“Định vị văn hóa tiêu dùng của người Việt” cùng GS Nguyễn Lân Dũng
(Sóng trẻ)- Chiều ngày 20/9, tọa đàm mang tên “Định vị văn hóa tiêu dùng của người Việt” đã diễn ra tại Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông dưới sự tài trợ của câu lạc bộ Kiến Thức Việt - công ty trí tuệ nhân tạo AI Việt Nam. Với những quan điểm của GS Nguyễn Lân Dũng, buổi tọa đàm mang lại nhiều suy nghĩ về cách tiêu dùng cũng như sự lựa chọn hàng hóa của người Việt Nam.
Tọa đàm “Định vị văn hóa tiêu dùng của người Việt”(Ảnh: Internet)
Trước ý kiến cho rằng khi tìm hiểu văn hóa cộng đồng nào đó phải tìm đến chợ bởi chợ là nơi có thể đánh giá được mức độ phát triển của một vùng miền, một khu vực, nhưng ngày nay khi văn hóa siêu thị tràn vào thì văn hóa chợ liệu có còn tồn tại? GS Nguyễn Lân Dũng đã có nhưng chia sẻ vô cùng thú vị về văn hóa chợ, văn hóa siêu thị của một số quốc gia.
Ngày nay, khi văn hóa siêu thị tràn vào thì văn hóa chợ có vẻ trầm xuống nhưng không hoàn toàn mất đi, loại hình chợ truyền thống đang dần mai một thay vào đó là các chợ cóc, chợ tạm bởi con người không có thời gian lang thang siêu thị, bởi cuộc sống quá phực tạp và bận rộn.
Tìm hiểu rõ hơn về văn hóa tiêu dùng của người Việt, GS Nguyễn Lân Dũng cũng chỉ ra những đặc trưng riêng, văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Ông đã chia sẻ những điều thú vị trong đời sống như câu chuyện của người nông dân tự cung tự cấp tới việc mua một cái áo giống nhau hoàn toàn ở bên Mỹ và trên cửa khẩu Lạng Sơn nhưng giá chênh lệch hàng trăm lần và đều do Trung Quốc sản xuất. Có thể thấy văn hóa tiêu dùng của một quốc gia phải phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, hoàn cảnh như thế nào thì sẽ quyết định tới văn hóa lựa chọn hàng hóa của quốc gia đó.
Gs.Nguyễn Lân Dũng khi nói về văn hóa tiêu dùng của người Việt (Ảnh:VTV)
Văn hóa tiêu dùng Việt Nam nhiều khi còn thiếu văn hóa, văn hóa tiêu dùng còn phải phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, trình độ dân trí, chủ trương chính sách của Nhà nước. Việt Nam đôi khi chỉ tăng cường nhập khẩu mà xuất khẩu đi những hàng hóa có giá trị lâu dài bền vững, lãi xuất cao. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, “một nước 90 triệu dân mà cho đến nay chưa làm được 1mg nào chất kháng sinh, vitamin, hormone và hàng loạt thuốc chữa bệnh thông thường khác. Người bệnh phải mua thuốc nại với giá ngày càng cao. Các mặt hàng thiết yếu khác cũng như vậy. Vào siêu thị thấy quá vô lý khi ta phải nhập cả đũa, cả tăm, cả bông náy tai”... Với tâm lí sính nại, người Việt gần như đã tự mình làm mất đi quyền được dùng hàng chất lượng tốt giá cả phải chăng. Ông cũng chỉ ra rằng văn hóa tiêu dùng này còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn ở các thành thị nhất là với giới trẻ và các gia đình có điều kiện.Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tháng 8/2009 chính là chủ trương chính sách của nhà nước để kích cầu tiêu dùng với hàng hóa trong nước đồng thời đó cũng chính cơ hội để thể hiện lòng yêu nước, lòng tự tôn tự hào dân tộc. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở các thông báo nghị quyết thì không thể giải quyết được gì. Cái chính là phải tự vận động bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm của hàng hóa trong nước. Gs cho biết nguyên nhân khiến cuộc vận động ra đời được mấy năm nhưng chưa có kết quả tốt bởi định hướng sản xuất của các doanh nghiệp chưa được tốt. Muốn làm được điều đó Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư khoa học một cách có hiệu quả hơn.
Hiện nay mỗi năm, Quốc hội dành 700 triệu USD đầu tư cho khoa học – Công nghệ để có thể tạo những bứt phá đáng kể về khoa học, tạo nền tảng cho việc sản xuất trong nước hầu hết các mặt hàng thiết yếu. Người Việt Nam thực hiện lời kêu gọi bằng cách sử dụng hàng Việt tìm sản phẩm an toàn, tham gia vào sản xuất sản phẩm an toàn, cao hơn là tạo ra hàng Việt chất lượng cao chứ không hoàn toàn là tẩy chay hàng Trung Quốc, hàng hóa chất lượng cao mới có thể kéo người tiêu dùng về phía mình.
Khi nhắc về vai trò của giới trẻ trong văn hóa tiêu dùng và thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, GS một lần nữa khẳng định sáng tạo và nâng cao chất lượng là cách tốt nhất mà người Việt Nam nên làm để văn hóa tiêu dùng của đất nước được tốt đẹp. Mọi sản phẩm đều phải có tinh thần, có chất lượng cao, đều phải hội nhập quốc tế nhưng phải mang màu sắc văn hóa vật chất tinh thần Việt Nam. Thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm để có một văn hóa tiêu dùng hiện đại, thông minh và tiết kiệm.
Buổi tọa đàm diễn ra trong khoảng hơn 2 tiếng, sự hấp dẫn không chỉ ở những chia sẻ thú vị của khách mời mà còn ở những câu hỏi của khán giả về vấn đề văn hóa tiêu dùng của người Việt trong thời kì bão giá cũng như thương mại điện tử đang lên ngôi. Chương trình đã giải đáp được một phần những thắc mắc của các bạn trẻ về tiêu dùng và hàng hóa Việt hiện nay đồng thời cũng là những lời khuyên về chân thành cho chúng ta trong việc lựa chọn và sử dụng hàng Việt một cách khoa học nhất.
Triệu Hà
Báo mạng điện tử K31
Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận