kiến nghị lên Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Trên thực tế, BH Media đã đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm qua hệ thống Content ID - một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ. Tuy nhiên nếu các video này không thuộc BH Media nhưng công ty này lại gắn Content ID vào sản phẩm thì hành động này đã vô hình trục lợi trái phép các tác phẩm nghệ thuật.
Nguồn: Tin tổng hợp