Cô gái khiếm thị đi qua “màn sương mờ” để tìm nguồn sáng tri thức

(Sóng trẻ) - “Cơ hội đến với mình ở lĩnh vực nào thì mình sẽ cố gắng nắm bắt và làm tốt nhất có thể ở lĩnh vực đó.”

Chỉ có thể nhìn mờ trong khoảng cách 0,5 m, Nguyễn Thị Mỹ Linh vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ với tâm niệm “Mỗi một con người thì đều có  1 tiềm năng riêng. Mỗi chúng ta đều có thể làm được những thứ mà chúng ta mong muốn. Khi mình đã mong muốn điều gì thì mình sẽ cố gắng hết sức để đạt được điều đó.”

Những tấm huy chương đủ màu trong các cuộc thi cờ vua quốc gia, giải Nhất cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh thiếu niên khuyết tật toàn cầu” năm 2015, giải Nhì cho “Thiết bị xác định đồ vật dành cho người khiếm thị” trong “Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông TP Hà Nội lần thứ 5”  (HASEF) và mới đây nhất là giải “Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2015” được trao vào tháng 1/2016, đó là những thành tích mà cô gái khiếm thị 9x với niềm đam mê trong các lĩnh vực thể thao, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin đã đạt được.

Ánh sáng mặt trời có thể không còn rực rỡ trước đôi mắt không  lành lặn, nhưng ánh sáng của niềm tin, niềm hi vọng, sự lạc quan và lòng quyết tâm thì luôn rực rỡ, luôn cháy bỏng trong cô gái giàu nghị lực này.

d87e60f41_anh_1.jpg
Mỹ Linh và tấm bằng khen trong cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh thiếu niên khuyết tật toàn cầu” năm 2015 được tổ chức tại Indonesia

“Đều có cách để vượt qua mọi việc dù là khó khăn” 
Một cuộc phẫu thuật lấy khối u não vào năm 5 tuổi đã khiến đôi mắt của Linh không còn được tinh anh. Đi học muộn mất 4 năm, năm lên 10 tuổi, Nguyễn Mỹ Linh bắt đầu cuộc sống xa gia đình để bước vào hành trình tìm kiếm tri thức – hành trình với bến đỗ đầu tiên là trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Nguyễn Đình Chiểu.

Kết thúc năm học lớp 9 tại trường Nguyễn Đình Chiểu, năm 2014, Mỹ Linh tiếp tục con đường học tập với bến đỗ thứ hai tại trường Trung học phổ thông (THPT) Thăng Long (Hà Nội). Hiện tại, Linh đang là học sinh lớp 11 của trường. THPT Thăng Long vốn không phải là ngôi trường chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thị, điều này cũng khiến cho cô gái khiếm thị gặp phải những khó khăn trong quá trình học tập. 

Đó là những khó khăn trong quá trình tiếp thu bài giảng khi nhiều kiến thức thầy cô viết hay minh họa trên bảng Linh không nắm bắt được, đó còn là những khó khăn khi Linh thì phải sử dụng sách giáo khoa bằng chữ nổi, ghi chép bài bằng chữ nổi trong khi thầy cô lại không biết chữ nổi, hay những khó khăn khi làm bài kiểm tra. 

Nhưng Linh đã luôn cố gắng để nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Đối với những phần kiến thức chưa nắm bắt được trong mỗi tiết học, Linh thường hỏi lại thầy cô vào thời gian cuối tiết. Nếu không kịp hỏi, Linh sẽ về nhà tự tìm hiểu hoặc nhờ các anh chị sinh viên của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu giảng lại. 

“Thầy cô và bạn bè ở trường Thăng Long giúp đỡ mình rất nhiều trong việc học tập. Thầy cô luôn tạo điều kiện cho mình: đối với những môn xã hội như sử, địa, mình được kiểm tra bằng hình thức vấn đáp, còn các môn khác thì mình làm bài trên máy tính rồi gửi email bài làm cho các thầy cô.”

