Cẩn trọng với hàng giảm giá cuối năm
(Sóng trẻ) - Cứ vào dịp cuối năm, hàng loạt các cửa hàng thời trang bắt đầu tung ra các chiêu thức khuyến mãi, giảm giá đặc biệt nhằm “tri ân khách hàng”, xả hàng cuối năm. Tuy nhiên, “của rẻ là của ôi”, liệu người tiêu dùng có thực sự được lợi khi mua hàng giảm giá?
Hoa mắt với các biển “sale off”
Dạo vòng quanh trên facebook, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bảng thông báo “sale off” tràn lan trên các cửa hàng thời trang. “Sale off 20%-30%”, thậm chí còn có những cửa hàng giảm giá đến 50%-70%. Nài các hình thức giảm giá ra, rất nhiều các cửa hàng khác cũng áp dụng các chiêu thức nhằm “tri ân khách hàng” như: mua 2 tặng 1, mua 1 tặng 1, tặng kèm các thẻ voucher giảm giá cho các lần mua sau...
Không chỉ dừng lại ở các cửa hàng thời trang, hàng loạt các cửa hàng khác như: cửa hàng điện tử, điện lạnh, các cửa hàng bánh kẹo, thực phẩm cho đến các siêu thị lớn đều tung ra các hình thức ưu đãi nhân dịp cuối năm. Đi dạo một vòng trên tuyến phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) có thể bắt gặp hàng loạt các cửa hàng đã treo các bảng “Sale off”, các bảng giảm giá ưu đãi hấp dẫn.
“Bội thực” với hàng sale off
Chính những chiêu thức ưu đãi hấp dẫn của các cửa hàng đưa ra đã thu hút rất đông người tiêu dùng. Bạn Mỹ Linh (Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thật sự cảm thấy “hoa mắt” trước những bảng sale off từ khắp các cửa hàng, cái gì cũng muốn mua, có nhiều món đồ mình đã mong ước từ lâu nay lại thấy giá chỉ rẻ hơn một nửa nên kiểu gì mình cũng phải rinh về”.
Cửa hàng thời trang “2days” nằm trên đường Kim Mã (Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải bởi chiêu bài “khuyến mãi” mùa cuối năm mà cửa hàng đã áp dụng. Với hình thức giảm giá từ 50-70%, cộng với đó là hình thức khuyến mãi “mua hơn 2 triệu sẽ được thưởng phiếu giảm giá 50% tại các cửa hàng Paris Gateaux”, cửa hàng đã thu hút một lượng khách đáng kể. Chỉ sau 2 ngày đăng tin sale off, cửa hàng luôn trong tình trạng “cháy hàng” và lúc nào cũng phải nhập thêm hàng về.
Các cửa hàng “sale off” luôn trong tình trạng đông khách
Với khuyến mãi hấp dẫn như vậy, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra hoặc thậm chí đi vay tiền để mua những thứ đồ chẳng thực sự cần thiết. Bạn Tùng Chi (Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Sale off mùa cuối năm chính là cơ hội tốt để mình có thể mua những đồ ưng ý nhưng với mức giá rẻ. Từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm cho đến sách, đồ điện tử... rất nhiều thứ mình muốn mua và mình sẽ mua bằng được, thậm chí là vay tiền mình cũng sẽ cố mà mua. Chứ không mua thì tiếc lắm, vả lại cũng không biết khi nào mới giảm giá được như vậy”.
Có thật sự giảm giá?
Không ít các khách hàng vì tâm lý ham đồ giá rẻ đã lao đầu vào “cơn lốc” mang tên sale off này. Tuy nhiên, không ít người sau khi mua đồ giảm giá xong mới biết mình bị lừa.
Anh Minh Nhật (phố Hàng Da, Hà Nội) chia sẻ: “Không chỉ có các bạn nữ mới cuồng hàng sale off, mà cánh đàn ông chúng tôi cũng rất thích mua hàng sale. Vừa rồi, khi thấy các nhãn hiệu nổi tiếng như CK, Versace giảm giá đến 50% tại một cửa hàng trên phố Hàng Bông. Vì ham đồ rẻ nên khi mua mình đã không kiểm tra kỹ. Khi về mới phát hiện các món đồ đó chỉ là hàng nhái mà thôi, lúc mình đến khiếu nại thì cửa hàng đã thanh lý và nhường chỗ cho một cửa hàng khác”.
Không chỉ riêng anh Nhật, mà còn nhiều người đã mua phải hàng kém chất lượng khi đi mua đồ giá rẻ. “Có rất nhiều món hàng khi mình mua về chất lượng kém hơn hẳn so với những hàng thông thường. Tính ra cũng không rẻ là mấy, có rất nhiều shop nói là giảm giá nhưng đẩy giá lên rất cao rồi mới tiến hành giảm giá” - chị Diệu Hồng (nhân viên của ngân hàng Vietcombank, Hà Nội) bức xúc - “Ví dụ giá bình thường của một chiếc áo dạ hàng made in Việt Nam là hơn 800 nghìn, thế nhưng các cửa hàng đều đẩy giá lên 1 triệu rồi giảm 20%, như thế thì cũng bằng giá khi chưa giảm mà chất lượng thì lại xấu đi hẳn, sau khi mình mua về thì mới phát hiện ra mác “Made in Việt Nam” chỉ là mác giả, bên trong được ghi bởi dòng chữ Trung Quốc”.
Thậm chí ở các cửa hàng uy tín thì hiện tượng tăng giá lên rồi sau đó tiến hành giảm giá vẫn diễn ra thường xuyên. Bạn Hoàng Trang (Hàng Bài, Hà Nội) – một tín đồ “hàng hiệu” chia sẻ: “Dịp vừa rồi trên Tràng Tiền Plaza - trung tâm thương mại buôn bán nhiều sản phẩm thời trang của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới có đồng loạt sale off 50%. Đã có rất đông khách hàng đến mua, tuy nhiên nếu như để ý thì có thể dễ dàng nhận thấy rằng các sản phẩm giảm giá đều được đẩy tăng giá lên rất nhiều. Ví dụ một chiếc áo nỉ kenzo mặt hổ giảm giá trên trang web chính hãng của shop thì chỉ còn lại 2 triệu cho 1 chiếc áo, thì ở đây lại bán với giá hơn 6 triệu rồi giảm giá 50%. Như vậy nhìn chung là không hề rẻ hơn giá gốc bên các nhà đại lý”.
Không chỉ thế, có rất nhiều người bị mê hoặc bởi những chiêu trò sale off mà vì thế đã mua về nhiều món đồ “dùng một lần rồi thôi”. Bạn Trà Mi (trường Đại học Công đoàn) chia sẻ: “Hôm trước mình thấy một cửa hàng thời trang có rất nhiều đồ đẹp mà giá lại đang sale nên mình đã m được rất nhiều đồ về mà không hề nghĩ gì. Bây giờ mình mới thấy tiếc vì có những món đồ mà mình mua về không hề hợp với mình...”
Hàng sale off luôn có sức hấp dẫn riêng của nó. Chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn lợi ích từ việc mua hàng giảm giá, vì đó là cách tiêu dùng tiết kiệm thông minh và hiệu quả. Tuy nhiên, người mua cần tỉnh táo để tính toán xem nên mua gì là hợp lý và phù hợp, rẻ nhưng chất lượng phải đảm bảo và có tính ứng dụng cao. Đó là cách tiêu dùng thông minh trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
Nguyễn Việt Nam
Truyền Hình K31A1