Đằng sau việc trẻ em bị xâm hại tình dục không dám lên tiếng
(Sóng trẻ) - Trước hàng loạt những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua bị phát hiện, câu hỏi đặt ra với nhiều người, tại sao những đứa trẻ không dám nói với ai, kể cả người thân.
Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), từ 2020-2022 phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em, trong đó trẻ em là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021), 6,65% (năm 2022). Theo thống kê từ Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 8/1/2020, cứ mỗi ngày có hơn 17 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đây là một con số khi nghe tới khiến ai cũng đều xót xa. Vậy lý do nào khiến nạn nhân chọn im lặng tự liếm vết thương chính mình.
Vô vàn nỗi sợ và sự hổng kiến thức của trẻ
Năm 2020, bé gái tại TP HCM bị chính bác ruột xâm hại trong suốt 8 năm, phải bỏ học để sống cuộc đời nô lệ tình dục. Cùng năm đó, tại quận Tân Phú (TP. HCM) bé gái 5 tuổi bị hàng xóm xâm hại. Người mẹ không hề biết rằng tuổi thơ 5 tuổi con mình bị vấy bẩn vết mực đen, và có lẽ phải rất lâu mới chữa lành. Hay gần nhất là trường hợp của bé gái 12 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) bị xâm hại và dẫn đến sinh con. Điểm chung của các vụ việc này là các nạn nhân đều giữ im lặng trong một thời gian dài, không dám nói ra.
Nghiên cứu viên Cao Ngọc Hồng Nhung, hiện đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM) nhận định về lý do trẻ không dám nói ra khi bị xâm hại: “Dưới góc độ tâm lý, hành vi xâm hại là được cho là điều xấu hổ ở độ tuổi thanh thiếu niên, thay vì báo với người khác, các em tự đổ lỗi cho chính mình. Một số trường hợp có thể xuất phát từ việc thiếu niềm tin với bố mẹ, lo lắng bị trách mắng hoặc đánh phạt tương tự như bị điểm kém".
Lý giải trên tương đồng với vụ án Cao Mạnh Hùng dâm ô trẻ em năm 2018. Chỉ đến khi Cao Mạnh Hùng bị bắt, một số em bé khác ở trong cùng khu dân cư của hắn mới thú nhận với bố mẹ là “con cũng bị”. Khi được hỏi lý do, các em đều đáp rằng vì sợ bị bố mẹ mắng, sợ bị bố mẹ đánh. Thay vì tin tưởng được bảo vệ thì các em lại sợ bị trừng phạt trong khi các em chính là nạn nhân.
Thạc sĩ Trần Thuỳ Dương, thạc sĩ tâm lý học Đại học Northampton Anh Quốc cho biết một lý do khác người duy nhất có thể bảo vệ được trẻ là chính bản thân các em. Điều quan trọng nhất chính là các em bị hổng về kiến thức giới tính, về quyền trẻ em và thiếu những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. “Hiện nay, giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình dường như không dạy cho các em những kiến thức và kỹ năng này, hoặc có dạy nhưng bao quát không tới. Đó là lý do khi sự việc bị xâm hại xảy ra, nhiều em thậm chí còn không biết mình bị xâm hại, không biết hành vi đó luật pháp nghiêm cấm, là hành vi có thể bị pháp luật xử tù. Các em cũng không biết rằng, mình được luật pháp, được người lớn bảo vệ trong mọi trường hợp khi bị xâm hại.”
Không có sự giúp đỡ
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, có tới hơn 80% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, quen. Trong đó, câu chuyện của cô gái 20 tuổi nhưng bị xâm hại suốt 8 năm tại Tp. HCM cũng không ngoại lệ. Kẻ thủ ác chính là bác ruột của cô bé. Chỉ tới khi mẹ gặng hỏi thì em mới bày tỏ.
Nghẹn ngào hơn là khi gia đình biết chuyện nhưng lại “nhắm mắt cho qua”. Theo lời kể của phóng viên VOV về sự việc này, năm 18 tuổi, bé có ý định tự tử khi đêm tối bước vào giấc ngủ, nghĩ đến chuyện đó là khóc. Bố biết, bà nội biết nhưng để ông này tới lui liên tục. Em nói rằng “con bất lực rồi”, kể cả người nhà mà không giúp được, không bảo vệ được thì biết kêu ai.
Thạc sĩ tâm lý học Trần Thuỳ Dương nhận định, việc phát hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em không dễ dàng, có thể do kẻ xâm hại cố ý tìm cách che giấu hoặc đe dọa trẻ em. Khi gia đình người thân biết nhưng cũng không dám lên tiếng vì sợ lời ra tiếng vào, ảnh hưởng danh dự. Thế nên, gia đình vốn là nơi nương náu lại hoá thành trở thành địa ngục với những đứa trẻ, và chúng chỉ còn biết thu mình vào bóng tối cam chịu.
Bảo vệ từ những đứa trẻ
Kiến thức về sinh lý là điều đầu tiên cần trang bị cho trẻ. Theo Chị Cao Ngọc Hồng Nhung cho biết: “Xã hội chú tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao kỹ năng cho trẻ. Bằng chứng cho thấy ngày nay hầu hết các trường từ mầm non đến THPT đều có các tiết dạy hoặc chuyên đề kỹ năng. Tuy nhiên như vậy chưa đủ, mức độ phủ rộng khiến nội dung chưa đủ sâu để các em thật sự lưu ý. Giáo dục gia đình đến từ bố mẹ rất quan trọng, bố mẹ không chỉ nuôi dưỡng, dạy dỗ mà còn nên trở thành người bạn đồng hành với con. Không chỉ bé gái mới có nguy cơ, có bố mẹ luôn bên cạnh tạo sự tin tưởng để các em chia sẻ mọi vấn đề gặp phải giúp hạn chế những trường hợp đáng tiếc xảy ra.”
Theo Thạc sĩ tâm lý Trần Thuỳ Dương, cách tốt nhất là làm bạn với con, không nên quá áp đặt con phải giỏi như con nhà người ta: “Cha mẹ cũng đừng nên quá đặt nặng kết quả học tập của con, mà hãy để ý nhiều hơn đến tâm sinh lý của con, gần gũi với con hơn, đừng khiến trẻ lo sợ khi mắc lỗi. Dù là trong bất cứ vấn đề gì trẻ gặp phải, hãy lắng nghe để chia sẻ cùng con như những người bạn. Đó là khi trẻ cảm thấy an toàn hơn những lời của trách".