Với cô gái giàu nghị lực này, luôn có cách để vượt qua mọi khó khăn. Linh chia sẻ “Bất kì việc gì khi bắt đầu làm mình thấy cũng đều khó khăn, nhưng mình tin luôn có cách để mình vượt qua khó khăn, và khi đã vượt qua, mình thấy mình có thêm nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống.”.

 Đi qua “màn sương mờ” để chinh phục cờ vua
Trước mặt luôn là một “màn sương mờ”, sự vật xung quanh luôn mờ ảo trong đôi mắt không  lành lặn, nhưng quyết tâm và mục tiêu thì luôn rõ ràng trong tâm trí và thể hiện trong hành động của cô gái giàu nghị lực. 

Giành 2 Huy chương đồng năm 2014 cùng 1 huy chương đồng và 1 huy chương bạc năm 2015 trong cuộc thi cờ vua cấp quốc gia dành cho người khiếm thị, cô gái 9x từng bước chinh phục những mục tiêu trong bộ môn cờ vua – cũng là niềm đam mê bắt đầu được nhen nhóm khi Linh mới 5 tuổi. 

d87e60f41_anh_2.jpg
Những tấm huy chương đủ màu và giấy khen mà Linh đạt được trong các cuộc thi đấu cờ vua cấp quốc gia

Linh kể rằng: hồi 4,5 tuổi, Linh rất thích khi nhìn anh trai chơi cờ vua nên đã nhờ anh hướng dẫn cho một số nước đi  cơ bản, nhưng ban đầu, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức “thích thì chơi”, chưa có dự định gì về việc sau này sẽ tham gia những giải đấu cờ vua. Trong thời gian học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Linh vẫn giữ niềm đam mê với cờ vua, thỉnh thoảng Linh chơi cờ cùng bạn bè.

 Năm 2013, biết đến đội tuyển cờ vua khuyết tật Hà Nội, cô gái khiếm thị nỗ lực luyện tập cùng với sự hỗ trợ của câu lạc bộ cờ vua trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu để được có mặt trong danh sách đội tuyển đi thi quốc gia.

“Có 1 loại bàn cờ đặc biệt dành cho người khiếm thị. Trong bàn cờ, những ô màu đen nổi lên cao hơn, ô màu trắng thấp hơn, trên mỗi ô sẽ có một lỗ tròn, khi đi thì người chơi sẽ cắm quân cờ vào lỗ tròn đó. Người chơi hoàn toàn có thể cảm nhận bàn cờ bằng đôi bàn tay.”

Cảm nhận quân cờ bằng đôi bàn tay, “nhìn” bàn cờ bằng tâm trí, thế giới cờ vua vẫn hiện lên thật rõ ràng với Linh dù trước mắt cô gái này chỉ là “màn sương mờ”. Bằng niềm đam mê và sự luyện tập chăm chỉ, cô gái nghị lực tự tin đi qua “màn sương mờ” ấy để tìm được ánh sáng lấp lánh từ những tấm huy chương, và quan trọng hơn cả, là để thấy bản thân được sống với đam mê, thành công trong đam mê. 
  
Chưa muốn dừng lại với 3 huy chương đồng, 1 huy chương bạc, Linh đặt mục tiêu giành huy chương vàng trong cuộc thi cấp quốc gia tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7 năm nay, cùng với đó là mong muốn giành được tấm vé trở thành vận động viên tham gia thi đấu cờ vua tại Paragame 2017. Để chinh phục từng mục tiêu ấy, Linh dành 30 phút mỗi ngày để chơi cờ: có thể tự chơi hoặc chơi với máy tính – máy tính có cài phần mềm đọc chuyên biệt hỗ trợ người khiếm thị sử dụng. Linh cũng lên kế hoạch tăng cường luyện tập bộ môn này vào kì nghỉ hè năm nay.

d87e60f41_anh_3.jpg
Mỹ Linh dành 30 phút mỗi ngày để luyện chơi cờ với chiếc máy tính có cài phần mềm đọc phục vụ người khiếm thị sử dụng

Khoa học cũng là 1 đam mê 
Bên cạnh cờ vua, khoa học công nghệ cũng là một niềm đam mê của Mỹ Linh. “Thiết bị xác định đồ vật dành cho người khiếm thị” do Mỹ Linh sáng chế đã làm đầy thêm vốn giải thưởng của cô gái luôn nỗ lực “vươn đến mặt trời” này với giải Nhất “Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ 5” (năm học 2015 -2016) và giải khuyến khích cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. 

“Có 1 lần mình làm rơi 1 đồ vật mà tìm mãi không thấy, lúc đó mình chợt nghĩ: sao không có vật gì đó để giúp mình xác định vị trí của đồ vật nhanh hơn.”, từ khó khăn thực tiễn ấy của bản thân cũng như  nhận thức rõ khó khăn của người khiếm thị trong việc quản lý và kiểm soát đồ vật chỉ bằng đôi bàn tay, Mỹ Linh nảy ra ý tưởng thực hiện thiết bị xác định vị trí đồ vật.

Sau khi xây dựng  mô hình thiết bị trong đầu, Linh lên mạng tìm kiếm những công cụ cần thiết như chuẩn thu phát không dây, vi xử lý, loa chíp… và tìm hiểu những nguyên lý phục vụ cho việc hình thành thiết bị, Việc làm môt thiết bị chưa từng có trên thị trường, bản thân lại là một người khiếm thị, công việc sáng tạo này khiến cho Linh gặp không ít khó khăn.

Linh mất đến 7 tháng để từng bước hoàn thiện sản phẩm kể từ khi nảy ra ý tưởng vào đầu năm học lớp 11 cho đến khi mang sản phẩm đến “góp mặt” trong cuộc thi cấp quốc gia vào tháng 3/2016. Trong thời gian đó, thiết bị của Linh đã trải qua các vòng thi cấp trường và cấp thành phố. Mỗi một lần thi là một lần rút kinh nghiệm để khắc phục những thiếu sót còn tồn tại của thiết bị. Linh cũng có sự hỗ trợ của một sinh viên Đại học Bách Khoa (Hà Nội) mà Linh vẫn gọi vui là “người đỡ đầu của mình” trong quá trình làm thiết bị.

Linh  đã ứng dụng thử nghiệm thiết bị tại trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Nguyễn Đình Chiểu, kết quả cho thấy tương đối khả quan khi thiết bị giúp các em học sinh khiếm thị của trường tìm kiếm đồ vật nhanh hơn, chính xác hơn và không phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Linh cũng mong muốn trong tương lai, khi bản thân có đủ khả năng, thời gian và sự tài trợ, thiết bị này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn trong cộng đồng người khiếm thị. 
 
Như một cách để nói lời cảm ơn với bến đỗ đầu tiên đã cho mình tri thức và cũng là thêm một mong muốn làm điều gì đó cho cộng đồng của mình, Mỹ Linh mong sẽ trở thành cô giáo dạy Tiếng Anh tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu khi được hỏi về dự định công việc trong tương lai. 

“Màn sương mờ” trước mắt dường như chưa bao giờ làm chùn bước cô gái khiếm thị giàu nghị lực Nguyễn Thị Mỹ Linh. Luôn nỗ lực đi qua “màn sương” ấy để bước những bước vững vàng bằng đôi chân của mình trên con đường tri thức, Linh tâm niệm rằng: “Đối với mình, mỗi lĩnh vực đều rất thú vị. Nhưng vì không có đủ thời gian cho tất cả mọi thứ yêu thích nên cơ hội đến với mình ở lĩnh vực nào thì mình sẽ cố gắng nắm bắt và làm tốt nhất có thể ở lĩnh vực đó thôi.”. 

Ngọc Hà
BM33

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN