Giáo dục liêm chính trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực
(Sóng trẻ) - Sáng 27/3, tại Hội trường lớn Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay: Lý luận và thực tiễn”, mang đến nhiều bài tham luận chất lượng.
Hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Học viện Cảnh sát Nhân dân và Học viện An ninh Nhân dân, nhằm làm rõ vai trò của giáo dục liêm chính trong nâng cao nhận thức xã hội, đồng thời thảo luận giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên Hội đồng biên tập xuất bản; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu có tham luận đến từ các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương và địa bàn Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, học viên và sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hội thảo được chủ trì bởi GS,TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS. Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS,TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Thiếu tướng, PGS,TS. Trịnh Ngọc Quyên - Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân; GS,TS. Nguyễn Đắc Hoan - Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS,TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: “Hội thảo khoa học quốc gia hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, khơi dậy nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục liêm chính, coi đây là giải pháp 'phòng ngừa từ gốc' trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, nhà khoa học làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, đánh giá thực tiễn công tác giáo dục liêm chính trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thiếu tướng, PGS,TS. Trịnh Ngọc Quyên - Giám đốc Học viện An ninh nhân dân khẳng định: “Buổi hội thảo sẽ mang đến những giải pháp đồng bộ, phù hợp để tăng cường giáo dục liêm chính trong phòng chống tham nhũng tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh”.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về vai trò của giáo dục liêm chính trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề ra định hướng thúc đẩy nhận thức xã hội và đề xuất giải pháp khoa học nhằm nâng cao hiệu quả thực tiễn tại Việt Nam. Hội thảo thu hút hơn 170 bài tham luận có chất lượng đến từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia và nhà khoa học, với gần 150 bài được lựa chọn đưa vào kỷ yếu hội thảo.
Với bài tham luận “Giáo dục và thực hành liêm chính đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an Nhân dân”, Đại tá, TS. Nguyễn Đăng Sáu - Phó giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân chỉ ra rằng: “Nếu người lãnh đạo, chỉ huy thiếu liêm chính, tham nhũng hoặc lạm quyền sẽ gây mất lòng tin trong nhân dân, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội. Liêm chính là lá chắn giúp người lãnh đạo, chỉ huy tránh xa những sai phạm, đồng thời giám sát và ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong xã hội”.

Nhấn mạnh vai trò then chốt của giáo dục liêm chính trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đại tá, TS. Phan Văn Bé – Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an đề cao tầm quan trọng của giáo dục từ gốc trong bài tham luận “Vai trò của giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay ở Việt Nam”. Ông cho rằng, cần bồi đắp tinh thần liêm chính từ nhỏ, giúp hình thành nhận thức đúng đắn, từng bước làm suy yếu những hành vi tiêu cực và hướng đến chiến thắng tham nhũng bằng sức mạnh của giáo dục.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã làm rõ khái niệm liêm chính và giáo dục liêm chính. PGS,TS. Lưu Văn Quảng - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhấn mạnh: “Liêm chính là sự ngay thẳng, không tham nhũng. Giáo dục liêm chính không chỉ trang bị kiến thức, đạo đức mà còn giúp cán bộ nâng cao nhận thức trách nhiệm, góp phần ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực”.

Hội thảo thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu từ các cơ quan, đơn vị khác. Các tham luận tập trung phân tích sâu về vai trò của liêm chính trong quản lý, giáo dục và thực thi chính sách, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy môi trường làm việc minh bạch, hiệu quả.


Sau các phiên tham luận, hội thảo tiếp tục sôi nổi với những ý kiến trao đổi, đóng góp từ lãnh đạo các cơ quan, chuyên gia và nhà nghiên cứu. Các đại biểu tập trung thảo luận về những thách thức trong việc nâng cao nhận thức về liêm chính, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy giáo dục liêm chính trong các lĩnh vực khác nhau.

Kết thúc hội thảo, GS,TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, nhà khoa học. Ông nhấn mạnh, những phân tích toàn diện về bối cảnh trong nước và quốc tế, cùng các yêu cầu đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính và phòng, chống tham nhũng, đã góp phần hoàn thiện thể chế. Đồng thời, ông cho biết, việc bổ sung tiêu chí liêm chính như một yêu cầu bắt buộc trong đánh giá đạo đức, kỷ luật công vụ đang được cân nhắc.