Đằng sau “Đảo mộng mơ” là một thế giới thực

(Sóng trẻ) - “Đảo mộng mơ” chính là tên gọi của một trong những sáng tác dành cho lứa tuổi thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh. Với những nét ngây thơ, hồn nhiên, hình ảnh cậu bé Tin cùng hai người bạn chơi chung trên đống cát được cậu xem là Hoang đảo ấy là thứ “chắp cánh” cho hiện thực.

Năm 2003, khi trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ Chủ Nhật, tác giả đã tâm sự rằng: “Tuổi thơ đối với tôi là cả một thế giới đầy ám ảnh. Tôi luôn luôn bắt gặp  mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu. Ấy là khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga tuổi nhỏ. Và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng gần lại”. Chính vì viết bằng cả tâm hồn của mình nên những sáng tác viết về tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh đều khiến người đọc có những sự “ám ảnh” riêng và sẽ nhớ mãi sau khi đọc xong chúng. Ông không chỉ “kéo” tuổi thơ của chính mình lại gần mình hơn mà còn “kéo” cả tuổi thơ của biết bao độc giả đọc ông lại gần hơn với chính họ. 

“Đảo mộng mơ” của ông là một trong những sáng tác như thế!

Khi đống cát trở thành một hoang đảo

Điều đó chỉ có thể xảy ra với trí tưởng tượng của Tin khi cậu bé cho rằng mình đã “đánh chiếm” được đống cát công trình để xây nhà kho sau nhà. Từ đó, Tin xem nó là Hoang đảo của riêng mình và cứ chơi ở đấy. Cậu bé đào rãnh xung quanh đống cát rồi đổ nước vào rãnh, xem nó là đại dương có cá mập, còn tưởng tượng ra cả hải tặc.

Ban đầu, chỉ có Tin chơi một mình trên hoang đảo. Nhưng sau đó còn có cả thằng Bảy và cái Thắm – hai đứa bạn cũng học cùng lớp với Tin. Tin tự phong cho mình là Chúa đảo, Bảy là Phó chúa đảo còn Thắm là Chúa đảo phu nhân – vợ của Tin. Chúng xem con chó con là con sư tử, con mèo là con beo. Thế giới xung quanh khi được lọc qua lăng kính đôi mắt và tâm hồn của ba đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ trở thành một thế giới trên hoang đảo thực sự.

Sự ngây thơ, trẻ con và cũng rất chân thật của chúng đã thuyết phục người lớn tin rằng đống cát đó chính là một hoang đảo. Bố là người tin Tin ngay từ đầu, rồi đến mẹ của Tin, chị Hai của cậu bé, rồi cô giáo và bạn bè của Tin. Và có lẽ, có một điều còn hơn thế nữa đó chính là Tin cũng đang thay tác giả thực hiện một sứ mệnh vô cùng thiêng liêng là “kéo” những ký ức tuổi thơ lại gần hơn với chính những người tin vào cậu bé. Họ bắt gặp mình trong hình ảnh của cậu. Có lẽ vì thế mà niềm tin càng thêm vững chắc!

e6338874f_sach_dao_mong_mo.jpg

Cuốn sách “Đảo mộng mơ” – Nguyễn Nhật Ánh

Bức tranh chân thực của hiện thực xã hội

Bố luôn tin vào câu chuyện của Tin là điểm nhấn đầu tiên trong bức tranh hiện thực. Nếu như trong cuộc sống hiện nay, vì những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật, nhiều ông bố, bà mẹ đã “quên” đi thế giới của con trẻ, thậm chí không có đủ thời gian cho những thủ thỉ của con, thì bố của Tin lại khác. Ông lắng nghe con và để mình bị cuốn theo những câu chuyện ngây ngô trong trí tưởng tượng của con trẻ.

“Ờ, có thể là có đấy. Ba có nhìn thấy một hòn đảo như thế trong vườn” hay như “Ờ, cá mập luôn nguy hiểm với người đi biển. Nhất là loài cá mập trắng”… Trò chuyện cùng với con, có lẽ ông cũng đang trên cuộc hành trình trở về với tuổi thơ của chính mình vậy. Việc bố mua ống nhòm cho Tin, giữ lại đống cát công trình để Tin có chỗ chơi, tiếp tục tưởng tượng trong thế giới trẻ thơ của mình đã thể hiện ông là một người bố tinh tế, luôn quan tâm tới cảm nhận của con.

Chính bố cũng là người “chắp cánh” cho sự can đảm, mạnh mẽ và tâm hồn chính nghĩa của Tin. Hành động “mua ống nhòm” cho Tin đã thực hiện điều đó. Có ống nhòm, Tin, Bảy và Thắm đều tưởng tượng thêm được nhiều điều hơn, nhưng nó cũng giúp ba đứa trẻ thấy được xa hơn những điều đang diễn ra xung quanh chúng. Bị dì Sáu Dừa nghi ngờ là ăn cắp, cả ba đứa trẻ đều sợ và lo lắng hoang đảo của mình sẽ bị phá. Nhờ ống nhòm của bố tặng, Tin đã nhìn thấy được “thủ phạm” thực sự là cu Mít – con của dì Sáu Dừa. Từ đó, Tin biết được bạn mình đang gặp nguy hiểm do bị bọn xấu dụ dỗ hít thuốc phiện và đã thông báo kịp thời cho dì Sáu Dừa theo cách rất riêng của một Chúa đảo. Tin đã nói Bảy – Phó Chúa đảo đi gửi thư và nhất định là phải có con dao xuyên qua lá thư. Bảy lo khi phải lấy dao nhà mình đem đi, sợ mẹ mắng vì làm mất đồ. Nhưng khi thấy nhà dì Sáu Dừa cũng có thì nó vô cùng vui mừng. Chính nhờ lá thư đó, dì Sáu đã cứu được cu Mít. Dường như những hiện thực đáng buồn của cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ chấp nhận hơn khi nó được lọc qua thế giới của trẻ thơ.

Và hơn thế nữa, hoang đảo trong tưởng tượng kia lại chính là nguồn động lực mạnh mẽ cho Tin, cho Bảy khi đối mặt với Phàn – một người bạn không tốt. Tin và Bảy đã không còn sợ Phàn nữa khi nghĩ rằng mình là Chúa đảo và Phó Chúa đảo thì không bao giờ được sợ hãi. Một thực tế không thể phủ nhận đó là xã hội hiện nay vẫn còn những cậu bé như Phàn: Không còn bố mẹ, trở thành người hay đi bắt nạt bạn yếu hơn để lấy tiền. Nhưng một thế giới của tuổi thơ lấp lánh nhiều màu sắc tươi sáng đã “đánh bại” một thế giới tuổi thơ chỉ toàn màu một màu đen.

Kết thúc truyện, “hoang đảo” của Tin vẫn được bố giữ lại, cả ba đứa trẻ lại tiếp tục được chơi ở nơi mà chúng yêu thích nhất – nơi chúng đã tả với niềm thích thú và tự hào trong bài kiểm tra tập làm văn. Điều đó cũng có nghĩa là, Tin và Bảy sẽ luôn mạnh mẽ vì có hoang đảo và Phàn sẽ không bao giờ bắt nạt được Tin và Bảy nữa. Hãy để cho con trẻ được sống với thế giới tuổi thơ của chúng một cách đúng nghĩa là một bức thông điệp mang đậm nét nhân văn của "Đảo mộng mơ" tới thế giới thực.


Lê Loan
Báo mạng điện tử K33

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN