Dịch COVID-19: Thị trường "đất vàng" cho thuê tại Hà Nội ế ẩm
(Sóng trẻ) - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ế ẩm mặt bằng cho thuê tiếp tục là thực trạng chung ở hầu khắp các tuyến phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Sau sự thành công của đợt những chống dịch COVID-19, không ít người đã kỳ vọng việc kinh doanh có thể hồi phục. Tuy nhiên, khi đợt bùng phát COVID-19 thứ tư ập tới thì tình hình ngày càng khó khăn.
Theo ghi nhận của PV, trên hầu khắp các tuyến phố, tình trạng treo biển “Cho thuê mặt bằng”, “Cho thuê cả tòa nhà” đang diễn ra khá nhiều. Không ít địa điểm mặt bằng tại các trung tâm thương mại, khu phố lớn như phố Huế, Hàng Đào, Thái Hà, Kim Mã,… liên tục cửa đóng then cài và treo biển giảm giá nhưng lượng khách thuê vẫn thưa thớt.
Trên các hội nhóm bán hàng, tin về thanh lý, chuyển nhượng cửa hàng, thanh lý đồ pha chế… cũng tràn lan trên các trang.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, không chỉ các diện tích mặt tiền nhỏ lẻ bị trả lại, hàng loạt mặt tiền diện tích rộng cả trăm mét vuông hay những nơi được coi là “đất vàng, đất bạc” cũng lâm cảnh “chợ chiều”, thậm chí là đóng cửa chờ khách thuê.
Khu vực chợ Đồng Xuân vốn là nơi buôn bán sầm uất nhất phố cổ Hà Nội nhưng những ngày này cũng vắng người qua lại. Hầu hết là các chủ quầy buôn đến mở cửa, giữ chỗ, buôn bán qua ngày.
“Dù đã được giảm giá nhưng cửa hàng tôi vẫn quyết định đóng cửa, trả mặt bằng, bởi dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, giữ mặt bằng không khéo mất hết cả vốn. Thêm nữa, dịch COVID-19 khiến thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Nhiều người chuyển từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng sang mua online. Do đó, cửa hàng đóng cửa quay về các kênh thương mại điện tử để tiết kiệm chi phí”, chị Nguyễn Lưu Ly – chủ cửa hàng quần áo trên đường Tôn Thất Thiệp chia sẻ.
Chị Nguyễn Phương Hồng, chủ một cửa hàng cho thuê trên phố Thái Hà (quận Đống Đa) cho biết: “Từ khi dịch bệnh xuất hiện, người thuê trả lại cửa hàng do kinh doanh không có lãi. Chưa bao giờ mặt bằng cho thuê lại phải đi tìm khách thuê khó khăn đến vậy. Mặc dù đã ít ràng buộc về thời hạn thuê hay điều kiện thanh toán nhưng cũng không tìm được khách thuê”.
Anh Hoàng Ngọc Tuấn - chủ tại một quán cà phê trên phố Huế, cho biết: “Nếu như trước kia, bất động sản phố cổ được coi là đất “kim cương” thì sau những đợt dịch liên tiếp, giá cho thuê mặt bằng đã giảm từ 30 - 50%. Quán tôi may mắn được chủ mặt bằng giảm một nửa tiền thuê nên vẫn bám trụ được, còn mấy quán xung quanh đóng cửa hết cả rồi, thu nhập không đủ để trả tiền mặt bằng và trả lương cho các nhân viên”.
Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, các toà nhà văn phòng tư nhân nhỏ lẻ đều chung đều chung tình trạng lo lắng khách thuê trả lại mặt bằng hoặc trả một phần nên phải giảm giá sâu, đồng hành cùng khách thuê vượt qua khó khăn.