Các bước để thực hiện một Tin truyền hình
(Sóng trẻ) Tin truyền hình là một trong những thể loại của tác phẩm truyền hình, nó thường ngắn gọn nhưng mang đầy đủ nội dung mà người viết muốn truyền tải đến công chúng. Vậy làm sao để thực hiện một tin truyền hình?
Bước 1: Tìm sự kiện.
Sự kiện là một sự việc quan trọng, là một trạng thái của hiện thực khách quan diễn ra trong đời sống xã hội được nhiều người quan tâm. Sự kiện là chất liệu đặc biệt quan trọng làm nên một tin truyền hình, và đương nhiên có sự kiện thì mới có tin truyền hình.
Vậy ta phải tìm sự kiện ở đâu? Bạn có thể tìm sự kiện từ các cơ quan, xí nghiệp ; Các cuộc hội thảo, hội nghị; Các kế hoạch tuyên truyền từ đài truyền hình hay thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Hoặc ta cũng có thể tìm tin theo nguồn của công chúng hoặc tự quan sát, tổng hợp lấy.
Bước 2 : Lựa chọn sự kiện.
Sau khi đã tìm được sự kiện thì đương nhiên ta phải lựa chọn sự kiện. Không phải thấy bất kì sự kiện nào cũng “vồ vập” để thực hiện tin. Một sự kiện có thể được lựa chọn để làm tin phải thỏa mãn các tiêu chí như :
- Là sự kiện mới
- Mang ý nghĩa xã hội, phục vụ lợi ích cho xã hội hay quy mô sự kiện lớn hoặc tương đối lớn.
- Thu hút được sự quan tâm đông đảo của công chúng .
- Là sự kiện điển hình, khác lạ.
- Có tình khả thi.
Bước 3 : Liên hệ, nghiên cứu và chọn góc độ thực hiện.
Ta phải liên hệ nơi có sự kiện để biết được rằng sự kiện đó có chính xác, chân thực hay không thì mới có thể thực hiện tin, sau đó phải tìm hiểu, nghiên cứu những tài liệu liên quan để chọn được góc độ thực hiện sao cho có thể làm nên một bản tin hấp dẫn và thu hút công chúng.
Bước 4 : Ghi hình.
Ghi hình là một công đoạn vô cùng quan trọng của một tin truyền hình. Đây là giai đoạn cần sự kết hợp ăn ý giữa quay phim và phóng viên. Khi tới nơi diễn ra sự kiện thì phóng viên, biên tập viên cần gặp ngay người nắm giữ nguồn tin để thu thập thông tin phục vụ cho việc viết lời; Quay phim cần xem xét thời lượng của tin truyền hình mình định thực hiện là bao lâu? Dài hay ngắn để sao cho có sự lựa chọn về số lượng hình ảnh phù hợp nhất. Phóng viên cần cho quay phim biết mình muốn có được những hình ảnh gì trong tin, lấy những góc độ nào để tin của mình hấp dẫn nhất.
Bước 5 : Nạp băng, ghi nhớ vị trí của băng
Đây là công việc của một Kỹ thuật viên và đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng thuẩn thục, đảm bảo không có sai sót trong quá trình thực hiện.
Bước 6 : Dự kiến dạng tin và cấu trúc tin.
Người thực hiện nên xem mình sẽ “biến hóa” những thành quả của mình thành bản tin như thế nào và có cấu trúc ra sao? Khi đã dự kiến được dạng và cấu trúc của tin cần gấp rút thực hiện hóa ý tưởng để nhanh chóng có được một bản tin hoàn thiện.
Bước 7 : Dựng
Trong phần dựng bao gồm phần dựng hình ảnh và dựng âm thanh:
Dựng hình ảnh: Lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu và điển hình nhất, tốt nhất trong số những hình ảnh đã quay để dựng thành một tin. Hình ảnh nên sử dụng đơn giản và hạn chế sử dụng kỹ xảo, bên cạnh đó cần sử dụng nhiều cảnh Fix và các hình ảnh lựa chọn phải trả lời được các câu hỏi: Sự kiện gì? Ở đâu? Như thế nào? Những ai liên quan...
Dựng âm thanh: Thực hiện song song với dựng hình ảnh. Cần lựa chọn âm thanh chân thực, âm thanh phải bám sát hình ảnh. Có thể chèn nhạc hiệu nhưng phải phù hợp với nội dung tin và không lạm dụng âm nhạc trong tin truyền hình.
Bước 8 : Viết lời.
Viết lời là một công đoạn không thể thiếu để hoàn thiện một tin truyền hình. Viết lời có thể được thực hiện trước, trong và sau khi dựng tin. Khi viết lời cho tin truyền hình cần chú ý một số yêu cầu sau:
- Trả lời được 6 câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Bao giờ? Khi nào? Như thế nào?
- Sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ sự kiện.
- Lời không mô tả những gì mình nói.
- Lời cho tin truyền hình gồm 3 phần: Tít, mở đầu và thân tin.
Để thực hiện 1 tin truyền hình tốt, hay thì cần tuân thủ theo các bước để đảm bảo về mặt nội dung và hình thức của tin, có như vậy mới tạo nên một tin truyền hình hay, thu hút được sự quan tâm của công chúng.
Thanh Mai
Truyền hình K31A1
Ảnh : Nguồn Internet.
Cùng chuyên mục
Bình luận