DU HỌC SINH VIỆT NAM TẠI PHÁP TRONG MÙA DỊCH: “NHIỀU LÚC CHỈ MUỐN BUÔNG XUÔI"
(Sóng trẻ) - Đó là lời tâm sự của bạn Đậu Nam Phương – du học sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Thành phố Lyon của Pháp khi phải ở nhà cách ly trong thời gian dài. Khó khăn, bế tắc, không thể ra ngoài đi làm, đi học cũng như không thể về quê, nhiều bạn sinh viên Việt Nam du học tại Pháp trở nên bí bách, túng quẫn và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Nước Pháp trong năm 2021 đã trải qua bốn đợt phong tỏa chống dịch Covid-19. Đối với du học sinh Việt Nam tại Pháp, cũng giống như sinh viên Pháp và sinh viên nước ngoài đến Pháp học tập, tình trạng phong tỏa kéo dài khiến họ gặp không ít khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống hàng ngày. Khó khăn, bí bách, nhiều bạn sinh viên bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý.
Thiếu nguồn thu nhập do không có việc làm thêm
Đậu Nam Phương – sinh viên năm cuối chuyên ngành truyền thông tổ chức doanh nghiệp tại trường Lumière Lyon 2, Lyon, Pháp chia sẻ: “Dù dịch bệnh nhưng mình vẫn phải chuyển nhà liên tục vì nhiều lí do, và cũng rất khó để kiếm được việc làm. Áp lực về học tập, tinh thần, tiền bạc khiến mình thực sự bị khủng hoảng. Mình không thể nào thoát ra khỏi mớ hỗn độn đấy. Mình đã suy nghĩ tiêu cực và bế tắc trong cuộc sống. Nhiều lúc mình cũng chỉ muốn buông xuôi… Nhưng nghĩ đến bố mẹ ở nhà mình lại chỉ biết tự động viên để tự vượt qua”.
Nam Phương cũng cho biết chi phí ăn uống, sinh hoạt ở Pháp cũng rất tốn kém. Đồng thời việc khó khăn trong quá trình xin các công việc làm thêm đã khiến bạn rất vất vả để cân đối chi tiêu hàng ngày. “Mình phải tiết kiệm từng đồng nhưng cũng không chắc là đủ tiền trang trải đến hết mùa dịch này nên mình cũng đang cố gắng tìm việc làm thêm”.
Đường về nước cũng vô cùng gian nan
Bạn Ngô Thảo Linh – là sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doạn hiện đang sinh sống và học tập tại thành phố Clermont-Ferrand, Pháp chia sẻ về khó khăn của mình: “Mình đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Ở lại thì không biết phải xoay sở và sống tiếp thế nào. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp nên hầu hết các chuyến bay thương mại từ nước ngoài về Việt Nam rất ít. Thường thì sẽ nhường cho những người mang thai hay có hoàn cảnh đặc biệt cần phải về Việt Nam. Đồng thời là do có ít chuyến bay nên giá cả đắt đỏ, giá vé tăng gấp 5 - 10 lần, chưa kể tiền khách sạn trong lúc cách ly, tiền xét nghiệm… nên mình không đủ kinh phí để bay về Việt Nam”.
Khi học từ xa vượt quá sức chịu đựng
Đối với nhiều sinh viên, cảnh ngày nối ngày ngồi học một mình trước màn hình máy tính, giữa bốn bức tường trong căn phòng chật chội, giống như cảnh bị cầm tù. Thêm một trong những lý do khiến nhiều sinh viên bế tắc là việc học hành không hiệu quả.
Phó giáo sư Kiều Ngô, giảng viên Đại học Paris Sorbone cho biết: “Từ ngày có dịch Covid-19, đa phần tôi dạy trực tuyến, chỉ có vài buổi đầu năm học là được dạy trực tiếp trên lớp. Một vài buổi đầu dạy trực tuyến thì tôi thấy cũng ổn, khi còn mới thì vừa dạy vừa khám phá. Nhưng giờ tôi thấy không ổn lắm vì nếu cứ tiếp tục công việc thế này thì sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh cho cả giảng viên và sinh viên. Khi dạy trên mạng thì việc trao đổi, giao tiếp giữa sinh viên với thầy cô giáo bị hạn chế rất là nhiều”.
Những sự giúp đỡ của chính phủ, gia đình, bạn bè là vô cùng cần thiết
“May mắn là trong thời gian cách ly xã hội thì Chính phủ Pháp đã có những hỗ trợ về tài chính cho sinh viên như trợ cấp nhà ở, vé tàu, bảo hiểm hay giảm giá các bữa ăn cho sinh viên... Mình cũng nhận được nguồn hỗ trợ tinh thần lớn từ bạn bè, gia đình. Những điều đó giúp mình có thêm động lực hơn và cố gắng cho mục tiêu trong tương lai của mình” – bạn Hoài Bảo – sinh viên trường Đại học Paris Diderot chia cho biết.
Dần học cách thích nghi
Nam Phương cho biết: “Trong hai tháng trở lại đây thì cuộc sống của mình dần trở nên ổn định hơn. Mình đã có thể hòa nhập được với cuộc sống, với việc học tập. Mình đã cố gắng lập kế hoạch cho những hoạt động mình sẽ làm hàng ngày để không quên deadline hay những thứ mình phải làm”.
Bạn cũng chia sẻ rằng bạn đang đã học cách cân bằng giữa việc đi làm, đi học và dành thời gian cho bản thân. Đôi khi Nam Phương sẽ dành thời gian thiền định, thư giãn đầu óc bằng cách đọc sách, nghe nhạc, xem film…
Dù gặp muôn vàn khó khăn khi đi du học với sự ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng với cái nhìn lạc quan, lối sống tích cực thì Nam Phương, Thảo Linh… cũng như nhiều bạn sinh viên Việt Nam du học tại Pháp cũng đã nhận lại được nhiều bài học lớn cho cuộc sống để từ đó giúp bản thântrưởng thành hơn, biết tự lập và tự chủ trong cuộc sống và biết cách giúp bản thân trở nên tích cực và lạc quan hơn. Nam Phương tin rằng: “Không có trải nghiệm nào là tồi tệ cả, dù có là trải nghiệm xấu hay đẹp thì đều giúp chúng ta trưởng thành hơn”.