Cơn sốt ngôn tình Trung Quốc - không còn chỉ trên trang sách
(Sóng trẻ) - Trong giới trẻ hiện nay, đâu đâu cũng thấy lặp lại những câu quen thuộc “soái ca này”, “soái ca kia”... Mới chỉ cách đây không lâu, những bộ phim Hàn Quốc còn nổi đình nổi đám, làm mất ăn mất ngủ không ít bạn trẻ, vậy mà chỉ vài năm gần đây, dòng phim chuyển thể từ ngôn tình Trung Quốc đã làm giảm bớt thế “độc tôn” của drama Hàn.
Linh (sinh viên Đại học Nại Ngữ) thậm chí có hẳn một bộ sưu tập truyện ngôn tình. Những câu chuyện nhẹ nhàng, lãng mạn đặc biệt có sức hút với cô. Linh cho biết “Mình biết và mê ngôn tình lâu lắm rồi. Bây giờ còn có phim chuyển thể nữa đúng là tuyệt vời. Bình thường đọc đã thích, bây giờ còn nhìn thấy rõ mồn một các soái ca trong mộng”. Có lẽ Linh cũng chỉ là một trong vô vàn những cô gái trẻ ngày nay không cuồng idol, nghệ sĩ Hàn Quốc mà đắm chìm với những anh chàng soái ca trong truyện, trong phim. Vì thế mới nói, những định nghĩa như “soái ca”, “boss đại nhân”, “hủ nữ” ngày một trở nên phổ biến.
Ngôn tình Trung Quốc không phải là thể loại quá mới mẻ, nhất là với giới trẻ. Độc giả vẫn luôn gọi nó là “thể loại mơ mộng, lãng mạn đến phi thực tế”. Người nhẹ nhàng thì nói đó là ngôn ngữ của tình yêu. Người cay nghiệt hơn một chút lại bảo là loại “tiểu thuyết tình cảm ba xu”… Dù khen hay chê, tốt hay xấu, chúng ta vẫn không thể phủ nhận, ngôn tình Trung Quốc đã đi sâu vào đời sống của giới trẻ Việt Nam.
Từ truyện ngôn tình đến phim ngôn tình
Nắm bắt được tâm lý khán giả, các đạo diễn, nhà làm phim Trung Quốc đã đua nhau đưa ngôn tình lên màn ảnh nhỏ bằng cách chuyển thể nó thành phim. Đây có thể coi là miếng mồi nn, béo bở trong việc thu hút khán giả cho một bộ phim. Theo một cách khéo léo, những nhà làm phim đã đưa các cặp “thanh mai trúc mã” từ trong truyện bước ra đời thực bằng các bộ phim, thỏa mong ước của rất nhiều bạn trẻ.
Những tác phẩm nổi đình nổi đám một thời như “Bong bóng mùa hè”, “Cung tỏa tâm ngọc”, “Mỹ nhân tâm kế”, “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi”, hay gần đây nhất là “Sam Sam đến rồi” và “Bên nhau trọn đời” luôn có sức hút vô cùng lớn. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn nổi danh với những bộ phim lịch sử hoành tráng, tái hiện lịch sử chân thực. Thế mà từ khi phim chuyển thể ngôn tình xuất hiện mọi chuyện lại khác. Theo tổng hợp của kênh giải trí trực tuyến Vivo, cùng lên sóng một thời điểm, bộ phim “Bên nhau trọn đời” có mức ratings tivi chỉ bằng 1/4 “Võ Tắc Thiên truyền kỳ”. Nhưng lượt view internet lại là một cuộc chơi đối lập hoàn toàn, cặp đôi Hồ Dĩ Thâm và Trương Mặc Sênh (Bên nhau trọn đời) đã vượt mặt Võ Tắc Thiên. Điều này cho thấy khán giả trẻ tuổi, những sinh viên không có điều kiện xem phim chiếu trên tivi mà chỉ có thể xem bằng internet vẫn hướng sự chú ý của mình về phía bộ phim chuyển thể từ ngôn tình này hơn là phim cổ trang lịch sử.
Một trong những thống kê của kênh giải trí thông tin trực tuyến Vivo (Ảnh chụp màn hình)
Sự xâm nhập ngày một sâu của ngôn tình Trung Quốc
Khác với phim chuyển thể từ tiểu thuyết Âu Mỹ, phim chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc có cốt truyện bình thường nhưng lối hành văn mềm mại, thơ mộng. Thể loại này đã đánh trúng thị hiếu của người xem bằng việc mô tả chân thực cuộc sống nhưng cũng không kém phần thi vị và đáng mơ ước.
