Di tích lịch sử cầu Long Biên: “Giới trẻ phải trân trọng những gì quá khứ để lại”
(Sóng trẻ)- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ngừng triển khai phương án di dời cầu Long Biên về phía thượng lưu, một trong số đó là việc giới trẻ đã lên tiếng và có những hành động của riêng mình để bảo vệ di tích lịch sử này. Phóng viên đã có cuộc gặp gỡ với PGS. TS văn hóa Phạm Ngọc Trung để nghe quan điểm của ông về vấn đề trên.
- Thưa ông, vì sao lại có quyết định ngừng triển khai phương án di dời cầu Long Biên? Theo ông, các hoạt động của giới trẻ như thi kí họa cầu Long Biên, triển lãm ảnh về cầu Long Biên... có tác động gì đến quyết định trên hay không?
Việc đưa ra quyết định phá bỏ cầu Long Biên là một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra đề án để dịch chuyển cầu Long Biên ra khỏi vị trí của nó và xây vào đó một cây cầu mới. Nhưng chúng ta thấy rằng cho đến nay, đề án đó đã được các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như: lịch sử, kiến trúc, đô thị,… tham gia phản biện.
Vấn đề này cũng được rất đông các bạn trẻ là sinh viên quan tâm, họ đã có những hoạt động để kêu gọi giữ gìn, bảo tồn di sản cầu Long Biên. Tôi nghĩ, đó là những hoạt động rất có ý nghĩa. Trước những ý kiến và hành động như vậy, bộ Giao thông vận tải đã buộc phải dừng triển khai đề án để xem xét lại.
Cầu Long Biên vẫn được để ở vị trí cũ nhưng mà sẽ được sửa sang tân trang lại, còn cầu mới sẽ làm ở một vị trí khác. Chúng ta thấy đây là sự kiện rất đáng lưu tâm, cơ quan bộ đã đưa ra đề án nhưng khi mà nó chưa phù hợp với những giá trị văn hóa thì rõ ràng không bao giờ được thực hiện và dân chúng sẽ không ủng hộ là điều đương nhiên.
Đây là một bài học cho thấy sự phát triển của đô thị hiện đại phải gắn với giá trị lịch sử truyền thống. Chúng ta không thể xây dựng đô thị hiện đại, phát triển bằng mọi giá mà quên đi những cái gọi là công trình kiến trúc, văn hóa nghệ thuật mang tầm vóc lịch sử nhất là trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung trao đổi cùng PV
- Ông có đánh giá gì về việc giới trẻ ngày nay đang tích cực tiếp cận những giá trị lịch sử của dân tộc qua những nhân chứng sống, trong đó có cầu Long Biên?
Cầu Long Biên là một công trình giao thông, nhưng vượt qua cả giá trị sử dụng đó, cầu Long Biên vươn tới lưu giữ trong nó những giá trị, lịch sử, văn hóa nghệ thuật.
Đây là một trong những cây cầu đẹp nhất của Đông Dương, đầu thế kỉ 20, nó mang kiến trúc Pháp cổ. Hình cầu Long Biên có kiến trúc rất đặc biệt, giống một con rồng đang vươn dài qua con sông, nó mang vẻ đẹp trong kết cấu, đẹp ở nhịp cầu và hài hòa với những giá lịch sử Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Đặc biệt, chúng ta thấy là cầu Long Biên đã gắn với những lịch sử oai hùng của dân tộc ở các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Chính cầu Long Biên đã chứng kiến quân đội Pháp phải rút khỏi Hà Nội ra Hải Phòng để lên tàu về nước. Đấy là bước chân của những sỹ quan quân đội Pháp cuối cùng phải rút ra khỏi Hà Nội. Cầu Long Biên cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của các chiến sỹ phòng không Hà Nội. Họ đã đặt pháo trên đỉnh cầu để bắn máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Long Biên và khu Đông Hà Nội.
Cây cầu còn là huyết mạch giao thông, nó gắn nội thành với khu phía đông Hà Nội như vùng Hưng Yên, Hải Phòng, Đông Anh, Gia Lâm,... Đây chính là cây cầu liên kết văn hóa giữa trung tâm Hà Nội với các vùng lân cận, vừa là trao đổi giao lưu về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.
Đây chính là những kiến thức mà chúng ta thấy là các bạn trẻ khi trực tiếp đến tham quan quan cầu Long Biên có thể tiếp cận, cái mà những bài học trên lớp trên trường chưa chắc đã có được. Trên thực tế hiện nay, chúng ta nhận thấy rằng, giới trẻ đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống mà tiêu biểu là cầu Long Biên. Các em đã say mê tìm hiểu công trình qua thực tiễn. Nhiều sinh viên của tôi đã dày công tìm hiểu về lịch sử hình thành, kiến trúc của cầu Long Biên.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nhiều bạn trẻ vẫn còn thờ ơ. Họ xem việc bảo tồn cầu Long Biên không có tác động gì đến bản thân mình. Đó là một điều hết sức sai lầm và họ cần phải thay đổi suy nghĩ và hành vi của mình.
- Theo ông, cần làm gì để nâng cao nhận thức của giới trẻ khi nói về giá trị lịch sử văn hóa, tốt đẹp của cầu Long Biên?
Chúng ta thấy rõ ràng phải giải thích cho giới trẻ biết về giá trị văn hóa, lịch sử của cầu Long Biên. Có người quan niệm cây cầu do người Pháp làm ra, không liên quan đến người Việt Nam. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng về kiến trúc là do người Pháp thiết kế, còn những công nhân, kỹ sư Việt Nam là người thực hiện, đổ mồ hôi nước mắt để xây dựng nên cây cầu như ngày hôm nay.
Cần phải chỉ cho giới trẻ thấy rằng cầu Long Biên gắn với cuộc sống của người Việt Nam và đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ này, nó là một phần của Lịch sử, của văn hóa Hà Nội, chúng ta cần tôn trọng, bảo tồn thì văn hóa, lịch sử của chúng ta mới phong phú, mới dầy lên. Cái gì chúng ta cũng bảo không liên quan, không gắn bó thì có lẽ rất nhiều di tích lịch sử của chúng ta sẽ bị bỏ qua hoặc lãng phí một cách đáng tiếc.
Giới trẻ phải trân trọng những gì quá khứ để lại vì đó là hội tụ sức mạnh, tinh thần, trí tuệ của người Việt. Tất nhiên, ở đó cũng có sự đóng góp của một số công trình sư người Pháp nữa. Giới trẻ phải ý thức được rằng đó là sự liên kết toàn cầu ở Việt Nam từ đầu TK XX chứ không phải đến TK XXI mới có. Vậy cho nên thế hệ trẻ phải nhìn nhận điều đó một cách đầy đủ và sâu sắc thì mới biết trân trọng và giữ gìn.
- Vâng, xin cảm ơn ông !
Hồng Nga – Hoa Quỳnh Liên
Báo in K31A1
Cùng chuyên mục
Bình luận