Cảm nhận âm sắc của cuộc sống cùng triển lãm hội họa “Cảm âm”
(Sóng Trẻ) - Chiều ngày 12/3, tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật Nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hà Nội) đã diễn ra buổi triển lãm “Cảm âm” của 3 họa sĩ đã có nhiều năm tuổi nghề: Họa sĩ Đỗ Đức (sinh 1945), họa sĩ Hoàng Đinh (sinh năm 1953) và họa sĩ Bùi Việt Dũng (sinh năm 1957).
“Cảm âm”, theo lý giải của các họa sĩ là “sự cảm nhận âm sắc cuộc sống của mỗi người, và mỗi người có cách cảm và cách thể hiện khác nhau trên cùng chất liệu giấy, từ giấy dó thủ công, đến giấy vẽ màu nước các loại trên thị trường hiện nay”.
Với chỉ một chất liệu giấy nhưng ba họa sĩ đã trình bày các tác phẩm theo ba phong cách, ba cách nghĩ và cách thể hiện khác nhau.
Được biết đến với bút lực thâm hậu ở mảng tranh giấy dó và đề tài dân tộc miền núi, hoạ sĩ Đỗ Đức đã có tới 30 năm gắn bó với cây bút lông, màu nước và giấy dó. Trong triển lãm “Cảm âm” này, có những bức tranh ông mới sáng tác, nhưng cũng có bức đã trên hai, ba mươi năm tuổi. Qua những bức tranh cũ- mới này, người xem sẽ thấy được sự chuyển động của bút pháp của người họa sĩ theo thời gian, và những cảm nhận cuộc sống của tác giả trên cùng một chất liệu giấy dó.
Trong khi đó, người đề xuất triển lãm tranh lần này, hoạ sĩ Hoàng Định lại có bút pháp tung tảy của hội hoạ Ấn tượng Biểu hiện. Ông đang thử nghiệm nhiều loại mực nước trên các loại vật liệu và giấy khác nhau. Nhiều năm trải nghiệm với nghề, với ông, căn cốt của nghệ thuật để chuyển tải cảm xúc của tác giả đến người thưởng thức chính là sự tìm kiếm cái mới mẻ trong cuộc hành trình của người hoạ sĩ.
Mảnh ghép cuối cùng trong triển lãm lần này là họa sĩ Bùi Việt Dũng, một người dành sự yêu thích của mình cho tranh in, và thể loại sáng tác độc bản. Ông cũng theo đuổi trường phái Trừu tượng Biểu hiện, bút lực mạnh mẽ, cách nhìn táo bạo và dứt khoát giống như tính cách ông nài đời.
Tác phẩm của họa sĩ Bùi Việt Dũng
Trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Bùi Việt Dũng chia sẻ: “Triển làm này của ba họa sĩ đã lớn tuổi rồi, có cái nhìn hơi cũ kỹ một chút nhưng nó có dấu ấn riêng của thời gian, của cuộc sống trong suốt quãng thời gian các họa sĩ đã từng sống”.
Đến với buổi triển lãm, bạn Thanh Bình, sinh viên trường Đại học Đại Nam cho biết:” Tôi cảm thấy rất rung động, đồng cảm và thấu hiểu hơn về cái nhìn cuộc sống dưới con mắt của những thế hệ đi trước sau khi xem các tác phẩm”.
Còn bác Nguyễn Hữu Bảo, một phóng viên ảnh đã có rất nhiều cảm xúc về buổi triển lãm: “ Thực ra thì giấy dó là một chất liệu truyền thống của Việt Nam mà rất dễ truyền cảm đến công chúng bởi vì nó xuất phát từ nền tảng gốc là mĩ thuật dân gian Việt Nam và từ tranh Đông Hồ. Khi giấy dó đã tham gia vào mĩ thuật đương đại thì nó có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại vào vật liệu, vào phong cách thể hiện của những tư tưởng mới trong hội họa. Trong triển lãm này thì tôi thấy đây là những họa sĩ có hạn ở Việt Nam thể hiện được sự giao thoa đó”.
Một số hình ảnh trong buổi triển lãm:
Ba họa sĩ Đỗ Đức, Hoàng Định và Bùi Việt Dũng (từ trái sang)
Một khán giả xem lại bức ảnh chụp tác phẩm
Hai khán giả đang chăm chú xem tranh
Buổi triển lãm còn là nơi gặp gỡ của những người yêu nghệ thuật
Bác Nguyễn Hữu Bảo đang say sưa thưởng thức các tác phẩm
Triển lãm hội họa “Cảm âm” sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 19/3/2017 tại Trung tâm triển lãm Mỹ thuật,Nhiếp ảnh, số 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Thục Anh
Truyền hình K35A2
Cùng chuyên mục
Bình luận