Văn hóa Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều nét tương đồng, gần gũi nên rất dễ để người Việt chấp nhận dòng phim này. Đa phần khán giả của thể loại này chính là nữ giới, những người dễ rung động trước những câu chuyện tình yêu lãng mạn, nhẹ nhàng. Trong thế giới ngôn tình, dù bạn không đẹp “khuynh nước khuynh thành”, không tài giỏi vượt bậc, thậm chí có tầm thường như thế nào đi nữa thì vẫn có 1 nửa nào đó luôn sẵn sàng đợi bạn, dành cho bạn.
Ngôn tình Trung Quốc (Ảnh Internet)
Khi nhận thấy trào lưu ngôn tình trở nên rầm rộ, rất nhiều nhà văn, nhà phê bình đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của nó. Nhiều người gọi đây là thể loại sách xám, là chất độc làm ảnh hưởng trầm trọng đến nhân cách, nhận thức của giới trẻ. Để bảo vệ ngôn tình, độc giả lại cho rằng đó là gu thẩm mĩ, yêu thích riêng của từng người, không liên quan hay ảnh hưởng gì đến những vấn đề xa xôi như nhân cách hay nhận thức.
Câu chuyện đúng sai này vẫn chưa có một đáp án cụ thể nào. Người thích vẫn cứ đọc, người không thích vẫn cứ dè bỉu. Phim chuyển thể ngôn tình ra mắt chứng tỏ thể loại này vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định không dễ bị lung lay trong lòng khán giả.
Nền giáo dục Việt Nam luôn trăn trở việc “dân ta không biết sử ta” của giới trẻ hiện nay, và thật kỳ lạ khi nhiều bạn trẻ Việt Nam giờ lại nắm rõ lịch sử Trung Quốc hơn cả lịch sử nước nhà. Hiền (sinh viên Đại học Thương Mại) khiến cho bạn bè ngỡ ngàng khi cô nàng hay mơ mộng với chuyện ngôn tình lại có thể nắm rõ từng thời điểm lịch sử của Trung Quốc, các triều đại cũng như vị vua Trung Quốc. Lý giải cho việc này, Hiền tâm sự: “Không có gì lạ hết. Mình hay đọc truyện ngôn tình xuyên không. (Ngôn tình xuyên không là thể loại truyện mà nhân vật chính trở về quá khứ hoặc lạc vào một thời điểm trong quá khứ). Trong đó có đề cập nhiều đến mấy triều đại và vị vua bên Trung Quốc, đôi khi họ còn là nhân vật chính nữa. Đọc nhiều nên nhớ thôi mà”. Vậy liệu sự xâm nhập, phát triển này có phải là bước vươn mình mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc?
Tạm kết
Khi văn học nước nhà còn ở trong thế nửa vời, những bộ phim chuyển thể từ đó cũng chỉ mới đạt đến mức được đón nhận chứ chưa để lại dấu ấn quá sâu đậm hay chiếm quá nhiều sự quan tâm từ khán giả thì ngôn tình Trung Quốc đã chễm chệ dành riêng cho mình một chỗ đứng vững vàng. Còn nhớ bộ phim điện ảnh “Cánh đồng bất tận” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên nối tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi lên sóng đã gặp phải khá nhiều phản ứng dữ dội của người xem. Nguyên nhân là vì có quá nhiều cảnh nóng, khiến cho nội dung phim không được truyền tải sâu sắc như trong truyện. Ngược lại hoàn toàn, bộ phim chuyển thể ngôn tình gần đây nhất “Bên nhau trọn đời” lại có thời điểm khiến khán giả bức xúc khi trong phim không có những tình tiết nóng bỏng như nguyên bản truyện. Không biết là vì thị hiếu khán giả thay đổi hay do đặc điểm riêng của mỗi thể loại đòi hỏi phải thể hiện khác nhau?
Làm phim đã khó, làm phim chuyển thể từ truyện lại càng khó hơn. Bao giờ lời lẽ viết ra cũng mượt mà và sâu sắc vì người đọc có thể thỏa sức tưởng tượng, suy diễn. Nhưng để diễn tả được thần thái của nhân vật, của tác phẩm luôn là thử thách lớn nhất đối với mỗi diễn viên. Tạm chưa bàn luận đến nội dung phim chuyển thể ngôn tình, chúng ta có thể đoán được cơn sốt này chắc vẫn còn diễn ra lâu dài và được đón nhận nhiệt tình. Những “soái ca” “đại boss” vẫn sẽ là chủ đề bàn luận sôi nổi của giới trẻ.
Phan Nữ Trà My
Báo Mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận