(Sóng trẻ) - Thời tiết nóng nắng càng làm cho kênh nước tại phường Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) vốn đã thối nay lại càng bốc mùi khó chịu hơn. Hàng nghìn hộ dân đang phải sống khổ sở bên cạnh dòng nước đen ngòm, hôi thối, ô nhiễm.
Mương Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nôi) là tuyến mương lộ thiên chạy dài từ dốc La Pho, dọc ven đường Thụy Khuê rồi nối với hệ thống cống ngầm ở chợ Bưởi. Con mương này có nhiệm vụ thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ.Thế nhưng do mật độ dân số quá đông, ý thức của người dân xung quanh khu vực còn chưa cao, dẫn đến từ nhiều năm nay, kênh nước này ngày một ô nhiễm nặng nề. Ghi nhận của PV, tại đoạn mương này, nước thải xả ra hàng ngày khiến bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nước dưới lòng mương đen kịt, đặc quánh, lững lờ trôi, đi cùng là đủ các loại rác rưởi, từ túi ni nông tới thịt động vật mà nhiều người vô ý thức vứt xuống. Đặc biệt, những ngày hè nóng như thế này, bất cứ ai chỉ cần đứng cạnh khoảng năm phút là sẽ có biểu hiện đỏ mặt tức ngực rồi buồn nôn. Trong khi đó, đoạn đường này không có hàng rào che chắn ngăn cách với lòng mương, rất nguy hiểm cho người đi đường mỗi khi lưu thông qua, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, nhất là vào thời điểm đông người hoặc buổi tối.Sống quá nửa đời người bên cạnh mương, chị Nguyễn Thị Chuyên cho biết: “Ngày nắng cũng như ngày mưa, con mương bốc mùi khó chịu, muỗi bay vo ve vào tận trong nhà. Trời mưa thì còn khổ nữa, nước trong mương dâng cao, nhiều khi còn tràn qua bờ kéo theo rác thải chảy thẳng vào nhà dân”.
Ông Lê Xuân Thành, con mương chẳng khác gì “bể phốt” lộ thiên khiến cư dân khốn khổ.
“Thời điểm ô nhiễm kinh khủng nhất là buổi tối, vì thời gian này nhiều người đi làm về, sinh hoạt ở nhà nhiều nhất. Nhiều hộ không chịu được mùi hôi thối treo biển bán nhà nhưng cũng không ai mua", ông Thành nói
Từ khi nghe thông tin có dự án cải tạo, nhiều hộ dân tại đây đều khấp khởi trong lòng. Thế nhưng dự án kéo dài 10 năm nay, cuộc sống sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn, có nhà thì phải đóng cửa triền miên do ô nhiễm, người thì chuyển đi để giải phóng mặt bằng, gia đình có trẻ nhỏ thì phải đi thuê trọ, chờ đợi dự án hoàn thành.Các hộ gia đình đều trang bị những dụng cụ như bình xịt muỗi, tấm lưới... để tránh muỗi, gián sinh sôi nảy nở, bay vào nhà.
Cuối năm 2012, dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” được khởi công với tổng vốn là 400 tỉ đồng do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công.
Đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tư hạ tầng đô thị quận Tây Hồ. Theo kế hoạch, dự án sẽ cống hoá mương Thuỵ Khuê bằng hệ thống cống hộp, có vỉa hè 2 bên cùng hệ thống cấp nước và chiếu sáng đồng bộ.Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, cả khu vực vẫn như đại công trường, nơi đã được cống hóa nhưng mặt đường chưa hoàn thiện, nơi vẫn “án binh bất động” khiến tình trạng ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn so với thời điểm trước khi triển khai dự án.Trao đổi với PV, ông Hoàng Mạnh Khương (Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ) cho biết: “Hiện dự án kênh mương hoá đang gặp phải một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Do tuyến mương hẹp, chỉ có một con đường thi công độc đạo nên việc tiếp cận, vận chuyển nguyên vật liệu của công nhân cũng gặp nhiều trở ngại. Nhà thầu, ban quản lý dự án cũng vừa kiến nghị điều chỉnh dự án đến năm 2024 sẽ hoàn thành, người dân sẽ được hưởng lợi về mặt giao thông, môi trường xanh sạch đẹp hơn”.
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.