Cốm Làng Vòng, món quà tao nhã của xứ sở Hà Thành
(Sóng Trẻ) - Có người nói rằng, nếu Hè là khúc ca rộn ràng, Đông là bản nhạc sầu muộn thì Thu Hà Nội nhẹ nhàng mà tha thiết. Nắng mùa Thu không chói chang, vàng vọt mà mát mẻ. Những giọt nắng ấy có đủ sức nhuốm vàng cả cánh đồng, cành cây, ngọn cỏ. Chẳng thế mà người ta gọi Thu là mùa của “lá vàng”, mùa của hương đồng gió nội. Và trong hương đồng gió nội ấy, không thể không nhắc đến cốm làng Vòng, một thức quà tao nhã, bình dị, đậm đà hương vị tinh khiết của xứ sở Hà Thành.
Đặc sản “Cốm làng Vòng” có từ lâu đời và được làm từ nếp cái hoa vàng, một năm có hai vụ: vụ chiêm vào tháng tư. Và vụ mùa, bắt đầu từ ngày lễ vu lan cho đến tháng mười. Khi ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội.
Người ta không biết chính xác nghề làm cốm làng Vòng có tự bao giờ, chỉ nghe các cụ xưa truyền lại. Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò mẫm cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.
Cốm làng Vòng, một thức quà tao nhã, đậm đà hương vị tinh khiết của xứ sở Hà Thành.
(Nguồn: Internet)
Cốm làng Vòng mang hương vị đặc biệt và phong cách của cốm Hà Nội, dù người Hà Nội có đi xa cũng không thể nào quên được. Thưởng thức cốm Làng Vòng là để thưởng thức một hương vị cốm hoàn toàn mới lạ và độc đáo, cảm nhận sự khác biệt khi so sánh với các loại cốm khác. Cốm làng Vòng dẻo, thơm nn và đậm màu sắc dân gian truyền thống. Cũng làm từ lúa nếp nhưng người làng Vòng phải chọn cắt những bông lúa nếp còn non, xanh và đẫm hơi sương. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay, không được để nguội. Trong quá trình giã phải có kỹ thuật, đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay người thợ, không được giã mạnh tay, vì như vậy cốm sẽ nát. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, giã khoảng10 lần thì thêm ít nước cất từ hoa bưởi rồi đựng vào lá sen. Cái thứ quà tinh khiết ấy phải đươc gói bằng lá sen mới thơm được vì đó là lá của một loài hoa sạch sẽ, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, và khi cốm được gói bằng lá sen thì cốm mang một mùi thơm đặc biệt. Hương của cốm hòa với hương sen thoang thoảng làm cho hương cốm trở nên thơm mát, dịu nhẹ và lan tỏa hơn.
Cốm Vòng được bán khắp các phố, chợ Hà Nội. Cứ mỗi mùa thu đến, lại thấy các bà, các chị làng Vòng quẩy đôi gánh xinh xinh, giắt đầy cây lúa non đã tuốt hạt, đi dọc các phố mà rao “Ai cốm đây” nghe thật quen thuộc. Hương vị của cốm lan tỏa khắp mọi con đường, ngõ phố Hà Nội và mang màu xanh của thiên nhiên, của đất trời. Và trong kí ức của người Hà Nội, dẫu là trẻ thơ hay người già đều tràn ngập kỉ niệm đẹp gắn liền với hương vị của cốm. Và đó chính là món quà bình dị và tao nhã mà tạo hóa đã ban tặng cho người Hà Nội. Người Hà Nội thanh lịch nên đều gửi tặng bạn bè những thức quà tinh tế.
Và Thạch Lam trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường” đã ví: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng, thanh đạm của loại thảo mộc”
Cũng không phải ngẫu nhiên mà thứ quả mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam lại cùng mùa thu Hà Nội đi vào thơ ca “Hà Nội mùa thu..., mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua...”. Cốm mang hương vị đặc trưng của xứ sở Hà Thành Và dù thời gian có trôi qua theo từng năm tháng, thì hương vị đó sẽ mãi phảng phất và quyện lại trong lòng của mỗi người dân nơi đây và đó là món quà tuyệt vời được gửi đến bạn bè phương xa.
Trần Thị Thanh
Lớp Phát thanh K.30
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận