Đem giá trị của báo chí vào truyền thông xã hội

(Sóng Trẻ) - Mỗi sáng thức dậy, thay vì bật tivi, mở đài, cầm tờ báo và vào các trang báo mạng điện tử để xem tin tức, rất nhiều người lại bắt đầu một ngày mới bằng những dòng thông tin rất ngắn trên các trang mạng xã hội. Điều này đã tạo ra sự chuyển biến lớn trong cách sử dụng các phương tiện truyền thông hiện nay của công chúng, ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng, giá trị thông tin được truyền tải.

Công chúng đã thay đổi


Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các trang mạng xã hội như Facebook, MySpace, Twitter, CyWorld, trang web chia sẻ hình ảnh You Tube hay Zing Me, VietSpace… bởi chúng đáp ứng được khát khao cập nhật và chia sẻ tin tức của nhiều người. Rất khó để có những số liệu chính xác về sự gia tăng chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội. Chỉ biết rằng, đó là sự biến đổi hàng ngày.

Với các tính năng tiện lợi như trò chuyện (qua Messenger chat), chia sẻ tập tin (Send files), gửi thư điện tử (Email), xem phim, ảnh, điện thoại (Voice chat), nhật ký điện tử (Blog), trò chơi (Games)… mạng xã hội đã thu hút sự tham gia, sử dụng và trở thành một phần tất yếu trong đời sống xã hội của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới.

Sự lớn mạnh của các mạng xã hội cùng ưu điểm vượt trội đã và đang làm thay đổi thói quen tìm kiếm, chia sẻ và sử dụng các phương tiện truyền thông của công chúng. Tuy không phải là các kênh chính thống đối với các vấn đề kinh tế, chính trị nhưng nó lại là kênh thu hút nhiều người, dễ tạo ra trào lưu và hiệu ứng tức thời. Và điều đáng chú ý là nó đưa đến cảm giác mọi người đang quan tâm nhiều hơn đến thông tin.

Ngày nay, công chúng không còn muốn chỉ là người thụ động tiếp nhận thông tin từ một phía. Họ mong muốn được nghe, được đặt câu hỏi. Họ có thể đào sâu hơn vấn đề, tìm kiếm thông tin theo sở thích, bám sát các mối quan tâm và chia sẻ những kiến thức, niềm đam mê với những người có chung sở thích. Họ cũng muốn nhận lại những thông tin liên quan đến cuộc sống, mối quan tâm của họ và muốn kiểm soát những nguồn thông tin đó. Họ muốn kết nối và duy trì mối quan hệ với những người họ trò chuyện. Và cứ thế, sự tin tưởng được thiết lập. Khi cần thông tin, họ chỉ việc kết nối với mạng lưới những người họ đặt niềm tin. Những sự kiện quan trọng hoặc thú vị xảy ra sẽ được thông báo.

Dường như mạng xã hội có thể cung cấp mọi thông tin, từ những thông tin ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người như động đất, sóng thần, bão lũ, hoả hoạn, chiến tranh, đâm xe, bạo lực, tội phạm… đến những điều nhỏ nhặt, bình thường trong cuộc sống riêng tư, sinh hoạt của mỗi người. Và dù là là chủ đề gì thì thông tin luôn phong phú.

Không chỉ vậy, những tiện ích chia sẻ của mạng xã hội giúp người dùng được tuỳ chọn để tạo ra một không gian riêng, khiến ai cũng có cơ hội trở thành trung tâm của đám đông. Một chính trị gia nổi tiếng, một cô ca sĩ thành danh hay một chị bán hàng tạp hoá, một bác xe ôm… dường như đều có cơ hội ngang nhau để thể hiện mình. Các mạng xã hội đem đến cho những người tham gia nhận thức rằng họ đang là một phần trong câu chuyện.  

Tại Mỹ, Anh… trong các cuộc bầu cử, các ứng viên đều khai thác và tận dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Twitter, để quảng bá hình ảnh cá nhân, thu hút cử tri và gây quỹ tranh cử. Nhiều ngôi sao điện ảnh, ca nhạc cũng sử dụng mạng xã hội để kết nối với người hâm mộ.

Đối với kinh doanh, mạng xã hội được xem là hình thức marketing mới. Nhờ những tiện ích của mình mà các mạng xã hội trở thành những phương tiện quảng cáo rất hiệu quả. Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông truyền thống đang có xu hướng dần chuyển sang mạng xã hội.

Những hiểm hoạ từ cộng đồng ảo

Tính chất ảo trên các mạng xã hội tạo điều kiện cho các thành viên giấu tung tích và dựng lên một con người ảo. Chỉ cần một tài khoản cá nhân, người tham gia có thể tự do phát tán thông tin theo ý thích. Tính chính xác, khách quan của thông tin dường như chẳng bao giờ là mối quan tâm của ai cả.

Một thực tế dễ nhận thấy là trên các mạng xã hội đang tồn tại rất nhiều những hội cuồng tín, phản động, tội phạm… Chúng sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho mục đích xấu xa, có thể là bôi xấu hình ảnh của cá nhân, tổ chức nào đó hoặc lợi dụng để can thiệp công việc nội bộ các nước khác. Cuộc nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý Digital Daya cho thấy, các quốc gia hay bất ổn về chính trị có khuynh hướng xem truyền thông xã hội là một mối đe doạ.

Trên mạng xã hội, người ta thoải mái chê bai, thậm chí là xỉ nhục danh dự cá nhân, tổ chức mà không chịu sự kiểm soát hoặc phán xét của bất kỳ ai. Hàng ngày, diễn ra hàng nghìn các cuộc đôi co, tranh cãi cùng với vô số các lời lẽ nhận xét chủ quan, gay gắt, thoá mạ, mạt sát nhau. Rất nhiều người, tổ chức, doanh nghiệp… trở thành nạn nhân của những dụng tâm ác ý, có chủ đích. Chỉ trong tích tắc, danh dự, nhân phẩm, thương hiệu… bị phá hoại mà không cách nào khắc phục. Khá nhiều vụ tự tử xảy ra do bị lừa đảo hoặc lôi kéo trên mạng. Những trào lưu sống không lành mạnh cũng nhờ đó mà lây lan rất nhanh.

Các thông tin cá nhân cũng dễ dàng bị công bố mà không cần quan tâm tới bản quyền hay ý kiến của chủ nhân. Việc bị ăn cắp thông tin cá nhân là một mối nguy hiểm thực sự qua hình thức phát tán thông tin không hạn chế trên mạng xã hội.

Cả thế giới giờ đây đã bắt đầu cảm nhận được những sự nguy hiểm từ sự quá tự do trên mạng xã hội và đang cùng nhau tìm cách khắc phục.

Giá trị của truyền thông có bị thay đổi?


Khách quan, chính xác luôn là nguyên tắc quan trọng của tin tức. Nguồn gốc, quy trình, con đường đi… hay câu trả lời cho câu hỏi ai cung cấp, tin tức đến từ đâu vẫn là mong muốn được biết của nhiều người nhưng dường như ít quan trọng bằng tính khẩn cấp, sự tức thời của tin tức. Có một tâm lý chung của những người dùng mạng xã hội là thích hướng về những thông tin nóng, mới hơn là biết chúng đến từ đâu, có chính xác hay không. Sự thật là có rất nhiều các tin đồn nhảm xuất hiện từ các trang web không đáng tin cậy nhưng chẳng làm cho cư dân mạng để ý. Các mạng xã hội dường như cũng không quan tâm đến điều này. Vì vậy, nhiều người lo lắng rằng những giá trị cốt lõi của truyền thông đang đứng trước nguy cơ mất dần.

Đối với rất nhiều người, mạng xã hội đem lại cho họ nhiều thông tin hơn là những cuốn sách kiểu bách khoa toàn thư. Những thông tin cực ngắn hấp dẫn hơn là những cuốn tiểu thuyết nhiều tập. Vì vậy, những mẩu ghi chép, đoạn video, âm thanh, bản nhạc ngắn… được người ta nhanh chóng truyền đi và “gọi” nhau cùng đọc.

Tuy nhiên, những thông tin mà người dùng có được mỗi khi truy cập vào các mạng xã hội là vô số. Làm thế nào để chọn lựa, đánh giá, phân tích hay giải thích? Rất khó để có thể xử lý đống thông tin quá tải này. Đó chính là sự khác biệt giữa báo chí và truyền thông xã hội. Và đó cũng chính là lý do để những giá trị của truyền thông luôn tồn tại.

Rất nhiều người vẫn tìm đến những thông tin từ báo chí và tin tưởng vào báo chí. Đơn giản đó là vì họ cảm thấy báo chí vẫn còn đáp ứng những nhu cầu của họ. Trách nhiệm của báo chí không chỉ là có mặt đúng lúc và đưa ra những thông tin chính xác một cách kịp thời đến độc giả. Báo chí giúp công chúng chọn lựa, phân loại đúng đắn nhất những thông tin phục vụ cho mục đích lâu dài của họ từ một đống những nguồn tin riêng biệt, giúp họ trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm.

Cộng sinh giữa báo chí và truyền thông xã hội

Báo chí không còn vai trò độc quyền sở hữu tin tức nữa. Bây giờ, công chúng có rất nhiều lựa chọn. Nếu như báo chí không là nguồn tin hữu ích và nhà báo lại tách mình ra khỏi những vấn đề thực sự quan trọng đối với công chúng thì ngay lập tức họ có thể tìm được những thông tin họ cần thông qua các kênh thông tin khác.

