Chuyện làm thêm của sinh viên - vừa dễ lại vừa khó
(Sóng trẻ) - Dễ bị lừa, mức lương không cân xứng với sức lao động, thiếu kinh nghiệm,... là những khó khăn điển hình mà nhiều sinh viên gặp phải hiện nay khi đi tìm việc làm thêm.
Dễ tìm việc nhưng cũng dễ bị lừa
Part - time là những công việc chủ yếu mà các bạn học sinh, sinh viên lựa chọn vì tính chất linh hoạt về thời gian. Trước nhu cầu tìm việc part - time lớn, thị trường việc làm cũng vô cùng sôi động từ những công việc chân tay như phục vụ, bán hàng, đến những công việc đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo như chăm sóc khách hàng, sales, content…. Nhờ Internet, các bạn có thể làm việc online đến offline.
Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội, chỉ cần gõ từ khóa “việc làm part - time” là sẽ có hàng ngàn kết quả hiện ra. Facebook là nơi mà các bạn thường lựa chọn để tìm việc nhiều nhất vì số người sử dụng khổng lồ. Tuy nhiên, công việc nhiều nhưng nếu không lựa chọn cẩn thận, nhẹ dạ cả tin các bạn rất dễ trở thành con mồi của đa cấp và lừa đảo.
Kể về hành trình làm thêm của mình, bạn Nguyễn Vân Anh (sinh viên tại Hà Nội) chia sẻ: “Vào năm nhất, mình cũng mong muốn đc đi làm lắm. Công việc đầu tiên của mình là cộng tác viên cho 1 tờ báo. Sau đó, mình tìm kiếm công việc trên các group tìm việc làm nhưng toàn gặp mấy người lừa đảo dưới hình thức chốt đơn, sales nên thất vọng càng nhiều hơn”.
Không được may mắn như Vân Anh, một người bạn khác tên viết tắt L (sinh viên tại Hà Nội) kể lại một lần bị lừa vì tính cả tin: “Đó là một lần mình tìm việc làm trên group khá uy tín. Công việc là chốt đơn cho Sen Đỏ. Và chỉ trong 2 giờ, mình đã đốt hơn 1 triệu 4. Đối tượng lừa đảo đã hỏi thông tin cá nhân của mình, sau đó gửi một web Sen Đỏ giả mạo. Chúng yêu cầu mình tạo tài khoản và nạp tiền. Sau 3 đơn đầu tiên bọn nó nhả tiền hoa hồng cho mình. Đến đơn thứ 4 thì bọn chúng biến mất cùng với tiền của mình”. Sau khi nhận ra lừa đảo, L không nói lên lời, vừa sợ vừa tự trách bản thân.
Theo ghi nhận của PV, một vài những biểu hiện tiêu biểu của một tin tuyển dụng lừa đảo có thể là chốt đơn, thông tin việc làm chung chung như “tuyển gấp nhân viên viên kinh doanh, nhân viên bán hàng”,...hay những tin tuyển dụng kèm theo lời mời chào hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”. Đặc biệt, nếu công việc đòi hỏi chuyển khoản phí cọc để giữ chỗ thì có thể chắc chắn là lừa đảo.
Thậm chí, không chỉ lừa tiền, các nhà tuyển dụng “ma” còn lừa “người” khi yêu cầu ứng viên phải sang nước ngoài làm việc. “Trước đây mình từng rải CV đi xin việc, được nhiều người liên hệ nhưng chủ yếu toàn những việc không rõ ràng với mức lương cao. Một lần, HR (nhà tuyển dụng) nói cần phải sang Campuchia làm việc. Mình khá bất ngờ và sau đó chặn luôn tài khoản đó”, bạn P.M.A (sinh viên tại Hà Nội) chia sẻ.
Có việc nhưng không phù hợp
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các bạn học sinh, sinh viên cảm thấy khó khăn khi đi xin việc. Hai nguyên nhân phổ biến nhất là mức lương và yêu cầu kinh nghiệm cùng chứng chỉ ngoại ngữ
Từng làm công việc phục vụ tại một quán cà phê, bạn Phan Minh Ánh chia sẻ: “Đi phục vụ parttime thì lương rất thấp, 16k/h. So với công việc mặt bằng chung ở các quán cafe khác thì mức lương này cũng rất rất thấp. Sau khi qua một tgian có thể tăng lên 18-20k/h, không hề hơn. Lương thấp mà quản lý lại yêu cầu làm nhiều việc khác từ phục vụ, pha chế đến thu ngân. Chính sách lương, thưởng mập mờ cũng là nguyên nhân khiến mình phải nghỉ việc sau 1 tháng”.
Cụ thể, theo quy định của Nhà nước, mức lương tối thiểu đối với người lao động làm thêm theo giờ là từ 15.600 đến 22.500 tùy vùng. Tuy nhiên, rất ít các bạn học sinh, sinh viên biết về quy định mới này. Hơn nữa, khi đi làm, cũng có nhiều bạn phớt lờ, không ký hợp động lao động rõ ràng. Do đó, dẫn đến tình trạng quyền lợi đến tay nhưng không hề biết, bị bóc lột sức lao động.
Bên cạnh mức lương, yêu cầu công việc cũng là một nguyên nhân cản trở các bạn học sinh, sinh viên trong quá trình tìm việc part - time.
Bạn P. T. H chia sẻ: “Mình rất muốn tìm được một công việc part - time liên quan đến báo chí - truyền thông, ngành mà mình đang học. nhưng Với một CV chưa có nhiều kinh nghiệm, mình cảm thấy khá khó khăn. Đa số những công việc tốt đều yêu cầu kinh nghiệm tối thiểu hoặc chứng chỉ tiếng anh, kỹ năng tin học mà mình chưa đáp ứng được".
Vì vậy, dù thị trường việc làm luôn sôi động nhưng để tìm được công việc làm thêm vừa có mức lương tốt, vừa đúng chuyên ngành là điều khó. Để tích lũy được kinh nghiệm, nhiều bạn trẻ lựa chọn chịu thiệt về lương - thưởng.
Bạn Phan Minh Ánh chia sẻ thêm: “Ngoài công việc phục vụ mình từng làm thực tập sinh cho một công ty truyền thông. Ban đầu mình làm không lương, nhưng nếu theo đuổi lâu dài thì lương chắc chắn rất cao, thậm chí cao hơn mức lương do Nhà nước quy định rất nhiều”.
Làm thế nào để tìm được một công việc làm thêm ưng ý?
Chia sẻ với phóng viên, nhiều bạn trẻ cho rằng để có thể vừa kiếm tiền, vừa làm đẹp CV, các bạn học sinh, sinh viên nên rèn luyện và học hỏi thường xuyên bằng bốn cách sau:
Thứ nhất, các bạn có thể tham gia các câu lạc bộ trong trường để mở rộng mối quan hệ, phát triển các kỹ năng mềm và đặc biệt là được “rèn” nghề từ sớm.
Thứ hai, các bạn có thể tham gia một số hoạt động tình nguyện, không lương để vừa phát triển bản thân vừa làm “đẹp” CV. Những hoạt động này được đăng tải rất nhiều trên các trang tìm kiếm việc làm như iVolunteer Việt Nam, Ybox,...
Thứ ba, tăng cường ngoại ngữ và kỹ năng tin học văn phòng là điều vô cùng quan trọng. Trên thực tế, các nhà tuyển dụng luôn ưu ái hơn với những thí sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ và khả năng tin học tốt. Thêm nữa, khi tốt nghiệp, đạt chuẩn ngoại ngữ và tin học là một yêu cầu bắt buộc với mọi sinh viên.
Thứ tư, cẩn thận chọn lọc công việc kỹ càng để tránh lừa đảo và sắp xếp thời gian phù hợp vì nếu không “tiền làm thêm sẽ không thể đóng đủ tiền học lại”.