Cũng đã qua rồi cái thời công chúng phải tự đi tìm thông tin bởi vì thông tin tự tìm đến với họ. Đơn giản, họ chỉ cần kết nối với mạng lưới những người bạn mà họ tin tưởng. Với tư cách là người tiêu thụ và định hướng cách thức đưa tin, công chúng ngày nay có nhiều sức mạnh hơn.

Giờ đây, thay vì ngồi chờ công chúng đến, báo chí phải năng động hơn nữa, chủ động tiếp cận xem họ thích gì, đang đề cập đến gì để hướng sự chú ý của họ vào những thông tin do mình cung cấp. Nhà báo thay vì là người đưa tin, gác cổng thông tin trở thành thành viên cùng tham gia chia sẻ thông tin trong một không gian công cộng.

Đối với báo chí nói chung, truyền thông xã hội đang giúp họ nối dài cánh tay, nếu họ biết tận dụng. Truyền thông xã hội có thể được sử dụng như là một cách thức để báo chí thiết lập những mối quan hệ và lắng nghe ý kiến của công chúng. Rất nhiều các cơ quan báo chí đang thực hiện những chiến lược nhằm khai thác truyền thông xã hội để thu hút, gia tăng lượng người truy cập. Họ chủ động sử dụng các công cụ trên mạng xã hội để truyền tải nội dung thông tin, truyền tải những giá trị của văn hoá báo chí đến nhiều đối tượng hơn nữa.

Các tờ báo mạng điện tử hiện nay dường như đều thấy cần thiết phải trang bị những ứng dụng để tự động cho phép cập nhật những bài báo của mình lên các mạng xã hội. Trên Facebook, Twitter, Zing me... số lượng các liên kết được chia sẻ liên tục thay đổi theo xu hướng lớn lên hàng ngày. Đồng nghĩa với đó là số lượt người truy cập vào các tài khoản của các tờ báo cũng tăng lên.

Các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới như CNN, BBC, Washington Post, New York Times, Daily Telegraph … đều có những bước đi quyết liệt, chủ động để quảng bá nội dung của mình trên các mạng xã hội. Họ yêu cầu các phóng viên của mình phải hội nhập và lắng nghe để có sự hiểu biết hơn về công chúng - những người đang có liên quan trực tiếp đến thương hiệu của họ.

Ở Việt Nam, điều này cũng đang được quan tâm đặc biệt. Các tờ báo như VietNamNet, VnExpress, Tuổi trẻ Online… đều xây dựng các trang giới thiệu trên các mạng xã hội nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, cập nhật của cộng đồng mạng xã hội.

Dưới mỗi bài viết của VietNamNet đều có sử dụng các công cụ chia sẻ thông tin của Facebook, Zing Me… Không chỉ trên trang chính, các chuyên trang như Tuanvietnam, Diễn đàn kinh tế Việt Nam, Bảo vệ người tiêu dùng… đều đưa thêm phần Bookmarks để giúp công chúng có thể chia sẻ và cùng bình luận với bạn bè về các bài viết. Điều này đã giúp cho tên tuổi của VietNamNet trở nên phổ biến đối với cư dân của các trang mạng xã hội.

Báo chí cũng sử dụng mạng xã hội như công cụ để thu thập những thông tin gắn bó, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, với địa phương của công chúng. Bởi nhà báo không thể có mặt ở mọi nơi khi sự kiện diễn ra. Nhưng công chúng thì có. Ngay lập tức, khi có những thông tin xảy ra xung quanh mình, mọi người cùng kết nối và chia sẻ với người khác trên mạng xã hội.

Việc sử dụng các mạng xã hội đã giúp báo chí quảng bá hình ảnh, tên tuổi, chất lượng thông tin đến với hàng tỷ người trong cộng đồng mạng. Không chỉ vậy, nó còn tạo thêm sự phong phú, nhiều lựa chọn về thông tin cho các thành viên. Sự hội nhập sâu vào các phương tiện truyền thông xã hội là một bước đi quan trọng đánh dấu sự cải thiện tin, bài và gần gũi hơn với các nguồn tin. Ngược lại, các trang mạng xã hội cũng được lợi. Rất nhiều người khi truy cập vào tờ báo đã biết đến và tham gia vào Facebook, Twitter hay Zing Me.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, nếu báo chí chỉ sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ để phục vụ cho mình thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng hơn là làm thế nào để mang những giá trị báo chí vào được thế giới truyền thông xã hội rộng lớn ấy. Quan niệm này đang được nhiều người ủng hộ.

Vấn đề ở đây là lợi ích của cộng đồng. Những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay của báo chí là công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật cần được đưa rộng rãi vào truyền thông xã hội làm cho nó lành mạnh hơn, mang tính trách nhiệm hơn, thu hút được trí tuệ, khả năng sáng tạo của hàng triệu người nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.

Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp và một số nghiên cứu về mạng xã hội.

T.S Nguyễn Thị Trường Giang

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Bài đã được đăng trên Thời báo Ngân hàng số 98+99 ra ngày 20-6-2011

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN